Chương 4. Đừng tìm đâu xa
Chương 4. Đừng tìm đâu xa
Osho yêu quý,
Tôi cảm thấy mình bị chia thành hai nửa... một nửa hướng về cái chưa biết, nửa kia đi về tất cả những gì quen thuộc từ trước. Khi tôi đến gần ngưỡng bỏ qua tất cả những gì tôi tin là của mình, tôi lại hoảng sợ - mặc dù tôi thực sự khao khát đạt đến nơi mà ông vẫn nói. Xin hãy cho tôi nghị lực bước tiếp.
Thực chất vấn đề không phải ở nghị lực; vấn đề là bạn không hiểu rằng những thứ đã biết đều chết rồi, và cái chưa biết mới là đang sống.
Níu giữ cái đã biết là níu giữ xác chết. Chẳng cần phải can đảm hay nghị lực để vứt bỏ sự níu giữ đó; thực ra việc níu giữ một xác chết mới cần đến lòng can đảm. Bạn cần phải hiểu... rằng những thứ quen thuộc với bạn, những gì bạn đã trải qua - nó đem lại cho bạn cái gì? Bạn đã đạt được điều gì? Chẳng phải bạn vẫn đang trống rỗng sao? Chẳng phải trong bạn là nỗi bất bình sâu sắc, mệt mỏi rã rời và vô nghĩa? Bằng cách nào đó bạn cố xoay xở, che giấu sự thật và tạo ra những lời nói dối để mà bận tâm bận trí.
Đây mới chính là vấn đề: cần hiểu rõ rằng mọi thứ bạn biết đều thuộc về quá khứ, nó đã qua rồi. nó là một phần của nghĩa địa. Bạn muốn xuống mồ hay tiếp tục sống? Và đó không chỉ là vấn đề của hôm nay mà còn là của ngày mai, ngày mốt. Bạn sẽ phải đối mặt với nó cho đến hơi thở cuối cùng.
Tất cả những gì bạn biết được, tích lũy được - thông tin, kiến thức, kinh nghiệm - ngay lúc bạn khám phá nó là bạn đã xong với nó. Giờ lại gánh theo những từ ngữ trống rỗng đó, gánh nặng chết rồi đó là bạn đang tự hủy hoại cuộc sống của mình, chất nặng cuộc sống của mình, ngăn cản chính mình bước vào một đời sống vui thú, đúng nghĩa - đời sống mà từng giây từng phút vẫn đang chờ đợi bạn.
Người hiểu biết là người đã chết trong mọi thời khắc của quá khứ và tái sinh trong tương lai. Sự hiện diện của người đó lúc nào cũng là sự chuyển hóa, tái sinh, hồi sinh. Đó không phải là vấn đề về lòng can đảm, mà trước hết đó là điều cần hiểu thông suốt. Đó là vấn đề về việc hiểu rõ cái gì là cái gì.
Thứ hai, không ai có thể đem lại cho bạn lòng can đảm khi bạn cần đến nó. Nó không phải thứ có thể trao tặng như một món quà. Nó là thứ mà bẩm sinh bạn đã có, chỉ là bạn không cho phép nó lớn mạnh thôi, bạn không cho nó tự khẳng định, vì cả xã hội đều chống lại nó.
Xã hội thích những đàn cừu chứ không phải những con sư tử. Như thế người ta mới dễ dàng bị nô dịch hóa, bị bóc lột, bị đối xử tùy ý. Họ không có linh hồn; họ gần như là những con robot. Bạn ra lệnh và họ sẽ nghe theo. Họ không phải là những cá nhân tự do.
Không xã hội nào lại muốn bạn can đảm cả. Mọi xã hội đều muốn bạn là kẻ hèn nhát, thế nhưng không ai nói thật điều đó ra cả; thay vào đó họ tìm những từ ngữ đẹp đẽ để diễn tả nó. Họ sẽ không nói: 'Hãy là kẻ hèn nhát', bởi như thế có vẻ xúc phạm quá và nó sẽ khiến anh ta suy nghĩ: 'Tại sao tôi phải hèn nhát?' - mà một kẻ hèn nhát thì không đáng trọng chút nào.
Không, họ không nói như thế. Họ sẽ nói rằng: 'Hãy thận trọng. Suy nghĩ kỹ trước khi bước. Hãy nhớ truyền thống, tôn giáo hàng ngàn năm tuổi của anh; nó có sự thông thái. Anh là người mới đến, anh không thể làm nổi việc hoài nghi nó. Không có sự so sánh nào hết. Anh thì mới bước vào, còn tôn giáo của anh thì đã tồn tại 10 ngàn năm nay, dạn dày kinh nghiệm, tri thức. Nó cao ngất và hùng vĩ như dãy Himalayas vậy.
Bạn chỉ là một hòn đá cuội nhỏ bé. Bạn không thể đấu tranh với truyền thống - như thế là chống lại chính bạn, như thế là tự hủy hoại mình. Bạn chỉ có thể tuân theo truyền thống; như thế mới là khôn ngoan, sáng suốt. Đi theo số đông bạn sẽ được bảo vệ, bạn được an toàn, bạn có thể tin chắc rằng mình sẽ không lạc lối.
Người ta sẽ nói điều này với bạn bằng nhiều cách khác nhau. Chỉ cần là một kẻ hèn nhát; điều đó sẽ có ích. Can đảm là một việc hết sức nguy hiểm, vì nó sẽ đưa bạn đến xung đột với tất cả những lợi ích thiết thân của kẻ khác - mà bạn chỉ là một con người nhỏ bé. Bạn không thể chiến đấu với cả thế giới được.
Ông tôi thường bảo tôi: 'Tất cả những gì con nói đều đúng. Ta già rồi, nhưng ta có thể hiểu được những gì con nói là sự thật. Nhưng ta khuyên con - đừng nói điều đó với một ai khác. Con sẽ gặp rắc rối. Con không thể chống lại cả thế giới. Con có thể có được sự thật, nhưng sự thật chẳng thể làm được gì; số đông mới là kẻ quyết định.
Người ta có thể nói dối được mà - và tất cả mọi tôn giáo đều làm như thế, nói dối về Thượng Đế, về thiên đàng, về địa ngục, về một ngàn lẻ một thứ khác - 'thế mà số đông ủng hộ họ. Những lời nói dối của họ được cả nhân loại và sự lâu đời của nó cổ vũ. Con chẳng là gì hết'.
Tôi rất gần gũi với ông nội. Ông thường đưa tôi đi gặp những vị thánh khi họ đến thăm thị trấn. Ông rất hứng thú với lập luận của tôi về cái gọi là những vị thánh khi tôi gây ra một tình huống hết sức khó xử cho một vị thánh nọ vì ông ta không trả lời được câu hỏi của tôi. Nhưng khi trở về, ông tôi bảo tôi rằng: 'Hãy nhớ, nó chỉ tốt khi là một trò chơi, đừng biến nó thành cuộc đời con, nếu không con sẽ phải một mình chống chọi với thế giới. Và con sẽ không thể thắng nổi cả thế giới này'.
Đến cuối đời ông tôi vẫn nhắc nhở tôi điều này. Trước khi chết, ông gọi tôi vào và nói: 'Hãy nhớ, đừng chống lại thế giới. Con không thắng được đâu'.
Tôi nói: 'Giờ ông sắp chết rồi. Ông vẫn đi theo cả thế giới - thế ông có được gì? Chiến thắng của ông là gì? Con không thể hứa với ông điều ông muốn. Con muốn ông hiểu rõ rằng dù cái giá phải trả là gì... con có thể thua cuộc, nhưng đó là cuộc chiến của con, và con sẽ hết sức hài lòng vì con đi theo sự thật. Thắng bại có hề gì đâu. Điều quan trọng là ta làm điều mình cảm thấy đúng'.
Lòng can đảm này có trong tất cả mọi người. Nó không phải một phẩm chất mà người ta có thể tập luyện để có được; nó là một phần cuộc sống của bạn, là hơi thở của bạn. Có điều xã hội đã tạo ra quá nhiều rào chắn đối với sự trưởng thành tự nhiên của bạn đến nỗi bạn bắt đầu lo nghĩ mình biết lấy đâu ra lòng can đảm? Lấy đâu ra trí khôn? Lấy đâu ra sự thật?
Bạn không phải đi đâu cả. Trong bạn có đủ loại hạt giống cho những gì bạn muốn trở thành. Nhận ra điều này và nhìn rõ phía bên kia.. Những người đi theo số đông - họ có được gì? Họ mất tất cả. Thực ra họ không sống chút nào; họ đang chết. Từ lúc lọt lòng họ đã bắt đầu hấp hối, và tiếp tục hấp hối cho đến hơi thở cuối cùng. Cả cuộc dời họ là một chuỗi dài toàn những cái chết. Bạn có thể theo họ, nhưng số phận của bạn cũng sẽ như họ thôi.
Sẽ rất đơn giản khi bạn đã nhìn ra: cách duy nhất để sống là sống cuộc đời của chính bạn. Nó thuộc về cá nhân, nó là sự độc lập, nó là tự do. Nó là sự dỡ bỏ gánh nặng của tất cả những thứ đã chết để cuộc sống tiếp tục phát triển, và không bị sức nặng của cái chết đè nát.
Osho yêu quý,
Ông là nguồn cảm hứng của tôi. Tôi từng nghe ông nói rằng ông không có thầy, thế nhưng liệu có nguồn cảm hứng nào cho ông bắt đầu cuộc hành trình của mình không?
Cuộc sống là đủ.
Chỉ cần nhìn những người xung quanh, những xác chết biết đi - là đủ cho bạn nguồn động lực để không đi theo họ, không đi theo con đường của họ mà tự lần tìm đường đi cho chính mình nếu bạn muốn sống.
Tôi không có thầy, và thật may là tôi không có người thầy nào. Trong những kiếp trước tôi đã đi theo một số vị thầy biết sống. Họ là những con người cao đẹp, đáng kính, nhưng tôi hiểu được một điều là - không ai có thể là nguồn cảm hứng cho tôi được, bởi từ 'nguồn cảm hứng' rất nguy hiểm.
Ban đầu nó là nguồn cảm hứng, rồi thành đi theo, rồi thành bắt chước - và cuối cùng bạn trở thành một bán ao. Không cần thiết phải được ai đó khơi nguồn cảm hứng. Việc đó không những không cần thiết mà còn rất nguy hiểm. Cứ nhìn mà xem, tôi đã thấy... mỗi cá nhân là duy nhất. Không ai có thể đi theo một người khác được.
Anh có thể cố - hàng triệu người đã cố làm như vậy hàng ngàn năm qua. Hàng triệu người là con chiên Thiên Chúa giáo, hàng triệu người là tín đồ Hindu giáo, hàng triệu người là Phật tử. Họ đang làm gì? Nguồn cảm hứng từ đức Phật Cồ Đàm đã tạo ra hàng triệu người Phật tử, và giờ đây họ đang cố nối gót ngài. Và họ chẳng đến được đâu cả; họ không thể.
Bạn không phải là đức Phật Cồ Đàm, và dấu chân ngài không vừa với bạn, giày của ngài cũng không vừa với bạn; bạn phải tìm cỡ giày vừa vặn với bạn nhất. Ngài rất đẹp, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải trở thành người giống ngài. Và đó chính là ý nghĩa của từ 'nguồn cảm hứng'. Nó có nghĩa là bạn bị ảnh hưởng sâu sắc đến mức người kia trở thành lý tưởng của bạn, đến mức bạn muốn được giống như người ấy. Điều đó đã khiến cả nhân loại lạc lối. Nguồn cảm hứng là một lời nguyền chứ không phải phúc lành.
Tôi mong rằng bạn sẽ học hỏi từ nhiều nguồn, vui thú với mọi sinh linh bạn gặp được trong đời. Tuy nhiên đừng bao giờ đi theo bất cứ ai và đừng bao giờ cố trở thành một người giống hệt ai đó; sự hiện hữu không cho phép như vậy. Bạn chỉ có thể là chính mình.
Và thật lạ, tất cả những người đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người khác bản thân họ chưa bao giờ lấy cảm hứng từ bất cứ ai - thế mà không ai lưu ý thực tế đó. Đức Phật Cồ Đàm không lấy cảm hứng từ bất cứ ai, và chính điều này đã giúp ngài trở thành một nguồn cảm hứng vĩ đại. Socrates không lấy cảm hứng từ người nào, nhưng chính điều đó đã làm cho ông trở thành một nguồn cảm hứng vĩ đại. Socrates không lấy cảm hứng từ người nào, nhưng chính điều đó đã làm cho ông trở thành có một không hai.
Tất cả những người này, những người mà bạn coi là nguồn cảm hứng của mình, họ chưa bao giờ lấy cảm hứng từ bất cứ ai. Đó là điều cơ bản mà bạn cần phải hiểu. Vâng, họ đã học; họ cố gắng hiểu hết tất cả mọi loại người. Họ yêu quý những cá nhân độc nhất vô nhị, nhưng họ không đi theo ai hết. Họ vẫn là chính mình.
Vậy nên bạn đừng lấy nguồn cảm hứng từ tôi; nếu không bạn sẽ không bao giờ có thể trở thành một nguồn cảm hứng. Bạn sẽ chỉ trở thành một bản sao, bạn không có sự xác thực của chính mình, gương mặt nguyên thủy của chính mình. Bạn sẽ trở thành một kẻ đạo đức giả: bạn sẽ là kẻ nói một đàng làm một nẻo. Bạn sẽ thể hiện gương mặt mình trong những tình huống khác nhau với những chiếc mặt nạ khác nhau, và dần dần, dần dần bạn sẽ quên đi gương mặt thật của mình; vì bạn có quá nhiều mặt nạ...
Tôi nghe được câu chuyện này... Sau một năm kể từ ngày Abraham Lincoln bị ám sát, và người ta tổ chức tưởng niệm ông suốt một năm liền trên khắp nước Mĩ. Có một người nọ trông giống hệt Abraham Lincoln; giống đến từng chi tiết nhỏ, anh này gần như là một bản sao của Abraham Lincoln.
Người ta dạy cho anh nói năng theo cách của Abraham Lincoln, với từng cử chỉ, cách nhấn giọng, giọng nói, mọi thứ, từng li từng tí - thậm chí cả cách ông đi lại - mọi việc ông làm suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày... và anh này sau đó sẽ đi khắp đất nước trong suốt một năm để diễn lại vở kịch về cuộc đời của Abraham Lincoln.
Anh ta bị bắn chết nhiều lần lắm, tối nào cũng chết, vở diễn nào cũng chết, có khi chết tới hai lần trong một ngày. Suốt một năm ròng rã - anh ta chết đi chết lại - và vai diễn trong vở kịch gần như trở thành bản năng thứ hai của anh ta. Thế nên khi những buổi lễ tưởng niệm kết thúc, người ta đã hết sức kinh ngạc: cách anh ta bước ra khỏi nhà hát giống hệt dáng điệu của Abraham Lincoln - hồi đó Abraham Lincoln đi hơi khập khiễng. Anh này cũng đi hơi khập khiễng.
Vợ anh nói: 'Anh tỉnh lại đi!' - vì anh này nói năng giống hệt Abraham Lincoln với cái giọng già cả trăm tuổi - 'Đừng đùa dai quá vậy. Hãy trở về với con người thật của anh đi, quay về đi anh'.
Và anh ta đáp: 'Tôi đang là chính tôi đây, tôi là Abraham Lincoln'. Trong suốt một năm anh ta sống cuộc đời của Abraham Lincoln, anh ta chết hàng ngàn lần cái chết của Abraham Lincoln; anh ta đã hoàn toàn quên mình là một người khác.
Người ta đưa anh đi bác sĩ. Bác sĩ nói chuyện với anh, còn anh thì vẫn chìm trong vai diễn. Bác sĩ nói: 'Quên cái vở kịch ấy đi'.
Anh đáp: 'Kịch gì?'.
Bác sĩ quay sang cô vợ của anh và nói: 'Người này không chịu nghe đâu, trừ phi anh ta bị bắn chết'.
Cả gia đình anh muốn phát điên với anh. Anh ta mất việc; không ai chịu chữa trị vì anh ta đâu có bệnh tật gì. Chỉ đơn giản là anh ta bị dính chặt với một chiếc mặt nạ. Một năm là quãng thời gian dài, và mỗi ngày, 24 tiếng đồng hồ, anh ta đã sống là Abraham Lincoln. Và việc là Abraham Lincoln là một người bình thường - ai mà muốn như thế? Anh ta đã có những ngày huy hoàng, những ngày tươi đẹp, và giờ anh ta cứ mãi níu giữ chúng.
Người đàn ông nọ sống là Abraham Lincoln trong một vài năm; anh ta ký 'Abraham Lincoln' giống hệt chữ ký của Abraham Lincoln. Liệu bạn có nói được người này mất gì hay được gì? Anh ta đã đánh mất chính mình, và cái mà anh ta được chỉ là một vai diễn. Anh ta hoàn toàn chỉ là thứ hàng giả.
Và đây là tình trạng của hầu hết tất cả mọi người trên thế giới - không đến mức kịch tính, nổi bật như thế - nhưng mọi người đều đang diễn một vai nào đó mà người ta đã dạy mình.
Một đứa trẻ sinh ra không phải là con chiên Thiên Chúa giáo, không phải là tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo - và rồi chúng ta bắt đầu gắn mặt nạ cho nó. Gương mặt ngây thơ của nó biến mất. Và đến chết nó sẽ vẫn tin rằng nó là con chiên Thiên Chúa giáo. Vậy nên bạn đừng cười cái anh chàng tội nghiệp đến chết vẫn cứ tưởng mình là Abraham Lincoln kia, bởi tất cả những người khác đều đang làm giống như vậy cơ mà. Tín đồ Hindu giáo khi chết là người Hindu giáo - nhưng họ sinh ra không phải là người Hindu giáo.
Những cuộc điều tra dân số luôn gây phiền phức cho tôi. Người ta yêu cầu tôi điền vào một phiếu thăm dò, và ở phần tôn giáo thì tôi ghi là: 'Tôi không có tôn giáo'.
Họ rất sửng sốt, nhưng rồi họ nói: 'Nhưng chắc hẳn ông phải sinh ra trong tôn giáo nào đó chứ. Cha mẹ ông hẳn phải là người Hindu giáo, Hồi giáo hay Kỳ-na giáo gì đó chứ nhỉ?'.
Tôi đáp: 'Thì có khác gì đâu. Cha tôi có thể là bác sĩ hay kĩ sư - điều đó cũng chẳng thể biến tôi thành một bác sĩ hay kĩ sư được. Ông ấy có thể là người Hindu giáo hay Hồi giáo, đó là việc của ông ấy. Ông ấy không thể truyền cho tôi cái gien tôn giáo của ông ấy được. Nếu ông ấy không thể truyền cho tôi kiến thức y khoa thì làm sao ông ấy truyền cho tôi kiến thức tâm linh? Đó chỉ là một sự lừa bịp mà tôi thì không muốn trở thành một phần của một trò lừa bịp nào'.
Người ta được huấn luyện để trở thành những diễn viên; trong cả thế giới rộng lớn này bạn sẽ thấy tất cả mọi người đang diễn kịch. Tất cả mọi người đều được dạy diễn kịch... những tên gọi đẹp đẽ - 'phép xã giao', 'cách xử sự' - nhưng ẩn giấu đằng sau là thứ tâm lý tinh vi khiến bạn quên đi khởi nguyên của mình và biến bạn thành một loại diễn viên do những lợi ích thiết thân áp đặt. Đừng bao giờ lấy cảm hứng từ một người nào. Hãy luôn rộng mở.
Khi bạn ngắm nhìn một buổi hoàng hôn đẹp, bạn thưởng thức vẻ đẹp của nó... khi bạn thấy một vị Phật, bạn thưởng thức vẻ đẹp của ngài, sự độc nhất của ngài, sự tĩnh lặng, thưởng thức sự thật mà vị Phật ấy đã nhận ra - nhưng đừng trở thành tín đồ của ngài. Tất cả mọi tín đồ đều là những kẻ lạc lối.
Hãy là chính mình - đức Phật Cồ Đàm tìm được con đường vì ngài là chính ngài. Và tất cả những tên tuổi sáng ngời này nữa - Lão Tử, Trang Tử, Bồ Đề Đạt Ma, Nagarjuna, Pythagoras, Socrates, Heraclitus, Epicurus - tất cả những tên tuổi sáng ngời ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu người khác - nhưng bản thân họ không lấy nguồn cảm hứng từ bất kỳ một ai. Đó chính là cách họ bảo vệ nguyên thủy của mình; đó chính là cách họ là chính mình.
Tôi đã được tiếp kiến nhiều bậc thầy, và tôi kính yêu họ. Nhưng đối với tôi, mong ước được giống họ thì thật là tệ hại. Một người là đủ, người thứ hai giống như thế sẽ không thể làm cuộc sống phong phú hơn, nó chỉ chất thêm gánh nặng mà thôi.
Hãy kính yêu người ta khi bạn thấy họ ở bình diện nào đó là chính họ, độc nhất và mãn khai. Nhưng hãy nhớ, họ mãn khai nhờ sự độc nhất và nguyên thủy của mình; thế nên hãy cẩn thận đừng để rơi vào cái bẫy bắt chước họ. Hãy là chính mình.
Socrates nói: 'Hãy hiểu chính mình'. Nhưng nó cần được làm cho hoàn hảo vì nó chưa hoàn hảo. Trước khi 'Hiểu chính mình' cần phải 'Là chính mình'; nếu không có thể bạn sẽ chỉ hiểu được vai diễn nào đó mà bạn đang diễn. Hiểu chính mình là bước thứ hai, bước thứ nhất bạn phải là chính mình.
Những người thầy vĩ đại thực sự chỉ là những người bạn, là cánh tay hỗ trợ, là ngón tay chỉ lên mặt trăng; họ không bao giờ tạo ra sự nô dịch. Thế nhưng khi họ chết, họ để lại ảnh hưởng to lớn đến nỗi những kẻ láu cá - những nhà thần học, thầy tu, học giả - bắt đầu rao giảng với mọi người: 'Hãy đi theo đức Phật Cồ Đàm'.
Giờ ngài đã chết và ngài không thể chối bỏ điều gì... và những người kia bắt đầu lợi dụng ảnh hưởng to lớn mà đức Phật để lại. Giờ đây cả châu Á, hàng triệu người, hai mươi lăm thế kỷ qua đã đi theo dấu chân của đức Phật Cồ Đàm, thế mà không có một đức Phật Cồ Đàm nào được tạo ra kể từ ấy. Thế là đã rõ: hai ngàn năm qua vẫn không có một đức Jesus nào khác; ba ngàn năm qua không hề có thêm một Mohammed nào khác. Hiện hữu không bao giờ lặp lại.
Lịch sử lặp lại vì lịch sử thuộc về đám đông vô thức.
Hiện hữu không bao giờ lặp lại. Nó rất sáng tạo. Và như vậy là tốt; nếu không, dù cho đức Phật Cồ Đàm có là một người cao đẹp, nếu có hàng ngàn đức Phật Cồ Đàm như thế - nếu đi đâu bạn cũng gặp đức Phật Cồ Đàm - bạn sẽ rất chán ngán. Điều đó sẽ phá hủy vẻ đẹp của ngài. Thật tốt là sự hiện hữu không bao giờ lặp lại. Nó chỉ tạo ra một cho mỗi loại, vì thế mà cái một ấy lúc nào cũng hiếm.
Bạn cũng giống cái một ấy. Bạn chỉ cần nở ra, mở những cánh hoa của mình ra và tỏa hương.
Osho yêu quý,
Tôi nghe nói hiện nay có một số nhà liệu pháp sannyasin tưởng tượng rằng họ đã đạt đến trình độ của ông, cùng làm một công việc như của ông - hoặc cũng có thể ở quy mô nhỏ hơn. Họ không nhắc đến tên ông nữa, và có vẻ như là họ cũng không còn mặc áo đỏ và mala nữa. Họ đã giác ngộ - hay có chuyện gì đang diễn ra với những nhà liệu pháp đó của ngài?
Những gì đang diễn ra thật buồn cười. Những người này cho rằng họ đã trở thành cá nhân, rằng họ đã đạt được tự do. Thế nhưng họ thậm chí còn không hiểu được một điều đơn giản... Tôi bảo họ, 'các anh có thể tháo bỏ mala, vứt bỏ áo xống, rồi các anh sẽ được tự do' - và họ lập tức làm theo! Họ chứng tỏ mình là tín đồ - những tín đồ mộ đạo! Nếu tôi không nói thế, họ sẽ vẫn tiếp tục đeo mala và mặc áo đỏ. Sự tự do của họ không phải là giác ngộ mà chỉ là câu nói đùa của tôi!
Thực ra khi tôi nói: 'Tôi là bạn của các anh,' họ bắt đầu nghĩ rằng họ là bạn của tôi. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau! Tôi nói tôi là bạn của các anh. Thực ra, khi các anh là bạn của tôi thì các anh đang làm những công việc giống như tôi vậy. Còn họ thì nói với lòng khiêm tốn rằng: 'Có lẽ ông đang làm công việc đó với quy mô lớn hơn, còn chúng tôi làm với quy mô nhỏ'. Thế nhưng sâu trong lòng có lẽ họ nghĩ rằng họ đang làm việc đó với quy mô lớn hơn - hoặc với quy mô cá nhân và riêng tư.
Họ đã theo tôi nhiều năm rồi, nhưng họ ở bên tôi ít hơn ở bên bệnh nhân của họ. Những người nhớ tôi nhiều nhất là những nhà liệu pháp ấy.
Một lần nọ tôi tuyên bố với một số người rằng họ đã giác ngộ - và họ giác ngộ thật! Và khi tôi nói tôi chỉ đùa thôi thì họ lại hết giác ngộ. Tôi bảo họ: 'Giờ các bạn đã tự do' . Thế là họ tự do! Ngày hôm sau tôi có thể gọi họ lại và bảo họ khoác lên mình áo đỏ và mala: 'Tự do thế đủ rồi; nhiều hơn nữa sẽ rất nguy hiểm. Hãy quay lại với cái tôi của mình'.
Nếu các bạn thực sự hiểu tôi, các bạn sẽ thấy điểm này: tôi cho các bạn cơ hội để bạn nhìn rõ bản ngã của mình, để bạn nhìn ra thực tế. Và thế là chuyện này xảy ra, thật nực cười. Tôi còn gặp một nhà liệu pháp thậm chí còn cạo trọc đầu và cạo trụi râu của mình. Có lẽ anh ta cho rằng với việc cạo râu tóc như thế anh ta cũng gột sạch tâm linh của mình. Và trông anh ta giống như một con đười ươi bị cạo nhẵn nhụi lông - thật ngu xuẩn.
Thật không may là những nhà liệu pháp kia là những người nhớ tôi nhiều nhất, chỉ vì một lý do đơn giản là trong cộng đồng, họ làm việc với tâm lý của con người và họ bắt đầu có được một thứ bản ngã tế nhị rằng, họ đang giúp tôi thực hiện sứ mệnh của mình. Họ hoàn toàn quên rằng họ thậm chí còn chưa bắt đầu việc giúp đỡ chính mình.
Họ có kiến thức nhất định về liệu pháp học; họ có ích cho mọi người và họ giúp đưa những con người đó đến gần tôi hơn. Những bệnh nhân của họ thân thiện với tôi hơn, cởi mở với tôi hơn, hiểu rõ công việc của tôi hơn những nhà liệu pháp kia. Vì họ là những nhà liệu pháp và họ phải tư vấn cho người ta nên họ sẽ không hỏi tôi những câu hỏi về chính họ.
Những gì họ làm là để hiểu được chính mình, nhưng họ đã lạc lối vì họ mang theo cả khối kiến thức. Nó có ích cho người khác, và tôi bảo họ rằng họ cần giúp đỡ người khác. Thế nhưng khối kiến thức của họ không thể chỉ ra cho họ thấy một điều rất nhỏ, rằng: 'Chúng ta đến đây là để hiểu chính mình. Chúng ta có thể làm liệu pháp, thế nhưng đó không phải là mục đích của chúng ta khi đến đây'.
Họ tiếp tục làm liệu pháp, và khi cộng đồng bị giải tán, họ quay về nước mình và cho rằng họ đang làm chính xác công việc của tôi - mà họ thậm chí còn không biết những thứ cơ bản nhất trong công việc của tôi. Họ là những kẻ câm nặng nhất, điếc nặng nhất, vì họ là những người có nhiều hiểu biết nhất.
Họ đã bỏ lỡ cơ hội đầu tiên. Và giờ với cơ hội thứ hai, tất cả những nhà liệu pháp đang cư xử như những anh hề này sẽ được triệu tập và phân công làm công việc khác - không phải là công việc trị liệu nữa. Họ phải được tách hoàn toàn khỏi kiến thức của họ; nếu không họ sẽ rất dễ quay lại với những suy nghĩ như bây giờ.
Họ sợ không dám nhắc đến tên tôi vì việc đó có thể tạo cho người ta cảm giác rằng họ vẫn chưa được tự do khỏi tôi. Nỗi sợ của họ cho thấy họ chưa tự do khỏi tôi. Nếu họ thực sự tự do khỏi tôi thì hẳn họ phải có lòng biết ơn vì điều đó. Họ hẳn phải đưa tên tôi đi đến mọi nơi trên thế giới với lòng yêu kính nếu họ tưhcj sự tự do.
Tuy nhiên, họ hiểu rằng họ không tự do; thế là họ sợ. nếu ai đó phát hiện ra rằng họ từng là sannyasin của tôi, rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra cho quyền làm chủ mà họ vừa mới giành được? Một vài người trong số họ đã đạt 'giác ngộ' một số đã 'tự do' - và đơn giản là họ đang chứng tỏ một điều, rằng họ là những thằng ngốc. Và càng sớm nhận ra điều này, càng tốt cho họ!
Osho yêu quý,
Dường như đối với tôi, tất cả những gì một vị thầy cần làm là đưa cho mỗi môn đồ của mình một đoạn dây thừng. Sau một thời gian, hoặc là chúng tôi sẽ dùng đoạn dây ấy để chơi nhảy dây, hoặc là chúng tôi sẽ dùng nó để thắt cổ tự tử. Xin ông bàn về điều này.
Đúng là như vậy - không cần bàn thêm nữa!
Nhận xét
Đăng nhận xét