Chương 10. Ánh sáng thanh khiết, niềm vui thanh khiết
Chương 10. Ánh sáng thanh khiết, niềm vui thanh khiết
Osho yêu quý,
Cái chết tự nhiên là gì?
Đây là một câu hỏi thật ý nghĩa, nó chứa nhiều hàm ý! Ý nghĩa đơn giản và rõ ràng nhất là chết mà không có tác nhân nào hết; chỉ đơn giản là già đi; rồi từ già đến chết không trải qua bệnh tật gì. Cái chết đơn giản là vì tuổi già - mọi thứ trong cơ thể bạn, trong não của bạn ngừng hoạt động. Đây là ý nghĩa thông thường và rõ ràng nhất của cái chết tự nhiên.
Tuy nhiên, đối với tôi, cái chết tự nhiên có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều: một người phải sống một cuộc đời tự nhiên để có được một cái chết tự nhiên. Cái chết tự nhiên là điểm cao nhất của một cuộc đời tự nhiên không bị ức chế, không bị kìm hãm - sống tự nhiên như chim muông, thú rừng, cây cỏ, không bị phân hóa... một cuộc đời buông xả, để tự nhiên đi qua bạn mà không gặp chướng ngại nào từ phía bạn, giống như bạn không có ở đó và cuộc đời cứ tự nó vận hành.
Thay vì bạn sống cuộc đời thì hãy để cuộc đời 'sống' bạn, bạn là thứ cấp; khi đó cực điểm sẽ là cái chết tự nhiên. Theo định nghĩa của tôi, chỉ người nào thức tỉnh mới có thể chết một cái chết tự nhiên; còn tất cả những cái chết khác đều là phi tự nhiên, bởi họ đều đã sống phi tự nhiên rồi.
Làm sao sống một cuộc đời phi tự nhiên mà bạn có thể đến được với cái chết tự nhiên? Cái chết sẽ phản ánh đỉnh cao tối thượng của cuộc đời bạn. Nó cô đọng cả cuộc đời bạn. Vậy nên trên thế giới này có rất ít người chết được một cái chết tự nhiên. Những quy định của chúng ta không cho phép chúng ta sống tự nhiên.
Nhưng quy định của chúng ta, ngay từ đầu, đã dạy ta rằng ta phải vượt lên tự nhiên, rằng sống tự nhiên là giống loài vật; chúng ta phải là siêu nhiên. Và điều này có vẻ rất logic. Tất cả các tôn giáo đều rao giảng điều này - rằng là con người phải vượt lên tự nhiên - và hàng thế kỷ qua họ đã thuyết phục người ta rằng loài người phải vượt lên tự nhiên. Không ai thành công trong việc vượt lên tự nhiên cả. Tất cả thành công của họ chỉ là tàn phá tự nhiên đồng thời với vẻ đẹp và sự thơ ngây của mình.
Con người không cần vượt lên tự nhiên.
Tôi nói với các bạn, con người phải đáp ứng tự nhiên - điều mà không có loài vật nào có thể làm được. Đó là điểm khác biệt.
Các tôn giáo chỉ toàn lừa dối người ta. Họ phân biệt rạch ròi giữa con người và con vật: đã là con người thì phải siêu nhiên, chỉ có con vật mới tự nhiên. Không có loài vật nào biết nhịn ăn; bạn không thể thuyết phục chúng rằng nhịn ăn là một điều thiêng liêng được. Loài vật chỉ biết đói, và việc đói và nhịn ăn thì chả khác gì nhau cả. Bạn không thể thuyết phục được con vật nào chống lại tự nhiên được.
Điều này đã đem lại cơ hội cho cái gọi là những người tu hành, vì loài người có khả năng chí ít là chống lại tự nhiên. Loài người không bao giờ thắng được, nhưng loài người có khả năng chiến đấu. Và trong cuộc chiến thì loài người cũng không thể phá hủy được tự nhiên; họ chỉ tự tàn hại chính mình mà thôi.
Đó là cách mà bấy lâu con người vẫn tự hủy haọi mình - hủy hoại mọi sung sướng, mọi yêu thương, mọi cao quý của mình - và không đạt đến bậc cao hơn loài vật mà ngày càng xuống thấp hơn, trong mọi cách có thể. Có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ về điều này: không có loài vật nào trong tự nhiên lại đồng tính cả. Và cả thế giới loài vật sẽ phải cười lăn nếu chúng nghe được chuyện này. Đơn giản vì đó là điều ngớ ngẩn! Thế mà trong sở thú, chỗ nào không có con cái, loài vật lại bị đồng tính.
Ấy thế mà loài người đã biến thế giới này thành một sở thú: hàng triệu hàng triệu người biến thành đồng tính, đủ các loại cuồng dâm và loạn luân. Và ai chịu trách nhiệm cho chuyện này? Chính là những kẻ đang rao dạy bạn hãy vượt lên tự nhiên, để đạt được sự thần thánh siêu nhiên.
Người ta vẫn làm như thế, và đây chỉ là một ví dụ. Ở Ấn Độ, Mahavira quá gắn bó với lý tưởng phi bạo lực đến nỗi ngài cấm cả đệ tử của mình không được trồng trọt, làm vườn, vì nếu bạn trồng trọt bạn phải cắt tỉa cây cối... mà cây cối cũng có cuộc sống, và làm như vậy là bạo lực.
Đệ tử của ngài hầu hết xuất thân từ đẳng cấp võ sĩ, kshatriyas; bản thân ngài cũng là một chiến binh. Lúc bấy giờ họ không thể chiến đấu vì chiến đấu là bạo lực; họ không thể là người cày cấy vì cày cấy là bạo lực. Họ cũng không thể làm thầy vì đó là độc quyền của đẳng cấp bà-la-môn, brahmin, mà dòng dõi brahmin thì cha truyền con nối; bạn không thể gia nhập vào tầng lớp của họ được, dù bạn có thông thái đến đâu. Bạn có thể thông thái hơn bất kỳ một brahmin nào, nhưng bạn không thể làm thầy của người ta - đó là đặc quyền của dòng dõi brahmin. Vì thế mà những người chiến binh này không được đẳng cấp brahmin thừa nhận. Họ cũng không muốn rơi xuống đẳng cấp sudra, đẳng cấp tiện dân, làm nghề đóng giày, quét đường hay dọn nhà xí.
Vì thế con đường duy nhất cho họ là làm thương gia; không còn cách nào khác. Thế là tất cả những người Kỳ-na ở Ấn Độ đều trở thành thương nhân, và một hiện tượng lạ đã xảy ra: bản chất bạo lực của họ... bởi lẽ dù không chinh chiến nữa, không săn bắn nữa, không canh tác nữa thì họ vẫn là họ. Và họ chuyển bạo lực thành bóc lột: Họ không thể cắt cổ bạn nhưng họ có thể hút máu bạn. Và họ trở thành những người giàu có nhất nước, vì một lý do đơn giản là toàn bộ bạo lực của họ đã được dồn vào một thứ duy nhất, đó là đồng tiền.
Đây không phải là tiến hóa. Những người này không tiến bộ chút nào. Sự rao dạy về phi bạo lực không giúp họ tốt hơn mà làm họ ngày càng tệ hại hơn! Họ là những người tham lam nhất, vật chất nhất, mê tiền nhất; cả thế giới của họ chỉ có tiền là tiền, vì mọi con đường khác đã bị đóng cả rồi. Họ nói chuyện cũng về đồng tiền, họ nghĩ cũng về tiền, họ mơ cũng thấy tiền. Và họ dám làm bất cứ việc gì miễn là việc đó đem lại cho họ nhiều tiền.
Một khi bạn ép uổng điều gì thì kết quả sẽ không thể tốt đẹp hơn. Họ không biết yêu thương hơn; phi bạo lực có nghĩa là biết yêu thương và có lòng trắc ẩn. Họ chỉ biến thành thứ ngược lại. Họ không có lòng trắc ẩn, họ không có lòng tốt, không biết yêu thương.
Ở nhiều nơi khác, đối với nhiều tôn giáo khác, người ta vẫn cố đưa loài người vượt lên tự nhiên. Kết quả không gì hơn là sự thất bại. Bạn sinh ra là một sinh linh tự nhiên. Bạn không vượt lên bản thân mình được. Việc đó cũng giống như bạn cố nhấc mình lên khỏi mặt đất bằng cách kéo hai chân mình lên vậy. Bạn có thể sẽ bật lên chút đỉnh, nhưng sớm muộn gì bạn cũng sẽ ngã ra đất, và có thể còn bị gãy xương đâu đó. Bạn có bay được đâu kia chứ.
Và đó là điều người ta vẫn làm. Họ cố nâng mình lên cao hơn tự nhiên, nghĩa là cao hơn chính bản thân họ.
Họ không tách rời khỏi tự nhiên, nhưng ý niệm này đáp ứng cái tôi của họ: bạn không phải là động vật vậy nên bạn phải vượt lên tự nhiên; bạn không thể cư xử giống động vật được. Người ta thậm chí còn làm cho động vật cư xử không giống động vật; và họ nâng mình vượt lên tự nhiên được một chút.
Vào thời Victoria ở Anh quốc, người ta mặc quần áo cho chó khi dắt chúng đi dạo. Chó được mặc quần áo để khỏi trần trụi, để đỡ giống động vật. Những người này đang cố nâng chó của họ lên tầm cao hơn động vật một chút.
Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng thời Victoria ở Anh, ngay cả chân ghế cũng được bọc lại - vì lý do đơn giản là chúng được gọi là chân, mà chân thì phải được che lại. Bertand Russell, người đã sống gần hết một thế kỷ - một cuộc đời dài - còn nhớ ngày bé chỉ cần nhìn thấy bàn chân trần của phụ nữ thôi cũng đủ làm ông rạo rực. Các bộ váy được thiết kế sao cho che được toàn bộ bàn chân; bạn không thể nhìn thấy bàn chân phụ nữ khi họ mặc váy.
Mới một trăm năm trước thôi người ta thậm chí còn tin rằng phụ nữ thuộc hoàng tộc không có hai chân. Hoàng tộc phải có gì đó khác với thường dân, và chưa ai từng trông thấy - vì không bao giờ có cơ hội nào để thấy được - liệu chân họ có tách thành hai chân hay không.
Tuy nhiên, những người thuộc hoàng tộc cũng chẳng buồn làm rõ chuyện này rằng: 'Thật ngớ ngẩn, chúng ta cũng là người như các ngươi thôi'. Cái tôi đã ngăn không cho họ nói ra điều đó. Nếu người ta đặt họ lên một bậc cao hơn, thế thì việc gì phải bận tâm? - cứ là hoàng tộc vậy thôi. Đó chính là một trong những lý do vì sao hoàng gia không cho phép bất kỳ ai, một người thường dân nào, kết hôn với thành viên trong hoàng tộc, vì có thể người đó sẽ phơi bày toàn bộ chuyện này: 'Những người này cũng chỉ là những con người bình thường như mọi người khác; họ chẳng có gì đáng gọi là dòng máu hoàng tộc cả'. Thế nhưng hàng thế kỷ qua người ta vẫn giữ quan niệm này.
Tôi cũng muốn các bạn khác với loài vật, nhưng không phải theo cách vượt lên tự nhiên - không phải theo cách đó. Bạn có thể đi thật sâu vào tự nhiên, bạn có thể sống tự nhiên hơn cả loài vật. Chúng không tự do, chúng đang chìm sâu trong cơn mê; chúng không thể làm gì khác hơn những gì tổ tiên chúng đã làm hàng triệu năm qua.
Bạn có thể sống tự nhiên hơn cả loài vật. Bạn có thể xuống đến vực thẳm không đáy của tự nhiên, bạn có thể lên tới đỉnh cao nhất của tự nhiên, nhưng dù thế nào đi nữa bạn cũng sẽ không thể vượt qua tự nhiên được. Bạn sẽ sống tự nhiên hơn, bạn sẽ sống tự nhiên với nhiều phương diện hơn.
Đối với tôi người tu hành không phải là người vượt qua tự nhiên mà là người hoàn toàn thuận theo tự nhiên, người đã khám phá tự nhiên ở mọi góc cạnh của nó, người không bỏ sót một điều gì tự nhiên.
Động vật là loài bị nhốt tù; chúng chỉ có một khu vực sống nhất định. Loài người có khả năng, có trí khôn, có tự do để khám phá. Và nếu bạn đã khám phá hết tự nhiên, bạn trở về nhà. Tự nhiên là nhà của bạn. Và cái chết sẽ là một điều vui sướng, là một cuộc ăn mừng. Lúc đó bạn chết mà không phiền trách gì, bạn chết với lòng tri ân sâu sắc, vì cuộc đời đã cho bạn nhiều quá, còn cái chết chỉ đơn giản là đỉnh cao tối thượng trong tất cả những gì bạn đã sống.
Nó chỉ tựa như trước khi tắt ngọn nến bùng lên sáng nhất... con người tự nhiên, trước khi chết cũng sẽ sống đẹp đẽ nhất trong mọi thời khắc; anh ta chỉ còn là ánh sáng, là thực tại. Đối với tôi đó là cái chết tự nhiên.
Nhưng để có được cái chết đó người ta phải trả giá; bạn không được ban tặng điều đó. Bạn chỉ được ban tặng cơ hội, nhưng bạn phải tự mình khám phá, tự mình tìm kiếm, bạn phải xứng đáng thụ hưởng nó.
Thậm chí chỉ cần chứng kiến cái chết của một con người thực thụ, chỉ cần đứng gần bên người ấy khi người ấy hấp hối, bạn cũng sẽ cảm nhận tràn trề một niềm vui sướng kỳ lạ. Nước mắt của bạn không rơi vì buồn đau mà chúng là lòng biết ơn và nỗi sung sướng - vì khi một người đã chết tự nhiên, đã sống trọn cuộc đời mình, người đó sẽ tỏa sinh lực vào khắp tự nhiên. Những người có mặt và gần bên người ấy khi người ấy chết sẽ được tắm trong... sự sảng khoái bất chợt, một cơn gió, một hương thơm mới và một cảm giác mới rằng cái chết không phải là điều tồi tệ, rằng cái chết không đáng sợ, rằng cái chết là điều chúng ta phải gặt hái, phải xứng đáng với nó.
Tôi nói với các bạn nghệ thuật sống. Nhưng nó cũng chỉ có thể được gọi là nghệ thuật chết. Hai cái đó chỉ là một mà thôi.
Osho yêu quý,
Làm sao ta tránh được cái bẫy lý trí đặt ra khiến ta không bao giờ sướng vui trong khoảnh khắc, không để ta nhẫn nại, không để cho cỏ cây tự mọc. Lúc nào tôi cũng muốn đi nhanh hơn, muốn đẩy dòng chảy đi, và bỏ lỡ vẻ đẹp khi nó đưa tôi vào thời khắc của nó. Xin ông hãy nhận xét.
Đây là một trong những câu hỏi thường hằng. Phương Đông đã đến được rất gần với thực tại. Có những tôn giáo ra đời tại Ấn Độ và ngoài Ấn Độ; những tôn giáo ra đời ngoài Ấn Độ đều tin rằng con người chỉ có một kiếp sống - kéo dài khoảng 70 năm. Đương nhiên cuộc sống đó sẽ vội vã; người ta phải gấp gáp - cuộc sống ngắn ngủi mà có biết bao việc phải làm, biết bao điều phải trải nghiệm, khám phá. Chính vì thế mà tư duy của người phương Tây là tốc độ, họ muốn làm mọi việc càng nhanh càng tốt, do ý niệm của họ về một cuộc đời ngắn ngủi. Bạn không thể trách họ được.
Những tôn giáo ra đời ở Ấn Độ có một sự mở rộng vô cùng - hết kiếp này đến kiếp khác. Họ không cần vội vã, gấp rút. Thế nhưng loài người ngu muội đến nỗi khi giải quyết xong một vấn đề thì từ trong giải pháp đó lại nảy sinh hàng ngàn vấn đề khác. Ý niệm về nhiều kiếp sống thực sự đã giúp bạn thư thả: không cần vội vàng, sự bất diệt thuộc về bạn, vậy nên đừng có chạy, cứ đi như cuộc dạo chơi ban sớm - thư thái, an lạc.
Đó là ý tưởng của những người đưa ra quan niệm về sự tái sinh, nhưng người ta thay vì bước đi thư thái thì họ lại đâm ra biếng nhác. Họ nói: 'Cần gì phải vội, vậy thì cần gì phải bước đi? Không bàn cãi chuyện chạy nữa, vậy thì cần gì cái chuyện đi bộ buổi sớm? Vĩnh hằng thuộc về bạn - bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bước đi được cơ mà'.
Phương Đông nghèo khó là vì vậy, vì người ta không phát triển được khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ là nhằm giúp mọi việc được thực hiện nhanh chóng hơn, để sản xuất hàng hóa ra nhanh hơn. Người ta vẫn cứ nghèo, đã nghèo lại càng nghèo. Họ có ý tưởng tốt, nhưng kết quả lại không được như thế.
Phương Tây thì ngược lại - họ quan niệm cuộc đời ngắn ngủi. Ý niệm này tạo ra sức căng và sự nóng vội, nhưng nó lại phát triển được khoa học công nghệ, sự giàu có, tiện nghi, xa hoa; nó tạo ra mọi thứ. Thế nhưng con người bên trong lại lạc lối, bởi họ cứ chạy mãi. Họ không bao giờ dừng lại nơi nào; lúc nào họ cũng muốn đi tìm một thứ khác. Và bạn không bao giờ đến được cái đích mà bạn có thể dừng chân. Thế nên ở phương Tây người ta tạo ra những phương tiện tốc độ, và họ đi rất nhanh. Nhưng bạn đừng hỏi họ rằng: 'Anh đi đâu?'. Đừng lãng phí thời gian của họ bằng câu hỏi ngốc nghếch ấy! Vấn đề là họ đi nhanh; không cần biết họ đang đi đâu và tại sao họ lại đi như vậy.
Cả hai quan niệm trên đều đã thất bại. Các tôn giáo phương Đông không giúp được gì; các tôn giáo phương Tây không giúp được gì. Cả hai đều cố đem đến cho bạn một quan niệm, nhưng họ chưa bao giờ cho bạn thấy ý nghĩa sự hiện tồn của chính bạn. Đây là điểm khác biệt giữa tôi và họ.
Chẳng hạn, vấn đề của bạn là bạn hiểu rằng: 'Hãy thư thả và để cỏ cây tự mọc,' nhưng bạn vẫn tiếp tục vội vã.
Không, như vậy là bạn không hiểu. Điều tiên quyết để bạn cần hiểu là bạn không hiểu ý nghĩa của việc để cỏ cây tự mọc. Nếu bạn hiểu điều đó thì mọi sự thúc đẩy, ép uổng đều sẽ biến mất. Tôi nói nó sẽ biến mất không có nghĩa là nó ngừng lại. Đối với mỗi người sẽ khác.
Nếu bạn hiểu ý nghĩa của việc cỏ cây tự mọc... cả vũ trụ bao la đang lặng lẽ, bình an vận hành; hàng triệu hệ mặt trời, hàng triệu ngôi sao vẫn di chuyển mỗi ngày, từ vĩnh hằng này đến vĩnh hằng khác... Nếu bạn hiểu rằng hiện hữu đang diễn ra chứ nó không hành động, thì nếu việc thúc ép là bản chất của bạn, bạn sẽ chấp nhận nó. Vấn đề không phải là dừng nó lại, vì nó lẽ lại tiếp diễn mà thôi. Đơn giản bạn chỉ cần hiểu rằng mọi vật đang diễn ra, rằng đó là cách bạn tồn tại: rằng bản chất của bạn là thúc đẩy. Lúc đó bạn sẽ hoàn toàn chấp nhận nó, và trong sự chấp nhận đó, sức căng sẽ biến mất.
Đối với một số người khác, việc thúc đẩy sẽ có thể biến mất - nếu đó không phải là bản chất của họ, nếu họ chỉ bắt chước, cạnh tranh với người khác và vì những người khác thúc đẩy nên họ cũng thúc đẩy, nó có thể ngừng được, nếu bạn hiểu rằng vạn vật đều diễn ra thôi, và bạn không nhất thiết phải bận tâm về chúng; bạn có thể lặng lẽ tận hưởng cách mà mọi vật diễn ra như thế. Bạn có thể dự phần mà không bận tâm khi sự nóng vội đến với bạn một cách tự nhiên; nhưng không vượt quá nó.
Vậy nên cùng một cách hiểu nhưng mỗi cá nhân sẽ đón nhận mọi việc khác nhau. Nếu thúc đẩy là bản chất của bạn thì chẳng có gì sai khác trong chuyện này cả. Hãy tận hưởng nó, hãy thúc đẩy nó bằng hết sức của bạn - nhưng hãy làm điều đó trong vui ca hân hoan và không lo lắng rằng mình đang thúc đẩy. Đây chính là bạn. Đây chính là cỏ cây của bạn và nó mọc theo cách đó.
Chỉ cần nhớ một điều là, làm việc gì bạn cũng phải làm trong niềm hân hoan, nỗi sướng vui - vậy là đủ. Mỗi người sẽ làm những việc khác nhau và thế giới cần như vậy. Đó chính là sự phong phú của thế giới: mọi thứ đều không giống nhau và không nên giống nhau. Nhưng chúng nên gặp nhau ở một điểm; và đó là tâm điểm của sự thư thái.
Ở Nhật Bản người ta đã làm ra nhiều thứ lạ lùng để phục vụ cho việc thiền định... Nhật Bản đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại. Thiền định xuất phát từ Ấn Độ nhưng nó chỉ phát triển rất hạn chế - chỉ là ngồi tư thế hoa sen và theo dõi suy nghĩ của mình rồi tĩnh lặng. Thực ra nó có tác dụng nhưng ở Nhật Bản người ta đã thử rất nhiều cách thức, những cách thức lạ lùng: vừa đấu kiếm vừa thiền định. Hai kiếm sĩ ngay lúc chuẩn bị giết chết đấu thủ của mình vẫn phải giữ tập trung vào chính mình mà không căng thẳng, sợ hãi, tức giận hay trả thù, đó chỉ là một trò chơi mà thôi.
Đối với người xem thì đây là vấn đề giữa sống và chết, nhưng đối với hai hành giả thì đó chỉ là trò chơi. Và điều kỳ lạ xảy ra là: nếu cả hai hành giả đều thiền sâu như nhau thì sẽ không ai thắng cũng không ai bại. Thậm chí trước khi một người giơ kiếm chuẩn bị đâm vào người kia ở một điểm nào đó - thậm chí trước cả lúc người đó kịp làm điều đó - thì người kia đã nắm bắt được ý định của anh ta rồi, và đã sẵn sàng ra đòn phòng vệ.
Người ta không thể phân định thắng thua được. Thông thường, thật khó mà tưởng tượng được kiếm đạo lại đi thiền định, hiệp khí đạo và thiền định, bắn cung và thiền định, sumo và thiền định. Nhưng ở Nhật người ta đã thử ở mọi lĩnh vực có thể, và họ nhận ra rằng bạn làm gì đều không quan trọng; cái quan trọng là, bạn có tập trung không?
Nếu tập trung, bạn có thể làm được bất kỳ điều gì và nó sẽ không gây căng thẳng; bạn vẫn giữ được sự thư thái của mình.
Vậy nên đừng lo lắng về chuyện thúc đẩy. Hãy hiểu rằng chúng ta quá bé nhỏ trong vũ trụ bao la này; dù ta có làm gì hay không làm gì thì cũng chẳng thay đổi được hiện hữu. Ta không nên nghiêm trọng hóa nó. Tôi không sinh ra thì hiện hữu vẫn vậy; tôi không còn trên cõi đời này nữa thì hiện hữu vẫn vậy. Tôi không nên nghiệm trọng hóa bản thân mình.
Đây là hiểu biết cơ bản của một người hành thiền - rằng không được coi mình là quan trọng. Khi đó tự động sự thanh thản sẽ đến. Và với sự thanh thản, những gì là tự nhiên đối với bạn sẽ tiếp tục, những gì phi tự nhiên tự nó sẽ ra đi.
Osho yêu quý,
Vấn đề của một người hành thiền trước đây là 'Làm thế nào để hòa nhập vào thế giới mà không thuộc về nó?'. Từ khi rũ áo đi tu, nhiều người trong chúng tôi đã quay lại với thế giới, nhưng chúng tôi cảm thấy mình như người ngoài hành tinh, khác biệt và không thuộc về thế giới này. Dường như vấn đề của chúng tôi bây giờ là 'Làm thế nào để hòa nhập với thế giới?'
Không, vấn đề vẫn là hòa nhập vào thế giới nhưng không thuộc về nó. Việc hòa nhập vẫn không mất đi vị trí tiên quyết của nó. Vị trí tiên quyết cho phép bạn hòa nhập vào thế giới nhưng không thành kẻ trần tục.
Hoàn toàn tốt thôi nếu bạn cảm thấy mình như người ngoài hành tinh - chẳng có gì sai trái trong chuyện đó cả. Nếu bạn cảm thấy như thế, rằng thế giới mà bạn đang phải sống không phải là thế giới mà bạn có thể đồng hóa với người ta, với quan niệm, với cách hành xử của họ.
Đây chưa phải là thế giới phù hợp với bạn - tôi muốn nói đến thế giới loài người. Bạn muốn hòa nhập vào nó, trở thành một phần của nó ư? Vậy thì bạn phải là một con chiên Ki-tô giáo thuộc một tổ chức Ki-tô giáo. Vậy thì bạn phải đi nhà thờ, bạn phải tin 'Kinh Thánh'. Bạn có muốn sống theo cách đó ở thế giới này không? Vậy thì tất cả những gì bạn làm từ trước đến nay thật là một sự lãng phí thời giờ một cách vô ích.
Hòa nhập vào thế giới chỉ có nghĩa là bạn sẽ có một việc làm, bạn sẽ phải kiếm miếng cơm manh áo, bạn sẽ phải sống với những người không cùng suy nghĩ với bạn, bạn sẽ sống chung với toàn người nước ngoài; và tất nhiên bạn sẽ cảm thấy mình giống như người ngoài hành tinh vậy. Nhưng bạn nên vui mừng vì điều đó.
Tôi không đưa các bạn trở lại thế giới để rồi các bạn lại lạc lối. Tôi đưa các bạn trở lại thế giới để các bạn vẫn là chính mình dù cho thế giới có ra sao đi nữa. Và đó chính là ý nghĩa nguyên thủy của câu nói đó: Hãy hòa nhập vào thế giới nhưng đừng thuộc về nó. Đến nay, ý nghĩa nó vẫn không hề thay đổi.
Osho yêu quý,
Một trong những điều làm tôi hạnh phúc nhất trong cuộc sống là được nghe ông nói về giác ngộ. Đối với những người thích nghe như chúng tôi, xin ông hãy nói thêm một lần nữa về những điều không thể diễn đạt?
Đúng là không gì đẹp đẽ, vui sướng hơn sự giác ngộ - dù chỉ là nói về nó thôi, chỉ là tiếng vọng từ rất xa thôi, chỉ là cái bóng của nó mà thôi. Mặt trăng in bóng trên nước không phải mặt trăng thật, nhưng nó vẫn mang vẻ đẹp huyền diệu; và nếu mặt nước trong tâm bạn tĩnh lặng thì mặt trăng in bóng sẽ vẫn là nó.
Đó không phải là trải nghiệm của bạn, nhưng đó là trải nghiệm của người mà bạn yêu thương, của người mà bạn tin tưởng. Và chính từ lòng tin yêu của bạn, bạn cảm nhận trải nghiệm đó một cách tinh tế.
Thật khó mà diễn tả nó, dù cả cuộc đời tôi vẫn luôn nói về nó - và chỉ nói về nó mà thôi. Và dù tôi có nói đến điều gì khác thì cũng chỉ để đưa bạn đến một sự hiểu biết về giác ngộ.
Đó là trạng thái tĩnh tại của bạn, là trạng thái khi bạn hòa vào vũ trụ. Đó là bạn khi không còn bản ngã và những rắc rối của nó.
Đó là bạn khi không còn vướng mắc và không còn lời giải - chỉ hoàn toàn tĩnh lặng.
Và không gì vui sướng hơn sự tĩnh lặng này. Đó chính là ánh sáng thanh khiết, niềm vui thanh khiết.
Tôi hiểu được vấn đề của bạn. Nghe đi nghe lại về điều này cũng là một nhu cầu cần thiết, vậy nên bạn đừng quên vì sao mình lại có mặt nơi đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét