Chương 5. Nhiều và không có gì
Chương 5. Nhiều và không có gì
Osho yêu quý,
Ông có thể cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra với ông kể từ lần cuối cùng chúng ta gặp nhau vào buổi sáng đẹp trời ấy ở Crete mấy tuần trước?
Nhiều - và không có gì. Bên ngoài thì nhiều, còn trong tôi thì chẳng có gì. Điều đầu tiên tôi nhận ra là con người chẳng tiến hóa được chút nào, rằng có lẽ khái niệm tiến hóa là sai, vì hàng ngàn năm rồi mà loài người vẫn cư xử theo một khuôn mẫu.
Buổi sáng đẹp trời ấy trên hòn đảo Crete, những con người đó và sự ngược đãi mà họ giành cho tôi và bạn bè của tôi, những người ủng hộ tôi, nhắc tôi nhớ đến Socrates. Vẫn là những con người này, và thật lạ, vẫn là cái tội mà ngày ấy người này, và thật lạ, vẫn là cái tội mà ngày ấy người ta cáo buộc Socrates: làm vẩn đục tâm trí của giới trẻ, phá hoại đạo đức của họ. Cáo buộc của họ đối với tôi cũng giống như thế.
Hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua, con người vẫn kẹt lại, không hề tiến hóa. Cách hành xử của họ vẫn dã man, vô nhân đạo. Họ có thể yêu cầu tôi ra khỏi đất nước của họ - không cần thiết phải dùng đến bạo lực như thế, ném đá vào cửa kính nhà tôi như thế. Họ đột nhập vào nhà tôi từ trên nóc mà tôi nghe như là bom nổ vậy. Họ mang theo thuốc nổ, và họ dọa là sẽ cho nổ tung toàn bộ ngôi nhà. Dường như đuổi tôi ra khỏi đất nước của họ chỉ là một dịp để họ thể hiện sự dã man này, nếu không, đơn giản chỉ cần nói với tôi một tiếng là tôi không được chào đón ở đất nước này.
Người cấp visa 4 tuần cho tôi là một anh cảnh sát trưởng; và người hủy cái visa đó sau 15 ngày lại là anh phó cảnh sát trưởng. Nó có vẻ chẳng hợp lý tí nào - rằng người cho phép là trưởng còn người hủy nó lại là phó.
Ngoài sân bay Athens có không dưới 40 tay cảnh sát, chỉ để đối phó với một người không vũ khí, và vị phó cảnh sát trưởng kia cũng có mặt. Nhà báo, phóng viên phát thanh, truyền hình với máy ảnh chớp tắt liên tục xô đẩy nhau để phỏng vấn tôi. Và tôi nói: 'Tôi không muốn nói gì nhiều, ngoại trừ một điều là hình như loài người chưa bao giờ văn minh cả'.
Báo giới thì đằng trước, 40 tay cảnh sát cấp cao bao quanh, và tay phó kia đi kèm một bên tôi. Khi tôi nói: 'Với loại cảnh sát này, loại chính phủ này, các anh đang phá hủy tương lai của nhân loại, của chính đất nước các anh. Mấy người này chính là kẻ đã giết hại Socrates...'.
Khi tôi nói vậy và chỉ vào mặt tên phó cảnh sát trưởng, ông ta liền can thiệp.
Lần đầu tiên trong 35 năm tôi vờ cáu giận. Tôi không thành công vì trong lòng tôi đang cười ngất. Thế nhưng tôi bảo tay cảnh sát nọ, 'Ông câm đi. Ông hãy đứng đúng vị trí của ông. Đừng lại gần tôi'.
Và tôi quát: 'Câm đi!' to đến nỗi ông ta phải ngậm miệng và lùi lại. Sau này tôi đọc được bài báo người ta tường thuật lại vụ này: họ cho rằng tôi đang điên tiết - tôi chẳng là gì! Thế nhưng đó là thứ ngôn ngữ duy nhất mà những con người đó có thể hiểu được. Và khi bạn nói chuyện với một người, bạn phải dùng thứ ngôn ngữ mà người đó hiểu được.
Nhưng tôi thích như thế. Bạn có thể diễn vai giận dữ - bạn có thể giữ tâm mình hoàn toàn tĩnh lặng và bề ngoài thì vô cùng cáu giận. Và chẳng có gì mâu thuẫn cả, vì sự cáu giận đó chỉ là diễn kịch mà thôi.
Lúc trên máy bay tôi nhớ đến George Gurdjieff, người đã được huấn luyện theo những phương pháp khác nhau trong rất nhiều trường thuộc giáo phái Sufi. Ở trường này thì người ta áp dụng phương pháp diễn kịch - khi bạn không tức giận thì bạn tỏ ra tức giận; khi bạn thấy hạnh phúc thì bạn tỏ ra đau khổ. Phương pháp này hàm chứa nhiều ý tứ.
Nó có nghĩa là khi bạn đau khổ bạn sẽ có thể tỏ ra hạnh phúc; khi bạn giận dữ bạn sẽ có thể diễn vai bình tĩnh. Không chỉ có thế, nó còn hàm ý rằng bạn không phải là nỗi khổ, cũng không phải niềm hạnh phúc. Đó chỉ là những gương mặt mà bạn có thể tạo ra: còn bản thân bạn thì khác, sự hiện hữu của bạn không liên quan đến nó. Người ta sử dụng những phương pháp kỳ lạ để hành thiền, để khám phá sự hiện hữu của mình, để tách mình ra khỏi những cảm xúc, hành động. Và Gurdjieff thì rất giỏi trong chuyện này, ngôi trường đó đã huấn luyện cho ông theo cách đó...
Gurdjieff thuần thục đến độ nếu ông ấy ngồi giữa hai người, đối với người này ông có thể tỏ ra cực kỳ bình an và tĩnh lặng - với một nửa gương mặt của mình, mặt nghiêng phía bên kia người ấy. Và đối với người kia ông sẽ biểu hiện sát khí, nham hiểm - vô đạo đức - với nửa gương mặt còn lại, mặt nghiêng phía bên này. Và nếu cả hai người này cùng nói chuyện với nhau về Gurdjieff, làm sao họ có thể đồng tình với nhau được? Họ sẽ tranh cãi: đối với người này thì con người mà anh ta đã gặp là một người bình an, tĩnh lặng, còn đối với người kia thì đó là một kẻ đầy sát khí, nguy hiểm, vô lại.
Nếu được hỏi, Gurdjieff sẽ trả lời rằng: 'Cả hai người đó đều đúng. Tôi không những có thể chia nhỏ bản thân và hành động của tôi mà còn có thể chia gương mặt mình thành hai phần khác nhau'.
Tôi được tặng một tượng Phật từ Nhật Bản - một bức tượng đẹp nhưng rất lạ. Một tay ngài cầm thanh gươm trần, tay kia là một chiếc đèn nhỏ. Ở phương Đông người ta dùng đèn bùn, đó là những chiếc đèn làm bằng những chiếc tách nhỏ đựng đầy bùn trong đó. Trông chúng gần giống những ngọn nến đang cháy. Chiếc đèn tỏa ánh sáng chiếu lên một nửa gương mặt của ngài; nó tỏa sáng, tĩnh lặng, bình an. Và thanh gươm cũng phản chiếu lên nửa kia của gương mặt ngài - một chiến binh, kẻ nổi loạn, nhà cách mạng.
Ở sân bay Athens, tôi nhìn 40 tay cảnh sát kia... hẳn họ là những người chức cao vọng trọng - ngoại trừ vị cảnh sát trưởng, vì ông ta không đủ can đảm đến. Nếu không tôi hẳn đã hỏi ông ta rằng: 'Làm sao tấm visa ông cấp lại có thể bị cấp dưới của ông hủy được?' - nhưng ông ta không có đó.
Còn những người khác... thật lạ: họ cư xử một cách hết sức vô nhân đạo, nhưng họ đều là những kẻ hèn nhát. Khi tôi quát: 'Câm đi!' thì tay phó cảnh sát trưởng kia đã vội lùi lại như một đứa trẻ, sợ rằng truyền hình có thể sẽ ghi lại được hình ảnh và lời nói của tôi, và ông ta với những sao và vạch trên vai áo cùng cây sung lục đeo bên hông. Thế nhưng bên trong ông ta chỉ là một đứa con nít, một đứa con nít nhát gan.
Quả là một kinh nghiệm - nền dân chủ ra đời ở Athens cơ mà.
Nền dân chủ bắt nguồn từ Hy Lạp, ấy thế mà kẻ đưa ra ý tưởng về những giá trị dân chủ ấy lại bị hạ độc thủ bởi những người Anthens - lịch sử kể lại như vậy. Thế nhưng những gì xảy ra hôm ấy khiến tôi bắt đầu nghi ngờ lịch sử.
Socrates không phải do người dân Athens hạ độc thủ mà do bọn quan chức ở đó. Và ta nên phân định rõ như vậy, vì tôi bị bọn cảnh sát ngược đãi trên hòn đảo Crete. Nhưng người dân ở ngôi làng mà tôi tá túc, làng Saint Nicholas, thì không hùa theo bọn quan chức kia. Và khi một nhà báo hỏi tôi: 'Ông có muốn nhắn nhủ gì với dân làn Saint Nicholas không?', tôi đáp: 'Hãy bảo họ đến sân bay để cho cảnh sát thấy rằng họ ủng hộ tôi chứ không phải ủng hộ chúng'.
Ba ngàn người đã đến sân bay trong đêm, đứng chật kín nơi mặt tiền sân bay. Họ chờ ở đó hàng giờ. Cả làng vắng tanh; những người chậm chân phải đi bộ vì không bắt được taxi hay xe bus - tất cả xe cộ đều đã đi ra sân bay rồi. Thế nhưng những người ấy vẫn đi bộ một quãng đường dài đến sân bay chỉ để chứng minh một thực tế đơn giản: họ không đồng ý với sự dã man và hành động cực đoan của chính quyền; họ ủng hộ tôi.
Người dân luôn phải gánh chịu trách nhiệm thay cho đám quan chức và sự dã man của chúng. Tôi không tin là Socrates bị người dân Athens giết hại. Ông là một người đáng kính, không bao giờ có ý tỏ ra mình cao trọng hơn người khác.
Sáng sáng ông đem rau đi bán, và mãi đến tối mới về nhà - vì ngoài đường, trong chợ, ông nói chuyện với mọi người về những điều ngoài tầm của một người bình thường. Ông là vị thầy của cả Athens. Chỉ một mình ông thôi đã đủ biến Athens thành một trong những thành phố thông thái nhất từng tồn tại trên thế giới này - đơn thương độc mã, ông cứ đi và gặp gỡ. Bạn cất tiếng chào ông cũng có nghĩa là bạn đã bước vào một cuộc đối thoại - không cần biết bạn là ai. Có thể bạn đang vội - nhưng Socrates thì không.
Những người này không thể là kẻ giết Socrates được. Bọn quan chức bắt đầu lo sợ. Kinh nghiệm ở Crete khiến tôi phải nhìn lại lịch sử. Sách vở đều dối trá - Socrates không phải do người dân giết hại. Họ thậm chí còn không thể tưởng tượng được chuyện đó. Nhưng còn chính quyền... và tại sao chính quyền lại giết ông ấy? - vì ông ấy làm cho quần chúng ngày càng thông minh, độc lập, yêu tự do, và cá nhân chủ nghĩa đến mức chính quyền sợ rằng điều đó sẽ gây rắc rối cho mình. Chính quyền sẽ không thể điều khiển được những con người này, nó sẽ không thể nô dịch hóa nổi họ.
Tốt nhất là giết quách Socrates đi còn hơn là để ông ta gọt giũa tư tưởng của người dân đến khi họ nhận ra những tên quan lại chỉ là những kẻ ngốc! Tốt hơn hết là thủ tiêu ông ta trước khi chuyện đó xảy ra. Ấy thế mà tất cả các sách sử toàn kể lại rằng chính người dân Athens Nicholas đã giết Socrates. Giờ tôi thấy dân làng Saint Nicholas đổ về phi trường để chứng minh họ không ủng hộ cảnh sát. Thậm chí khi tôi đã rời khỏi đất nước của họ rồi, làng Saint Nicholas còn cử đại biểu đến gặp ông tổng thống để phản đối về chuyện đã xảy ra ở ngôi làng của họ.
Tôi chỉ ở đó hai tuần lễ, và tôi chẳng rời khỏi nhà; nhưng họ có thể thấy người của tôi - ít nhất là 500 sannyasin quy tụ từ khắp châu Âu về đây. Họ đã quen với khách du lịch, vì đây là một điểm du lịch, nhưng họ chưa bao giờ thấy những con người nồng hậu đến thế. Và các sannyasin của tôi ở làng Saint Nicholas, dù họ không thể hiểu được tôi - ngôn ngữ là một rào cản lớn - nhưng một số người trong làng vẫn đến chỉ để được ngồi bên tôi. Và điều này xúc phạm đến trật tự tôn giáo.
Vị tổng giám mục giận điên vì không ai chịu đi lễ; mà mới chỉ ở đó có 15 ngày, tôi đã mở được một buổi lễ lớn. Buổi lễ của ông ta chỉ có 6-12 bà già có mặt nghe ông giảng.
Ông ta bắt đầu lo lắng, gửi điện cho tổng thống, cho thủ tướng, cho các bộ trưởng, cho ông cảnh sát trưởng, trả lời phỏng vấn với toàn những lời dối trá - vì ông ta chẳng biết tí gì về tôi cả. Và nỗi sợ của ông ta lây lan: cả chính phủ cũng bắt đầu lo ngại.
Một sannyasin của tôi, Amrito - người mời tôi đến Hy Lạp - là bạn thân của tổng thống và thủ tướng. Bà ấy có quan hệ tốt với tất cả những quan chức cao cấp, vì 20 năm trước bà đã được chọn là nữ hoàng sắc đẹp: 'Hoa hậu Hy Lạp', và bà bắt đầu nổi tiếng từ ấy. Bà làm người mẫu, và tất cả các đạo diễn, doanh nhân... mọi loại người đều liên quan đến bà ấy. Bà chẳng bao giờ phải hẹn trước; bà có thể đến nhà họ bất cứ lúc nào - kể cả nhà tổng thống hay thủ tướng.
Thế nhưng hôm đó bà đến gặp tổng thống, bà chờ ở đó 6 tiếng đồng hồ liền mà không được phép vào nhà. Tại sao ông tổng thống lại sợ người phụ nữ mà ông quen từ lâu, người vẫn thường đến thăm ông và là bạn của ông...? Nỗi sợ đó là vì... Ông ấy sẽ nói thế nào nhỉ? Ông ta không có câu trả lời cho những gì chính phủ ông ta đã làm đối với tôi và người của tôi.
Và bạn hẳn sẽ ngạc nhiên: câu trả lời rất lạ lùng. Tôi rời khỏi Athens vì họ không cho phép tôi ở lại dù chỉ một đêm trong khách sạn hay ở sân bay dưới sự giám sát của họ.
Khi tôi đi rồi, họ lập tức truy nã Amrito. Bà ấy hẳn đã biết tin này từ nguồn nào đó: 'Giờ đến lượt bà - tại sao bà lại mời Osho đến đây, dù biết hắn ta nguy hiểm?'.
Amrito đã phải trốn khỏi nước mình. Và cảnh sát thì vẫn tiếp tục truy nã bà ấy.
Amrito là một người giản dị và đằm thắm. Bà ấy không giàu; bà chỉ có một quán giải khát nhỏ. Và cảnh sát vẫn đến quán của bà để nắm bắt tình hình, phát hiện những dấu hiệu lạ mà lúc trước họ chẳng buồn để tâm - rằng cái quán này không được sạch sẽ.
Tất nhiên là nó không được sạch rồi, vì bà ấy đã rời khỏi đất nước được ba ngày. Nó không sạch vì trong suốt 15 ngày bà ấy ở Crete để gặp tôi, vậy nên chỉ còn một nhân viên trông coi quán. Nhưng như thế không phải là phạm pháp - ít nhất việc đó cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cảnh sát. Có lẽ cơ quan địa phương quản lý vệ sinh trong nhà hàng, khách sạn phải đến giải quyết - nhưng họ không đến; người phát hiện sai phạm về vấn đề vệ sinh ở quán này lại là cảnh sát.
Tôi khuyên bà ấy quay về và đấu tranh, vì bà ấy chẳng làm gì sai trái cả. Phần sai là thuộc về chính phủ. Vì họ không thể hãm hại tôi, sợ rằng chuyện này sẽ gây ảnh hưởng quốc tế, nên họ tìm một người chịu đòn: họ có thể tấn công bà ấy, họ có thể tra tấn người phụ nữ ấy, một người đã ly dị, có một đứa con nhỏ và một bà mẹ già, và là trụ cột kiếm sống của gia đình. Mà một cái quán giải khát như thế thì kiếm được bao nhiêu cơ chứ?
Những người này lúc nào cũng đẩy tội cho quần chúng - và quần chúng thì câm hết. Còn lịch sử thì toàn dối trá: cách sách sử chứa đựng nhiều dối trá hơn bất kỳ đâu. Chuyện không có gì nhưng nó cho thấy rất nhiều.
Tôi không bước chân ra khỏi nhà, tôi không nói tiếng Hy Lạp. Người dân ở đó không hiểu được tôi. Những người hiểu được thì toàn là người ngoại quốc. Người ta cáo buộc tôi làm suy đồi tư tưởng của giới trẻ, phá hủy đạo đức, truyền thống quốc gia, nhà thờ, gia đình... nhưng những người nghe tôi nói lại không phải là người Hy Lạp. Làm sao tôi gây ảnh hưởng lên đạo đức của họ, tôn giáo của họ được?
Nhưng dường như bọn quan liêu không hề suy nghĩ; chúng chỉ hành động theo nỗi sợ của chúng. Và nỗi sợ đó là: ai đó sẽ nêu lên những câu hỏi về gốc rễ xã hội của họ. Nhưng điều đó thật ngu xuẩn vì tôi có đi đến đâu thì tôi vẫn làm thế, và lời nói của tôi sẽ bay đi khắp nơi trên thế giới này.
Tôi có thể làm được gì khi gốc rễ của họ đã thối nát? Tôi làm được gì khi nền đạo đức của họ không phải là đạo đức mà chỉ là một sự giả tạo? Tôi làm được gì khi hôn nhân của họ chỉ là đạo đức giả chứ không phải là tình yêu? Tôi làm được gì khi gia dình đã quá đát và cần được thay thế bằng thứ khác tốt đẹp hơn? Gia đình đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nó đã làm được một ít việc tốt mà những việc đó vẫn có thể được thực hiện theo cách khác. Nó đã làm một số việc hết sức nguy hiểm và độc hại mà những việc đó có thể tránh được.
Cái kiểu gia đình tồn tại bao thế hệ qua không được phép tồn tại lâu thêm nữa. Nếu nó vẫn tồn tại thì loài người phải chết. Để cứu lấy loài người, chúng ta phải thay đổi cấu trúc xã hội mà loài người đang sống trong đó, để đem lại những con người mới - vì cái cũ đã thất bại hoàn toàn.
Ít nhất 10 ngàn năm qua, chúng ta cứ đi mãi trên một con đường và chẳng đến được đâu.
Đã đến lúc ta phải hiểu rằng ta đang đi sai đường. Nó cũ rích rồi; nó dẫn đến cái chết. Nó không cho phép người ta hạnh phúc, vui sướng; nó không cho phép người ta ca hát, nhảy múa.
Nó làm cho người ta nặng nề, trịnh thượng - đối với chính mình và những người khác.
Trong gia đình có nhữn mầm mống của tất cả những cuộc chiến, tôn giáo và dân tộc. Chính vì thế mà người ta gọi gia đình là 'hạt nhân của nền văn minh'.
Chẳng có văn minh nào cả - và hạt nhân thì thối nát. Nó chỉ tạo ra những con người bệnh hoạn mà thôi, những con người được chữa trị bằng đủ các loại liệu pháp tâm lý mà vẫn bệnh hoạn. Chúng ta đã không thể tạo ra những con người tỉnh táo.
Thế nên, bề ngoài thì tôi cho rằng những gì xảy ra ở Hy Lạp có thể cũng sẽ xảy ra ở những nước khác, vì ở đâu cũng chỉ có một kiểu cấu trúc ấy mà thôi - và thực tế nó đã xảy ra ở nước khác.
Rời khỏi Hy Lạp, chúng tôi ghé Geneva để nghỉ qua đêm, và ngay khi nghe nhắc đến tên tôi, người ta tuyên bố ngay: 'Không được! Không thể để ông ta vào được'. Tôi thậm chí còn không được phép bước chân ra khỏi máy bay.
Chúng tôi đi tiếp đến Thụy Điển. Người ta vẫn nói Thụy Điển tiến bộ hơn tất cả các nước châu Âu khác, thậm chí là tiến bộ nhất thế giới, rằng Thụy Điển cho phép nhiều kẻ khủng bố, nhà cách mạng, chính trị gia tị nạn, rằng Thụy Điển rất độ lượng.
Chúng tôi hạ cánh xuống Thụy Điển. Chúng tôi chỉ muốn nghỉ qua đêm vì các phi công đã sắp hết giờ bay. Họ không thể bay tiếp vì như thế sẽ là phạm pháp. Và chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi gặp người phụ trách ở sân bay... chúng tôi chỉ xin nghỉ lại qua đêm nhưng ông ấy cấp hẳn cho mỗi người một tấm visa 7 ngày. Có lẽ ông ấy say, hoặc ngái ngủ - lúc ấy là nửa đêm, quá nửa đêm rồi.
Người đi xin visa của chúng tôi quay về vui mừng báo tin là chúng tôi được cấp visa những 7 ngày. Thế nhưng, ngay lập tức cảnh sát ập đến và hủy toàn bộ số visa đó, rồi yêu cầu chúng tôi lập tức rời khỏi đất nước họ. 'Chúng tôi không thể cho phép người này vào được'.
Họ cho phép khủng bố, cho phép những tên giết người, những tên Mafia, và họ cho những người đó tị nạn - thế mà họ không thể cho phép tôi. Mà tôi thì không yêu cầu được tị nạn hay sinh sống lâu dài ở đó, chỉ một đêm nghỉ chân mà thôi.
Chúng tôi quay sang London, vì đơn giản đó là vấn đề về quyền cơ bản của chúng tôi. Và chúng tôi tính toán sao cho tất cả mọi việc đều hợp pháp - chúng tôi mua vé hạng nhất cho chuyến bay ngày hôm sau. Chúng tôi có máy bay nhưng vẫn phải mua vé để phòng trường hợp họ bắt bẻ rằng: 'Các ông không có vé bay trong ngày mai nên chúng tôi không thể cho phép các ông lưu lại trong phòng chờ hạng nhất được'.
Chúng tôi mua mỗi người một vé, chỉ để nghỉ lại trong phòng chờ, và nói với họ rằng: 'Chúng tôi có phi cơ riêng - và cả vé nữa'. Nhưng họ nói luật quy định họ có quyền tự quyết định một số việc tại sân bay mà chính phủ hay bất kỳ cá nhân nào cũng không được phép can thiệp: 'Chúng tôi có quyền tự quyết định - và chúng tôi không thể cho phép người này lưu lại trong phòng chờ'.
Trong phòng chờ, tôi nghĩ: Làm sao tôi phá hủy được nền đạo đức của họ, tôn giáo của họ? Tôi sẽ chỉ ngủ thôi, và đến sáng chúng tôi đã đi rồi.
Nhưng không, cái gọi là các quốc gia văn minh này chỉ là lũ người man rợ và sơ khai. Họ nói: 'Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cho ông nghỉ qua đêm trong nhà giam'.
Và tình cờ một người bạn của tôi nhìn thấy tập hồ sơ của họ. Họ có đầy đủ chỉ đạo từ chính phủ về việc đối xử với tôi như thế nào: tôi không được phép bước vào đất nước của họ bằng bất cứ cách nào, thậm chí chỉ là nghỉ qua đêm trong một khách sạn hay phòng chờ; nếu tôi muốn nghỉ qua đêm tại đây, cách duy nhất là nghỉ trong nhà giam.
Sáng ra, chúng tôi bay đến Ireland. Có lẽ người kia không để ý đến tên tôi trong danh sách hành khách. Chúng tôi đề nghị được lưu lại 2-3 ngày - 'Nhiều nhất là 7 ngày, nếu có thể'. Chúng tôi cần thời gian vì một quyết định khác đang được xem xét, và họ đang trì hoãn nó, mà hoạt động của chúng tôi phụ thuộc vào quyết định đó.
Người đó rất rộng rãi, hẳn ông ta vừa nốc quá nhiều bia: ông ta cho mỗi người 21 ngày. Chúng tôi đến khách sạn và lập tức cảnh sát đến để hủy những tấm visa kia. Họ nói rằng: 'Người này bị điên - ông ta không biết gì cả'.
Họ hủy visa của chúng tôi, nhưng họ rơi vào tình huống khó xử? Giải quyết việc này thế nào đây?
Chúng tôi đã nhập cảnh, và đến ở trong khách sạn được mấy tiếng đồng hồ rồi. Họ đã đóng dấu visa 21 ngày vào passport của chúng tôi. Giờ họ đòi hủy chúng, mà chúng tôi thì chưa chuẩn bị sẵn sàng để rời khỏi đấy. Chúng tôi phải chờ thêm mấy ngày nữa. Bạn có thể thấy bọn quan chức che đậy sai trái của họ như thế nào.
Họ nói: 'Ông có thể ở lại đây, nhưng không được cho ai biết về chuyện này - không gặp gỡ báo chí, không ai được biết rằng Osho đang ở đây, vì như thế sẽ gây rắc rối cho chúng tôi. Và tất nhiên là chúng tôi chẳng thể làm gì khác vì như thế sẽ làm mọi việc rối tung lên.
'Nếu ông không muốn đi - và chúng tôi đã cho phép ông ở lại trong 21 ngày... Chúng tôi không có cơ sở để hủy nó. Ông chưa làm gì phạm pháp cả - ông chỉ mới nghỉ lại một đêm ở đây. Trừ phi ngủ là một tội ác... Thế nên rất khó cho chúng tôi. Cách duy nhất là, ông giữ im lặng và không được xuất hiện trước công chúng'.
Ở lại đây mà không có visa thì đúng là phạm pháp; và cảnh sát đề nghị chúng tôi kín tiếng và không được hở cho ai biết chuyện này - rồi cứ lẳng lặng mà rời khỏi đây. Họ cách ly đám nhà báo, đánh lừa báo giới để họ đi lấy tin ở nơi khác.
Nhưng điều lạ lùng là những người này liên quan trực tiếp với chính phủ.
Trong nghị viện người ta nêu lên câu hỏi: 'Chuyện gì xảy ra vậy? Phi cơ của họ đậu ngoài sân bay. Họ đã nhập cảnh vào đất nước - thế thì họ biến đi đâu rồi?'. Và ông bộ trưởng đơn giản nói dối rằng: 'Họ có đến nhưng đã đi rồi'. Chúng tôi vẫn còn ở trong đất nước của họ mà nghị viện lại được thông tin là chúng tôi đã đi...
Toàn bộ chuyến đi này đã vạch trần các bộ máy quan liêu.
Và bây giờ tôi nhận được thông tin là các nước châu Âu đã cùng nhau đưa ra quyết định là ngay cả máy bay của tôi cũng không được hạ cánh xuống bất kỳ sân bay nào thuộc châu Âu.
Chuyện tiếp xăng cho phi cơ thì hại gì đến nền đạo đức của họ? Thế nhưng đơn giản là họ muốn tách tôi ra khỏi nhân loại. Điều kiện của họ rất rõ ràng: họ muốn tôi ở lại Ấn Độ - tất nhiên là họ không thể chối bỏ tôi, đó là quê hương của tôi. 'Ông có thể ở lại', họ nói. 'Nhưng ông không được liên lạc với các môn đệ người ngoại quốc của ông, và không được tiếp xúc với báo chí'.
Đó là cách để tách tôi ra khỏi thế giới, khỏi môn đệ của tôi, và thậm chí khỏi các phương tiện truyền thông, để không ai biết tôi còn sống hay đã chết. Đó là cách để biến tôi thành một kẻ gần như đã chết - dù tôi vẫn đang sống - để cắt đứt mối liên hệ của tôi với tất cả mọi người.
Tôi không chấp nhận điều kiện của họ. Tôi chưa bao giờ sống theo bất kỳ điều kiện nào, mà đặc biệt là cái thứ điều kiện xấu xa đó thì lại càng không. Tôi rời khỏi Ấn Độ và đi đến Nepal - vì đó là quốc gia duy nhất tôi có thể đến mà không cần visa; chứ nếu không thì chính phủ Ấn Độ hẳn đã thông báo đến tất cả các đại sứ quán là không được cấp visa cho tôi để tôi không thể rời khỏi Ấn Độ. Họ đã ký hiệp ước với Nepal và vì thế tôi không cần visa vẫn có thể vào được nơi đó.
Tuy nhiên, Nepal là một nước nhỏ và nghèo - nghèo nhất - và chịu áp lực rất lớn từ Ấn Độ... Ấn Độ có thể chiếm nó bất cứ lúc nào. Nepal không có đến một quân đội cho ra hồn.
Tôi nhận được tin này từ một nguồn đáng tin cậy: chính phủ Ấn Độ buộc Nepal hoặc là bắt giữ tôi, hoặc trục xuất tôi về Ấn Độ. Thế là tôi phải rời khỏi Nepal. Chuyện này chẳng thể thay đổi được tôi.
Nhưng nó đã thay đổi rất nhiều thái độ của tôi về xã hội mà chúng ta đang sống. Thật là một xã hội xấu xa, man rợ, vô văn hóa, kém văn minh.
Vì thế mà tôi nói: 'Nhiều - và không gì cả'.
Osho yêu quý,
Tôi thấy câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe về Mahavira khi ngài đi khất thực thật kỳ quặc. Chuyện ngài đặt ra những điều kiện cho cuộc sống để nhận thức ăn hàng ngày đối với tôi dường như chỉ là chuyện tưởng tượng, chứ bình thường chẳng ai có thể sống theo cách đó cả. Có lẽ tôi đã hiểu sai ngụ ý của câu chuyện. Ông nói rằng chúng ta không cần phải vội vã trong cuộc kiếm tìm của mình; nhưng quanh ông lúc nào tôi cũng cảm thấy thời gian thật quý giá, và tôi muốn tận dụng thời gian tối đa. Và đối với tôi, cứ mỗi lần chuẩn bị nêu lên một câu hỏi là tôi lại lưỡng lự, vì sợ bộc lộ là mình ngu dốt. Tôi thực sự muốn đứng trước mặt ông, 'trần trụi, trống rỗng và một mình'.
Câu chuyện về Mahavira luôn bị hiểu sai - không chỉ mình bạn hiểu sai đâu - vì chúng ta nhìn nhận sự việc bằng lý trí của mình. Nếu bạn sống vào thời Mahavira thì có thể đó là việc đặt điều kiện cho cuộc sống, nhưng đối với Mahavira thì không phải như vậy, đó không phải là ra điều kiện cho cuộc sống.
Theo Mahavira, đơn giản ngài chỉ muốn có được một tín hiệu từ cuộc sống - liệu mình có nên tiếp tục tồn tại, ha là mình không còn cần thiết nữa. Ngài không bao giờ than phiền. Có khi ngài nhịn ăn ba tháng liền nhưng không hề phàn nàn một tiếng nào.
Nếu ngài ra điều kiện cho cuộc sống thì hẳn ngài phải mệt mỏi và kêu ca chứ. Nếu ngài muốn điều khiển cuộc sống thì hẳn ngài phải cảm thấy sự thất bại của mình. Ba tháng ròng ngài không nhận thức ăn - nhưng không một lời ca thán. Ngài là một trong những sinh linh đáng kính, tĩnh lặng và bình an nhất.
Tại sao ngài lại đưa ra quyết định như thế sau một buổi sáng hành thiền? - đơn giản là để mình không trở thành gánh nặng của hiện hữu. Ngài để cho hiện hữu quyết định. Ngài không ra điều kiện cho hiện hữu; ngài cho phép hiện hữu nắm giữ toàn bộ cuộc đời ngài, thậm chí cả hơi thở và thức ăn của ngài. Ngài đặt tất cả vào bàn tay của hiện hữu.
Nhưng làm thế nào ngài biết được? Giữa bạn và hiện hữu không giao tiếp bằng ngôn ngữ; chỉ có thể giao tiếp biểu tượng - và chuyện ấy không gì khác hơn là giao tiếp biểu tượng. Ngài chỉ muốn có một dấu hiệu.
Một điều cần nhớ là, những người như Mahavira, Parsunatha, đức Phật Cồ Đàm là những đấng độc nhất vô nhị. Họ đi con đường riêng của họ, và con đường đó phù hợp với nhân cách của họ một cách hoàn hảo.
Thời nay thì tôi sẽ chẳng bao giờ làm một việc giống như vậy. Tôi là một người hoàn toàn khác - nhưng tôi không hiểu sai về Mahavira. Tôi chấp nhận sự độc nhất của ngài, và tôi tôn trọng cách ngài sống cuộc đời ngài - không hề đòi hỏi. Đó không phải là đòi hỏi - rằng hiệu hữu phải đáp ứng điều kiện này - đơn giản đó chỉ là một thỏa thuận: 'Vì không thể hình dung ngôn ngữ nên tôi chọn một dấu hiệu nhất định và rồi mọi thứ tùy thuộc hiện hữu quyết định'. Ngài tuyệt đối đặt mình vào lòng bàn tay hiện hữu đến nỗi ngài thậm chí còn không muốn thở một hơi thở của chính mình.
Còn tôi là một người hoàn toàn khác, gần như trái ngược với Mahavira. Tôi sẽ không bao giờ chờ mong ở hiện hữu một việc như thế. Con đường của tôi là buông xả - thế thì có gì phải bận tâm? Một lần và mãi mãi, để hiện hữu định đoạt, và khi hiện hữu không cần đến bạn, bạn sẽ tan vào vũ trụ. Không nhất thiết phải hỏi hết ngày này đến ngày nọ - thế thì chẳng khác gì mè nheo cả. Tôi đã làm điều đó một lần rồi, và chỉ một lần đó thôi. Tôi sẽ không làm hai lần, vì làm hai lần có nghĩa là lần đầu bạn chưa buông xả hết; chứ không thì việc gì phải làm lại? Bạn chỉ có thể buông xả một lần mà thôi.
Lúc còn bé chúng tôi phải giải rất nhiều câu đố, và đặc biệt chúng tôi rất hay hỏi thầy giáo - thầy của chúng tôi là một người lầm lì ít nói - và những việc đơn giản thôi cũng đủ làm ông suy nghĩ.
Chẳng hạn, khi chúng tôi hỏi ông: 'Một người tự tử bốn lần. Vậy người đó thành công vào lần thứ mấy? - lần thứ nhất, lần thứ hai... anh ta thành công lần nào?'.
Và ông ấy vắt óc suy nghĩ, rồi nói: 'Làm sao thầy biết được?'. Nếu thành công thì lần cuối cùng thực ra là lần đầu tiên.
Theo cách hiểu của tôi, bạn chỉ buông xả một lần mà thôi. Nếu bạn phải làm lại, thì có nghĩa đó là lần thứ nhất... Bạn định che mắt ai kia chứ? Và lấy gì đảm bảo là lần thứ hai sẽ không như lần trước? Buông xả là hiểu chứ không phải là làm.
Đó không phải là điều bạn có thể nói với hiện hữu; đơn giản nó chỉ là sự hiểu: 'Tôi sẽ không bơi ngược dòng, đơn giản vì việc đó là ngu dốt'. Bạn sẽ sớm đuối sức và không bao giờ thắng được dòng chảy. Hiểu được điều đó, bạn chấp nhận thuận theo dòng. Đó là buông xả.
Lúc này, dù dòng sông có đưa bạn đi đến nơi nào... bạn không cần phải hỏi; bạn chỉ đơn giản trôi theo dòng sông ấy. Một ngày nào đó - bất cứ lúc nào - bạn sẽ ra đến đại dương, bạn sẽ tan biến.
Thế nên tôi sẽ không khuyên người ta làm theo những gì Mahavira đã làm. Mahavira có sự hiện hữu độc đáo của ngài.
Tên thật của ngài không phải là Mahavira; Mahavira nghĩa là 'chiến binh vĩ đại'. Ngài tên thật là Vardhanana, nhưng không ai nhớ được cái tên đó vì một lẽ đơn giản: phương pháp của ngài là phương pháp của một chiến binh, một đấu sĩ. Thậm chí ngài cũng chiến đấu không ngừng nghỉ với hiện hữu. Ngài nói: 'Ta chỉ sống chừng nào ta còn được chào đón. Không được chào đón thì ta không còn muốn sống nữa dù chỉ là một phút giây'.
Ngài tranh đấu tự trong sâu thẳm, nhưng sự tranh đấu của ngài có vẻ đẹp riêng của nó. Ngài ở bên trong nó - đó là vẻ đẹp. Nó không phải là cuộc đấu tranh nửa vời, nó trọn vẹn. Và bí quyết là, những cái trọn vẹn sẽ chuyển hóa bạn; sự buông xả của bạn, nếu là trọn ven, nó sẽ chuyển hóa bạn; cuộc tranh đấu của bạn, nếu trọn vẹn, nó sẽ chuyển hóa bạn.
Cái đem đến sự chuyển hóa không phải sự buông xả hay tranh đấu của bạn mà chính là sự trọn vẹn của bạn.
Thậm chí đến nay vẫn có những người tu hành đi theo con đường của Mahavira. Số này không nhiều vì sau khi Mahavira chết họ bị phân hóa. Có nhiều người chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến như vậy. Và trong số này có khá nhiều thầy tu. Họ thỏa hiệp nhiều thứ mà Mahavira hẳn sẽ không chấp nhận.
Chẳng hạn, họ mặc quần áo; Mahavira thì không. Họ sống trong nhà; Mahavira không bao giờ sống ở nơi nào có mái che. Trời có mưa, có nắng, có lạnh cóng đi chăng nữa, ngài vẫn chỉ đứng dưới gốc cây. Thế nên những ai muốn thỏa hiệp đều không thể thỏa hiệp hồi ngài còn sống. Ngài là một người vô cùng mạnh mẽ. Nhưng đến ngày ngài chết thì những đệ tử của ngài lại bị phân hóa.
Thế là những người chính thống, những người vẫn đi theo con đường của Mahavira đến nay chỉ còn lại 22 người - đó là hồi tôi còn ở Ấn Độ; đến nay có lẽ một vài người trong số họ đãc hết, vì họ đều đã già rồi. Và thật khó mà tìm được người thay thế khi họ đã chết rồi.
Còn tốp kia, những người thỏa hiệp, có tới gần 5 ngàn người - và đến nay số này ngày càng nhiều hơn. Và họ sẽ vẫn thỏa hiệp như thế.
Đầu tiên là họ mặc quần áo; rồi vào ở trong nhà người ta. Giờ họ còn đi cả máy bay nữa. Cả cuộc đời Mahavira chỉ có đi bộ, không bao giờ sử dụng một loại xe cô nào. Tôi từng thấy những người thỏa hiệp này lén lút dùng bàn chải đánh răng nữa; Mahavira thì không bao giờ đánh răng cả.
Tôi còn biết những thầy tu này cứ có dịp là họ tranh thủ tắm nữa; Mahavira không bao giờ tắm, trừ khi trời mưa và lúc đó ngài đứng dưới gốc cây. Có lần tôi thấy nơi ở của một thầy tu nọ... người này rất thân thiện với tôi và không nghĩ là tôi sẽ vạch trần ông ta.
Ông ta nói: 'Ông dùng gì? - Fanta hay Coca Cola?'. Tôi hỏi lại: 'Anh dùng gì cơ?'.
Ông ta đáp: 'Nhưng đừng cho ai biết nhá!' - rồi ông ta mở tủ ra, trong đó giấu đầy những lon Coca Cola và Fanta. Sự thỏa hiệp không có giới hạn. Nhưng nó có hại gì đâu? - nó là những thứ đồ uống hoàn toàn phi bạo lực; bạn có thể uống được.
Tuy nhiên số người theo Mahavira ngày càng ít đi; một người chết thì cũng không có người nào thay thế. Ngay cả những người này, theo cách nào đó, cũng đã thỏa hiệp rồi. Thật khó mà làm giống hệt Mahavira được - đó là điều tôi muốn nói, nối gót là điều không thể.
Những người này sau buổi hành thiền cữ sáng cũng đặt ra điều kiện. Nhưng những điều kiện đó rất hạn chế - 6 hay 8 gì đó - và tất cả mọi người đều biết điều kiện đó là gì, vậy nên nếu họ đến một thành phố, họ sẽ đến tất cả những gia đình Kỳ-na giáo và tất cả những gia đình đó sẽ đáp ứng những điều kiện khác nhau. Và những người này đặt ra những điều kiện hết sức đơn giản.
Chẳng hạn, nếu trên cửa nhà có treo hai quả chuối thì họ sẽ nhận được thức ăn. Và mọi người biết như vậy, thế là các gia đình Kỳ-na giáo đều treo hai quả chuối lên cửa nhà mình, và những người này đều rồi nhận thức ăn - điều kiện đã được đáp ứng - những điều kiện nhỏ nhặt được những người thầy tu đó đặt ra và công bố cho tất cả mọi người biết.
Họ không thể nhận thức ăn từ những người không theo Kỳ-na giáo. Họ không thể ở lại một nơi lâu hơn 3 ngày được, vì theo Mahavira - và tôi cảm nhận là ngài đã đúng - thì cứ sau ba ngày, sự vướng bận sẽ xuất hiện.
Thí dụ, ngày đầu tiên bạn thấy nơi ấy không thích hợp cho bạn. Có thể bạn ngủ không ngon giấc, có thể bạn bị căng thẳng chút ít. Nhưng sau ngày thứ ba, mọi thứ bắt đầu đâu vào đấy; và sau ngày thứ 21 bạn trở nên quen thuộc với nơi đó, tựa như bạn được sinh ra ở nơi đó vậy.
Cần có thời gian nhất định để điều chỉnh, vì thế mà Mahavira không cho phép vượt quá 3 ngày. Và ở Ấn Độ, đệ tử Kỳ-na giáo rất ít, thế nên có rất nhiều nơi không có một đệ tử Kỳ-na giáo nào - vậy vị thầy tu kia sẽ phải làm sao? Hai mươi gia đình Kỳ-na giáo đem xe cộ, lều trại đi theo ông ta, và ở những nơi không có người Kỳ-na giáo, họ dựng một khu trại nhỏ rồi treo chuối ngoài lều của mình... và cả 8 điều kiện đều được đáp ứng. Sau đó nhà nào cũng chuẩn bị thức ăn - và ông này chỉ việc lấy ra một điều kiện trong số 8 điều kiện ấy - rồi nhận thức ăn.
Bề ngoài thì ông ta đi theo Mahavira, nhưng Mahavira không làm như vậy. Mahavira đi theo con đường hoàn toàn khác. Đó không phải là buông xả; ngài không phải là người cổ vũ buông xả, ngài là một chiến binh.
Theo ngài, sự thật phải được chinh phục, và để chinh phục nó bạn phải chiến đấu trọn vẹn. Câu chuyện tôi kể với các bạn là một phần cuộc chiến của ngài. Cả cuộc đời ngài là con đường tranh đấu. Tôi sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện nữa.
Suốt 20 năm ngài không nói tiếng nào cho đến khi ngài giác ngộ. Trong 20 năm đó ngài trải qua biết bao thử thách. Một ngày nọ ngài đang hành thiền... và ngài không hành thiền ở tư thế thoải mái. Ở phương Đông thường, người ta hành thiền ở tư thế hoa sen, và về mặt sinh lý thì tư thế hoa sen là tư thế thoải mái nhất khi bạn đã quen với nó, vì xương sống của bạn được giữ thẳng và trọng lực được giảm đến mức thấp nhất, nó giúp cơ thể bạn nương trên cột sống thẳng nhẹ nhàng như tấm lụa.
Mahavira thiền đứng. Trong mọi thái độ của mình ngài đều là chiến binh. Có những người thiền nhắm mắt - như thế dễ chịu hơn. Có những người thiền mở mắt, nhưng theo một cách tự nhiên - họ vẫn chớp mắt. Như vậy cũng không phải là chiến đấu. Mahavira thiền mắt nửa nhắm nửa mở và không chớp mắt.
Trong hai mươi năm ấy, một ngày nọ khi ngài đứng thiền bên bờ sông, chợt một người đàn ông lại gần và nói với Mahavira rằng: 'Ông đứng đây ngó chừng đàn bò giúp tôi nhé. Tôi phải về nhà có việc gấp; mẹ tôi ốm và người ta báo tinc ho tôi là bà ấy đang hấp hối. Tôi sẽ quay lại ngay, nhưng... ông đứng đây cả ngày, vậy phiền ông trông chừng đàn bò, đừng để chúng đi lạc vào rừng'.
Và Mahavira vẫn lặng thinh, vì ngài không thể nói. Còn người đàn ông nọ thì đang vội quá - mẹ ông đang hấp hối - ông ấy không để ý là Mahavira không nói gì. Đơn giản ông ấy hiểu sự im lặng của người kia nghĩa là đồng ý.
Một hai tiếng sau, ông ta quay lại, Mahavira vẫn đứng đó nhưng đàn bò không còn con nào. Ông la lên: 'Ông là loại người gì vậy? Ông đứng đây cả ngày chỉ có việc trông chừng đàn bò. Vậy giờ chúng đi đâu cả rồi?'.
Và ngài vẫn không nói, người đàn ông kia lại càng giận hơn: 'Vậy là ông giả câm giả điếc hả?'. Rồi ông ta bèn lấy hai chiếc que đâm vào tai Mahavira, sau đó lấy đá đập mạnh vào hai tai ngài để làm cho ngài điếc hoàn toàn. Thế nhưng Mahavira vẫn không mở miệng, cũng không hề chớp mắt.
Người nọ nghĩ: 'Hình như lão này bị điên. Người bình thường ắt đã phải lên tiếng...'. Rồi ông ta đi vào rừng tìm đàn bò của mình. Đêm xuống, lúc ấy giờ đàn bò phải về chuồng, ông ta quay ra khỏi khu rừng và đập vào mắt ông là đàn bò đang ngồi ngoan ngoãn quanh Mahavira ngay bên bờ sông.
Ông ta nói: 'Ông thật là...! Tôi chọc thủng tai ông mà ông cũng không chịu hé môi! Làm tôi tìm khắp trong rừng, thế mà đàn bò lại đang ngồi đây! Ông giấu chúng ở đâu thế?'. Rồi ông ta đánh Mahavira - ngài trần truồng. Nhưng ngài vẫn cứ đứng như vậy. Người nọ thầm nghĩ có lẽ ông này điên thật rồi - đánh hắn ta cũng chẳng nhằm nhò gì... bạn chẳng thể làm bất cứ điều gì với hắn ta, hắn chẳng phản ứng gì đâu. Đó chính là sự tĩnh lặng tuyệt đối - dù chuyện gì xảy ra, ngài vẫn giữ tập trung và không phản ứng gì. Đó không chỉ là vấn đề về việc mở miệng nói hay giữ im lặng.
Đây là một câu chuyện đẹp. Đến đây thì nó vẫn là câu chuyện thật nhưng có một kết thúc hoang đường. Ở Ấn Độ người ta thờ rất nhiều thần, họ không tin vào một thần duy nhất, vì như thế giống như là đi theo một kẻ độc tài; như thế là không dân chủ - trên thực tế người ta thờ tới 33 triệu vị thần. Đó là dân số của Ấn Độ thời các vị thần được tưởng tượng ra: mỗi người có một vị thần. Thế âu cũng là lẽ tự nhiên.
Một trong những vị thần, đó là Indra, cảm thấy rất đau lòng và phẫn nộ trước những chuyện xảy đến với Mahavira - một con người tĩnh lặng không làm gì hại đến ai. Những con bò tự chúng đi rồi lại về và ngài hoàn toàn vô định.
Indra xuất hiện - các vị thần có thể nói mà không phát ra thành tiếng - ngài nói với Mahavira: 'Ta có thể cho ngươi hai vị thần bảo hộ, vì chuyện này thật không thể tin nổi, không thể tưởng tượng được! Không nên để chuyện như thế xảy ra'. Và đối với các vị thần, bạn không cần phải nói, họ có thể đọc được suy nghĩ của bạn.
Indra đọc suy nghĩ của Mahavira: 'Hãy để tôi yên. Tôi không cần sự giúp đỡ của người nào hết, tôi muốn tự mình chiến đấu. Tôi không muốn nợ ai - hãy bỏ qua cho. Dù chuyện gì xảy ra tôi vẫn sẽ chiến đấu một mình cho đến ngày chiến thắng'.
Đến đây thì chiến thắng của ngài nghe có vẻ lạ lẫm đối với những người đã quen với ý niệm buông xả, đầu hàng hiện hữu. Thế nhưng bạn cần nhớ rằng: Hãy thương xót kẻ khác, sự độc nhất của họ. Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải đi theo con đường của họ; đơn giản là bạn cần có một sự thấu hiểu sâu sắc rằng, mỗi người là độc nhất; và một khi người ta là độc nhất thì con đường của họ cũng độc nhất. Và đôi khi những con đường trái ngược lại dẫn về cùng một đích.
Chỗ này rất dễ bị hiểu sai, nhưng tôi muốn các bạn hiểu rằng có những con đường khác nhau, những con người khác nhau, và những sự độc nhất khác nhau. Tất cả những điều đó sẽ giúp mở mang trái tim của bạn, tình thương của bạn, sự thấu cảm của bạn. Và dù cho bạn đi theo con đường nào thì điều đó cũng có ích. Đây chính là sự mở mang - nó có thể chứa đựng mâu thuẫn.
Nhận xét
Đăng nhận xét