Chương 18. Sáng tạo

SÁNG TẠO - BỪNG CHÁY SỨC MẠNH BÊN TRONG.

Chương 18. Sáng tạo


Sáng tạo tối thượng, ý nghĩa của cuộc sống của bạn

Cuộc sống trong bản thân nó không có nghĩa. Cuộc sống là cơ hội để tạo ra ý nghĩa. Ý nghĩa không phải được phát hiện ra: nó phải được sáng tạo ra. Bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa chỉ nếu bạn tạo ra nó. Nó không nằm ở đâu đó sau bụi cây, để cho bạn có thể tới và bạn tìm một chút ít và thấy nó. Nó không có đó giống như tảng đá mà bạn sẽ tìm thấy. Nó là thơ ca cần được soạn ra, nó là bài ca cần được hát lên, nó là điệu vũ cần được múa.

Ý nghĩa là điệu vũ, không phải là tảng đá. Ý nghĩa là âm nhạc. Bạn sẽ thấy nó chỉ nếu bạn tạo ra nó. Nhớ lấy điều đó.

Hàng triệu người đang sống những cuộc sống vô nghĩa bởi vì ý tưởng ngu xuẩn này rằng ý nghĩa phải được phát hiện ra. Cứ dường như nó đã có đó, tất cả mọi điều bạn cần là chỉ kéo chiếc rèm lên, và nhìn ngắm! Ý nghĩa là ở đây. Nó không giống vậy đâu.

Cho nên nhớ lấy: Phật thấy ý nghĩa bởi vì ông ấy tạo ra nó. Tôi đã thấy nó bởi vì tôi đã tạo ra nó. Thượng đế không phải là vật mà là sáng tạo. Và chỉ những người sáng tạo mới thấy. Và cũng tốt là ý nghĩa không nằm ở đâu đó, bằng không thì nếu một người đã phát hiện ra nó - thế thì cần gì để mọi người khác phải phát hiện ra nó?

Bạn không thể thấy được khác biệt giữa ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa khoa học sao? Albert Einstein đã phát hiện ra lí thuyết tương đối; bây giờ, bạn có phải phát hiện ra nó lần nữa không? Bạn sẽ ngu xuẩn nếu bạn phát hiện nó lặp đi lặp lại. Phỏng có ích gì? Một người đã làm điều đó; người đó đã trao cho bạn tấm bản đồ. Người đó có thể đã mất nhiều năm, nhưng để bạn hiểu chỉ mất vài giờ. Bạn có thể vào đại học và học.

Phật cũng đã phát hiện ra điều gì đó, Zarathustra cũng đã phát hiện ra điều gì đó, nhưng điều đó không giống phát hiện của Albert Einstein. Không có chuyện bạn chỉ phải đi theo Zarathustra và bản đồ của ông ấy và bạn sẽ tìm thấy nó. Bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó cả. Bạn sẽ phải trở thành một Zarathustra. Thấy sự khác biệt này đi!

Để hiểu lí thuyết tương đối, bạn không cần trở thành một Albert Einstein, không. Bạn chỉ phải có mức độ thông minh trung bình, có thế thôi. Nếu bạn không quá chậm hiểu, bạn sẽ hiểu nó.

Nhưng để hiểu ý nghĩa của Zarathustra, bạn sẽ phải trở thành một Zarathustra - ít hơn thế sẽ không có tác dụng. Bạn sẽ phải tạo ra nó lần nữa. Và từng cá nhân phải cho sinh thành ra Thượng đế, ra ý nghĩa, ra chân lí; từng người phải trở nên mang thai với nó và trải qua nỗi đau sinh nở. Từng người phải mang nó trong bụng mình, cảm thấy nó bằng dòng máu riêng của mình, và chỉ thế thì người ta mới phát hiện ra.

Nếu bạn không thể thấy bất kì ý nghĩa nào trong cuộc sống, bạn phải chờ đợi thụ động để ý nghĩa tới... nó sẽ không bao giờ tới. Điều này đã là ý tưởng của các tôn giáo quá khứ, rằng ý nghĩa đã có đó rồi. Nó không có đâu! Tự do có đó để tạo ra nó, năng lượng có đó để tạo ra nó. Cánh đồng có đó để gieo hạt mầm và thu hoạch mùa màng. Tất cả đều có đó - nhưng ý nghĩa phải được tạo ra. Đó là lí do tại sao việc tạo ra nó là lại vui vẻ thế, phiêu lưu thế, cực lạc thế.

Cho nên điều đầu tiên: tôn giáo phải có tính sáng tạo. Mãi cho tới giờ, tôn giáo vẫn còn rất thụ động, gần như bất lực. Bạn không trông đợi một người tôn giáo có tính sáng tạo. Bạn chỉ trông đợi người đó nhịn ăn, ngồi trong hang, dậy sớm buổi sáng, tụng mật chú... và cái loại việc ngu xuẩn này. Và bạn được hoàn toàn thoả mãn! Người đó đang làm gì? Và bạn ca ngợi người đó bởi vì người đó cứ nhịn ăn dài dài. Có thể người đó là kẻ bạo ác; có thể người đó thích tự hành hạ mình. Người đó ngồi đó khi trời lạnh băng giá, trần trụi, và bạn ca ngợi người đó.

Nhưng phỏng có ích gì, giá trị gì ở trong việc đó? Tất cả mọi con vật trên thế giới đều ở trần trong cái lạnh băng giá - chúng không phải là thánh. Hay khi trời nóng, người đó ngồi dưới mặt trời nóng, và bạn ca ngợi người đó. Bạn nói, 'Trông kìa! đây mới là khổ hạnh lớn lao.' Nhưng người đó đang làm gì? Đóng góp của người đó cho thế giới này là gì? Người đó đã bổ sung thêm cái đẹp gì cho thế giới này? Người đó đã thay đổi thế giới này chút ít nào chưa? Người đó đã làm cho nó ngọt bùi, thơm tho thêm chút ít nào không? Không, bạn không hỏi điều đó.

Bây giờ, tôi bảo bạn, điều này cần phải được hỏi. Ca ngợi một người bởi vì người đó đã tạo ra bài ca. Ca ngợi một người bởi vì người đó đã tạo ra bức điêu khắc đẹp. Ca ngợi một người bởi vì người đó đã thổi sáo hay thế. Để những điều này mang phẩm chất tôn giáo từ giờ trở đi. Ca ngợi một người bởi vì người đó là người yêu - yêu là tôn giáo. Ca ngợi một người bởi vì qua người đó, thế giới đang trở nên duyên dáng hơn.

Quên tất cả những điều ngu xuẩn này như nhịn ăn và chỉ ngồi trong hang, tự hành hạ mình, hay nằm trên giường đầy đinh.

Ca ngợi một người bởi vì người đó đã gieo trồng những bông hồng đẹp; thế giới này thêm nhiều màu sắc hơn bởi người đó. Và thế thì bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa.

Ý nghĩa bắt nguồn từ sáng tạo. Tôn giáo đã trở thành mang tính thơ ca hơn, mang tính thẩm mĩ hơn.

Và điều thứ hai: đôi khi điều xảy ra là bạn tìm ý nghĩa bởi vì bạn đã kết luận. Từ kết luận bạn tìm nó. Bạn đã quyết định ý nghĩa gì đáng phải có đó, hay phải có đó... và thế rồi bạn không tìm thấy nó.

Cuộc truy tìm phải mang tính thuần khiết. Tôi ngụ ý gì khi tôi nói cuộc truy tìm phải mang tính thuần khiết? Nó phải không có kết luận nào. Nó phải không có bất kì cách suy diễn nào trong nó.

Bạn đang tìm ý nghĩa gì? Nếu bạn đã kết luận rằng bạn đang đi tìm ý nghĩa nào đó, bạn sẽ không tìm thấy nó - bởi vì từ ngay ban đầu cuộc truy tìm của bạn đã bị ô nhiễm, cuộc truy tìm của bạn không thuần khiết. Bạn đã quyết định rồi.

Chẳng hạn, nếu một người vào vườn của tôi và nghĩ liệu mình có thể tìm thấy viên kim cương ở đó, chỉ thế thì khu vườn này mới đẹp... Và người đó không thể nào tìm thấy kim cương, cho nên người đó nói chẳng có nghĩa gì trong khu vườn cả. Có bao nhiêu là hoa đẹp, và bao nhiêu chim chóc đang hót, và bao nhiêu mầu sắc, và gió thổi qua rặng thông, và rêu trên đá. Nhưng người đó không thể thấy ý nghĩa gì bởi vì người đó có ý tưởng nào đó: người đó phải tìm ra viên kim cương, viên Kohinoor - chỉ thế thì mới có ý nghĩa. Người đó đang bỏ lỡ ý nghĩa bởi vì ý tưởng của mình.

Để cuộc truy tìm của bạn được thuần khiết. Đừng đi với bất kì ý tưởng cố định nào. Đi một cách trần trụi, trơ trụi. Đi cởi mở và trống rỗng. Và bạn sẽ thấy không chỉ một ý nghĩa, bạn sẽ thấy cả nghìn lẻ một ý nghĩa. Thế thì từng điều sẽ trở thành có ý nghĩa. Chỉ một viên đá mầu sắc sáng lên trong ánh mặt trời... hay giọt sương tạo nên cầu vồng nhỏ bao quanh mình... hay chỉ bông hoa nhỏ rung rinh trong gió... Bạn đang tìm ý nghĩa gì?

Đừng bắt đầu với kết luận, bằng không bạn đã bắt đầu sai từ ngay ban đầu. Cứ đi mà không có kết luận nào! Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói đi nói lại: Đi không có tri thức nếu bạn muốn tìm ra chân lí. Người thông thái chẳng bao giờ tìm thấy nó. Tri thức của người đó là rào chắn.

Goldstein chưa bao giờ tới phiên diễn ở nhà hát chính thống. Để kỉ niệm sinh nhật anh ta, con anh ta quyết định cho anh ta món quà là chiếc vé.

Đêm hôm sau buổi diễn, họ tới thăm anh ta và nóng lòng hỏi anh ta nghĩ gì về nó. 'Ái chà,' anh ta trả lời, 'nó đơn giản vô nghĩa. Khi cô ta sẵn lòng, anh ta lại không sẵn lòng. Còn khi anh ta sẵn lòng, cô ta lại không sẵn lòng. Và khi họ cả hai cùng sẵn lòng, thì màn lại hạ xuống!'

Bây giờ, nếu bạn có một ý tưởng cố định, thế thì bạn chỉ tìm nó, chỉ kiếm nó... Và bởi vì chật hẹp này của tâm trí, tất cả mọi cái đang sẵn có đều bị lỡ.

Ý nghĩa phải được tạo ra. Và ý nghĩa phải được tìm kiếm mà không có kết luận nào. Nếu bạn có thể vứt bỏ tri thức của mình, cuộc sống bỗng nhiên sẽ mang mầu sắc - nó sẽ trở thành phiêu diêu. Nhưng bạn liên tục mang tải trọng của kinh, sách, lí thuyết, triết lí... bạn bị mất hút trong tất cả những cái đó. Và mọi thứ đã trở nên trộn lẫn, hổ lốn, và bạn thậm chí không thể nhớ được cái gì là cái gì.

Tâm trí bạn là đống lộn xộn. Lau sạch nó đi! Làm cho nó thành trống. Tâm trí trống rỗng là tâm trí tốt nhất. Và những người đã bảo bạn rằng tâm trí trống rỗng là xưởng thợ của quỉ đều là bộ hạ của quỉ. Tâm trí trống rỗng gần Thượng đế hơn bất kì cái gì. Tâm trí trống rỗng không phải là xưởng thợ của quỉ. Quỉ không thể làm được nếu không có ý nghĩ.

Với cái trống rỗng quỉ không thể làm được bất kì cái gì cả. Nó không có cách vào cái trống rỗng.

Biết bao nhiêu ý nghĩ trong tâm trí, trộn lẫn; chẳng cái gì dường như rõ ràng cả; bạn đã nghe biết bao nhiêu điều từ bao nhiêu nguồn - tâm trí bạn là con quái vật! Và bạn đang cố gắng nhớ, và bạn đã được bảo nhớ lấy: 'Đừng quên!' Và một cách tự nhiên, gánh nặng tới mức bạn không thể nhớ được. Nhiều điều bạn đã quên. Nhiều điều bạn đã tưởng tượng và bổ sung thêm theo cách riêng của mình.

Một người Anh tới thăm nước Mĩ tới dự buổi chiêu đãi và nghe quan chủ tế nâng cốc như sau:

'Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi,

Kiệt sức trong vòng tay của vợ người khác - mẹ tôi.'

'Trời ơi, thế mới phóng đãng,' người Anh tự nhủ mình. 'Mình phải nhớ để dùng nó lúc về nhà.'

Vài tuần sau đó khi anh ta trở về Anh, anh ta dự bữa ăn trưa tại nhà thờ và được yêu cầu nâng cốc. Với giọng như sấm rền anh ta nói với căn phòng chật cứng:

' Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi,

Kiệt sức trong vòng tay của vợ người khác...'

Sau một lúc chững lại đám đông bắt đầu nhao nhao, nhìn giận dữ vào diễn giả một cách phẫn nộ. Người bạn của diễn giả ngồi cạnh anh ta thì thào, 'Tốt hơn cả là anh nên tự giải thích cho nhanh chóng vào.'

'Trời ơi,' diễn giả buột mồm nói ra, 'tôi xin lỗi các quí vị. Tôi quên mất tên của người đàn bà tươi đẹp đó.'

Điều đó đang xảy ra. Bạn nhớ điều này - 'Plato đã nói điều này.' Và bạn nhớ rằng - 'Lão Tử đã nói điều đó.' Và bạn nhớ điều Jesus đã nói, và điều Mohammed đã nói... và bạn nhớ nhiều điều, và chúng tất cả đã trộn lẫn lại, và bạn đã chẳng nói lấy một điều riêng của mình. Chừng nào bạn còn chưa nói điều gì đó của riêng mình, bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa.

Vứt bỏ tri thức và trở nên sáng tạo hơn. Nhớ lấy, tri thức được thu thập - bạn không cần có tính sáng tạo về nó; bạn chỉ phải lặp lại thôi. Và đó là điều con người đã trở thành: con người bị thu lại thành khán giả. Người đó đọc báo, người đó đọc Kinh Thánh và kinh Koran và Gita; người đó cứ xem phim, ngồi đó và xem phim; người đó cứ đi xem đá bóng, hay ngồi trước tivi, nghe radio... vân vân và vân vân. Hai mươi bốn giờ một ngày người đó chỉ trong một loại bất hoạt, một khán giả. Người khác đang làm mọi thứ còn người đó đơn giản nhìn. Bạn sẽ không tìm thấy ý nghĩa bởi việc xem đâu.

Bạn có thể thấy cả nghìn lẻ một người yêu làm tình và bạn sẽ không biết tình yêu là gì - bạn sẽ không biết tình trạng cực thích đó bằng việc xem. Bạn sẽ phải trở thành người tham gia. Ý nghĩa tới qua sự tham gia. Tham gia vào cuộc sống đi! Tham gia sâu sắc, toàn bộ nhất có thể được. Liều tất cả để tham gia. Nếu bạn muốn biết điệu vũ là gì, đừng tới và xem vũ công - học múa, là vũ công đi. Nếu bạn muốn biết bất kì cái gì, tham gia vào! Đó là cách thức thật và đúng, cách chân thực, để biết một điều. Và sẽ có ý nghĩa lớn trong cuộc sống của bạn. Và không chỉ một chiều - ý nghĩa đa chiều. Bạn sẽ được mưa rào lên bằng các ý nghĩa.

Cuộc sống phải đa chiều, chỉ thế thì mới có nghĩa. Đừng bao giờ làm cho cuộc sống thành một chiều. Điều đó nữa cũng là vấn đề. Ai đó trở thành kĩ sư, và thế rồi người đó nghĩ tất cả đã kết thúc. Người đó trở nên bị đồng nhất với người kĩ sư. Thế thì cả đời người đó chỉ là một kĩ sư... và có hàng triệu điều sẵn có nhưng người đó chỉ đi vào một rãnh. Người đó trở nên đáng chán, chán ngán. Mệt mỏi, mòn mỏi. Cứ kéo lê đi. Chỉ đợi cái chết. Ý nghĩa gì có thể có đó?

Có nhiều mối quan tâm trong cuộc sống vào. Đừng bao giờ cũng là nhà kinh doanh; đôi khi chơi đùa nữa. Đừng chỉ là bác sĩ hay kĩ sư, hay đốc công, hay giáo sư - là nhiều thứ nhất có thể được! Chơi bài, chơi vi ô lông, hát bài hát, là nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, nhà thơ... Tìm ra nhiều thứ nhất có thể được trong cuộc sống, và thế thì bạn sẽ có giầu có. Và ý nghĩa là sản phẩm phụ của giầu có.

Tôi đã nghe một câu chuyện rất có nghĩa về Socrates:

Socrates, trong khi chờ đợi cái chết trong tù, đã bị ám ảnh bởi giấc mơ cứ thôi thúc ông ấy, 'Socrates, làm nhạc đi!' Ông già này cảm thấy mình bao giờ cũng đã phục vụ nghệ thuật bằng việc triết lí của mình. Nhưng bây giờ, được khuyến khích bởi tiếng nói bí ẩn đó, ông ấy đã biến truyện ngụ ngôn thành thơ, sáng tác bài thánh ca về Apollo, và thổi sáo.

Đối diện với cái chết, triết học và âm nhạc tóm lại nắm tay nhau đi, và Socrates phúc lạc mà trước đây chưa hề thấy.

Ông ấy chưa bao giờ thổi sáo cả. Cái gì đó bên trong ông ấy cứ dai dẳng, 'Socrates, làm nhạc đi!' Ngay đối diện với cái chết! Điều đó có vẻ kì quái thế. Và ông ấy chưa bao giờ thổi sáo cả, ông ấy chưa bao giờ làm nhạc cả. Một phần bản thể ông ấy vẫn còn bị ngạt thở - vâng, ngay cả một người như Socrates, vẫn còn một chiều. Phần bị chối bỏ cứ nài nỉ, 'Logic thế đủ rồi - chút ít âm nhạc sẽ tốt, sẽ đem tới cân bằng. Biện luận thế đủ rồi - thổi sáo đi.' Và tiếng nói này dai dẳng đến mức ông ấy phải khuất phục nó.

Đệ tử của ông ấy phải đã phân vân: 'Ông ấy có phát điên không thế? Socrates mà thổi sáo sao?' Nhưng với tôi điều đó rất có ý nghĩa. Âm nhạc có thể đã không rất vĩ đại, bởi vì ông ấy chưa bao giờ thổi sáo. Điều đó phải đã tuyệt đối nghiệp dư, trẻ con - nhưng dẫu sao cái gì đó cũng được thoả mãn, cái gì đó được bắc cầu. Ông ấy không còn là một phía nữa. Lần đầu tiên trong đời ông ấy, có thể, ông ấy đã tự phát. Lần đầu tiên ông ấy đã làm điều gì đó mà với nó ông ấy không thể đưa ra được lí do nào cả. Bằng không, ông ấy là con người hợp lí.

Mới đêm hôm nọ tôi đã đọc một câu chuyện về nhà huyền môn Hassid vĩ đại, Baal Shem:

Hôm đó là ngày nghỉ, và người Hassid đã tụ tập lại để cầu nguyện và để có giao cảm - satsang - với Thầy. Một người đã tới với đứa con chậm phát triển. Ông ấy lo nghĩ chút ít về cậu bé, nó có thể làm điều gì đó. Cho nên ông ấy để mắt tới nó. Khi lời cầu nguyện được cất lên, đứa trẻ hỏi bố nó, 'Con mới kiếm được chiếc còi - con có thể thổi nó được không?'

Người bố nói, 'Tuyệt đối không - cái còi của con đâu?' bởi vì ông ấy sợ, cậi bé có thể không chịu nghe theo cái 'không' của ông ấy. Nó chỉ cho bố nó chỗ cái còi, trong túi nó, và người bố để mắt tới chiếc túi đó, ở cậu bé. Thế rồi có nhảy múa, và người bố quên mất và ông ấy cũng bắt đầu nhảy múa. Người Hassid đều là các vũ công, những người vui vẻ - tinh tuý của Do Thái giáo, chính tinh hoa của Do Thái giáo là ở họ, ở những người điên đó.

Khi mọi người đang cầu nguyện Thượng đế và nhảy múa, bỗng nhiên đứa bé không thể cưỡng lại thêm nữa. Nó rút chiếc còi ra và thổi còi. Mọi người đều choáng váng! Nhưng Baal Shem tới, ôm ghì lấy đứa bé, và nói, 'Lời cầu nguyện của chúng ta đã được nghe thấy rồi. Không có tiếng còi này, tất cả đều vô tích sự - bởi vì đây là điều tự phát duy nhất ở đây. Tất cả mọi thứ khác đều là nghi lễ.'

Đừng cho phép cuộc sống của bạn trở thành chỉ là nghi lễ chết. Để có những khoảnh khắc, không thể giải thích được. Để có vài điều là bí ẩn, với nó bạn không thể đưa ra lí do nào được. Để có vài việc làm mà mọi người sẽ nghĩ bạn có chút ít gàn dở. Người một trăm phần trăm lành mạnh là chết. Một chút ít gàn dở bên cạnh bao giờ cũng là niềm vui lớn. Cứ làm vài điều quái đản nữa. Và thế thì ý nghĩa sẽ là có thể.
Hết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho