Chương 5. Ba vào buổi sáng
Chương 5. Ba vào buổi sáng
Ba vào buổi sáng thì sao?
Đây là chuyện về người dạy khỉ,
người đó tới lũ khỉ và bảo chúng:
“Chúng mày sẽ ăn ba gói vào buổi sáng,
và bốn gói vào buổi tối.”
Nghe thấy điều này cả lũ khỉ bực tức.
Thế là người dạy khỉ lại nói:
“Thôi được thế thì ta sẽ đổi lại,
Ăn bốn vào buổi sáng và ba vào buổi chiều.”
Lũ khỉ hoan hỉ với cách sắp xếp này.
Hai cách sắp xếp là như nhau -
Số lượng gói không thay đổi,
nhưng một đằng lũ khỉ không hài lòng,
và đằng kia lũ khỉ lại thoả mãn.
Người dạy khỉ sẵn lòng
thay đổi cách thu xếp cá nhân
để đáp ứng điều kiện khách quan,
Ông ta chẳng mất gì bởi việc đó
Người trí huệ thực sự,
xem xét cả hai vế vấn đề
không thiên vị,
xét cả hai dưới ánh sáng của Đạo
Điều này được gọi là theo hai quá trình một lúc
Luật là ba vào buổi sáng. Trang Tử thích câu chuyện này lắm. Ông ấy thường kể lại nó. Nó thật hay, với nhiều tầng ý nghĩa. Hiển nhiên nó rất đơn giản nhưng vẫn là chỉ dẫn rất sâu sắc về tâm trí con người.
Điều đầu tiên cần phải hiểu là ở chỗ tâm trí con người mang tính khỉ gió. Không phải Darwin là người đã phát hiện ra rằng con người bắt nguồn từ khỉ. Việc quan sát lâu dài đã cho thấy rằng tâm trí con người hành xử theo cùng hình mẫu như tâm trí của khỉ. Chỉ hiếm khi mới xảy ra việc bạn siêu việt lên trên tính khỉ gió này. Khi tâm trí trở nên tĩnh lặng, khi tâm trí trở nên im lặng, khi thực sự không có tâm trí chút nào, bạn siêu việt lên trên hình mẫu khỉ.
Hình mẫu khỉ là gì? Một điều, tâm trí không bao giờ tĩnh lặng. Và chừng nào bạn còn chưa tĩnh lặng, bạn không thể thấy được chân lí. Bạn dậy sóng, run rẩy nhiều đến mức chẳng thể thấy được cái gì. Cản nhận rõ ràng là không thể có được. Khi thiền bạn làm gì? Bạn đang đặt con khỉ này vào vị trí tĩnh lặng, do đó mới có tất cả những khó khăn của việc thiền. Bạn càng cố gắng làm cho tâm trí tĩnh lặng, nó càng nổi loạn, nó càng bắt đầu đi vào rối loạn, nó càng trở nên bất ổn.
Bạn đã bao giờ thấy một con khỉ ngồi im lặng và tĩnh lặng chưa? Không thể được! Khỉ bao giờ cũng ăn cái gì đó, làm cái gì đó, đung đưa, huyên thuyên. Đây là điều bạn đang làm. Con người đã phát minh ra nhiều điều. Nếu không có gì để làm, anh ta sẽ nhai kẹo cao su; nếu không có gì để làm, anh ta sẽ hút thuốc! Đây chỉ là những bận bịu ngu xuẩn, bận bịu kiểu khỉ. Cái gì đó cần phải được làm liên tục để cho bạn vẫn còn bận bịu.
Bạn cũng bất ổn đến mức cái bất ổn của bạn cần phải là bận rộn bằng cách này hay cách khác. Đó là lí do tại sao mọi điều đã được nói ra để chống lại việc hút thuốc, việc hút thuốc vẫn không thể chấm dứt được. Chỉ trong thế giới thiền việc hút thuốc mới có thể chấm dứt - ngoài ra thì không. Thậm chí nếu có nguy hiểm về cái chết, về ung thư, về lao, nó vẫn không thể dừng lại được, bởi vì vấn đề không phải chỉ là hút thuốc, đấy là vấn đề về cách tháo bỏ cái bất ổn.
Những người tụng mật chú có thể chấm dứt việc hút thuốc bởi vì họ đã tìm ra cái thay thế. Bạn có thể cứ tụng Ram, Ram, Ram, và điều này trở thành một loại hút thuốc. Môi bạn đang làm việc, mồm bạn đang chuyển động, cái bất ổn của bạn được thoát ra. Cho nên japa có thể trở thành một loại hút thuốc, một loại tốt hơn, ít hại hơn cho sức khoẻ.
Nhưng về cơ bản nó vẫn là cùng một thứ - tâm trí bạn không thể bị bỏ lại yên nghỉ. Tâm trí bạn phải làm điều gì đó, không chỉ trong khi bạn đang thức tỉnh mà thậm chí cả khi bạn đang ngủ. Để một ngày quan sát vợ mình hay chồng mình đang ngủ mà xem, chỉ ngồi trong hai hay ba tiếng im lặng và quan sát khuôn mặt. Bạn sẽ thấy con khỉ chứ không phải con người. Thậm chí trong giấc ngủ nhiều điều vẫn tiếp diễn. Người đó vẫn bận bịu. Giấc ngủ này không thể sâu được, nó không thể thực sự thảnh thơi, bởi vì làm việc vẫn tiếp diễn. Ngày vẫn tiếp tục, không có gián đoạn; tâm trí vẫn làm việc theo cùng cách. Thường xuyên có huyên thuyên bên trong, độc thoại bên trong, và cũng chẳng có gì ngạc nhiên là bạn phát chán. Bạn chán với bản thân mình. Mọi người đều có vẻ chán.
Mulla Nassruddin đang kể lại một câu chuyện cho các đệ tử của mình, và bỗng nhiên trời bắt đầu mưa - hôm đó chắc phải cũng là một ngày như thế này. Thế rồi một người qua đường tới, cũng chỉ để trú chân tránh mưa, vào đúng chỗ Nasruddin đang kể chuyện cho đệ tử của mình. Anh ta cũng chỉ đợi cho mưa tạnh nhưng không thể nào đừng được việc nghe.
Nasruddin đang kể một câu chuyện phóng đại. Nhiều lần người này thấy gần như không thể nào cưỡng lại được việc ngắt lời, bởi vì anh ta đang nói những điều ngớ ngẩn thế. Nhưng người đó cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi và tự nói với mình, “Đấy chẳng phải là việc của mình. Mình chỉ ở đây bởi cơn mưa, ngay khi nó tạnh thì mình sẽ đi. Mình không cần can thiệp vào.” Nhưng đến một điểm thì người này không thể đừng được nữa, người đó không thể dằn mình được thêm nữa. Người đó ngắt lời bằng việc nói, “Thôi đủ rồi. Tôi xin lỗi, điều này không phải là việc của tôi, nhưng bây giờ thì ông đã làm quá mức về nó!”
Trước hết tôi phải kể cho bạn câu chuyện rồi chỉ ra chỗ người này không thể dằn mình thêm nữa…
Nasruddin đang nói, “Có lần trong thời trẻ tôi đã du hành tới khu rừng châu Phi, lục địa đen. Bỗng nhiên một hôm một con sư tử nhảy xổ ra chỉ ngay quãng năm mét trước tôi. Tôi thì chẳng có vũ khí gì hay cái gì bảo vệ cả, mỗi một mình trong rừng. Con sư tử nhìn vào tôi và bắt đầu bước về phía tôi.”
Các đệ tử trở nên rất háo hức. Nasruddin dừng lại một chốc và nhìn vào mặt họ. Một đệ tử nói, “Xin thầy đừng bắt chúng tôi phải chờ đợi, điều gì đã xảy ra?”
Nasruddin nói, “Con sư tử lại gần hơn, gần hơn nữa cho tới khi nó chỉ còn cách một mét rưỡi.”
Một đệ tử khác nói, “Không thể đợi thêm được nữa. Xin thầy nói ngay cái gì xảy ra.”
Nasruddin nói, “Sự việc đơn giản thế, logic thế, tự mình nghĩ xem sao. Con sử tử nhảy lên, giết chết ta và ăn thịt ta!”
Đến lúc này thế thì quá lắm đối với người lạ! Anh ta nói, “Ông nói rằng con hổ đã giết chết ông và ăn thịt ông, và ông lại vẫn sống sờ sờ ngồi đây sao?”
Nasruddin nhìn thẳng vào người này và nói, “Ha ha, ông gọi người này là sống sao?”
Nhìn vào khuôn mặt mọi người và bạn sẽ hiểu điều người đó ngụ ý. Bạn có gọi người này là sống không? Chán đến chết thế, kéo lê thế sao?
Một lần một người nói với Nasruddin, “Tôi rất nghèo. Việc sống còn bây giờ không thể được, chúng tôi phải tự tử chăng? Tôi có sáu đứa con và vợ, bà chị gái goá và bố mẹ già. Và cuộc sống thì ngày càng khó khăn hơn. Liệu anh có thể gợi ý điều gì được chăng?”
Nasruddin nói, “Anh có thể làm hai việc và cả hai sẽ có ích. Một, bắt đầu làm bánh mì, bởi vì mọi người đều phải sống và họ phải ăn, anh bao giờ cũng có việc kinh doanh.”
Người này hỏi, “Thế còn việc kia?”
Nasruddin nói, “Bắt đầu làm khăn liệm cho người chết, bởi vì khi người ta sống, họ sẽ chết. Và điều này cũng là một việc kinh doanh tốt. Hai việc kinh doanh này đều tốt - bánh mì và khăn liệm cho người khác.”
Sau một tháng người này quay lại. Anh ta trông thậm chí còn thất vọng hơn, rất buồn khổ, và anh ta nói, “Chẳng cái gì có vẻ có tác dụng cả. Tôi đã đầu tư mọi thứ tôi có vào việc kinh doanh, như anh đã gợi ý, nhưng mọi sự dường như chống lại tôi.”
Nasruddin nói, “Làm sao điều ấy có thể xảy ra được? Mọi người đều phải ăn bánh mì trong khi họ còn sống, và khi họ chết thì người thân của họ phải mua khăn liệm chứ.”
Người này nói, “Nhưng ông không hiểu. Trong làng này có ai sống đâu và có ai chết đâu. Họ đơn giản kéo lê mãi ra.”
Mọi người chỉ sống kéo lê. Bạn không cần nhìn vào khuôn mặt người khác, chỉ nhìn vào trong gương thôi và bạn sẽ thấy việc kéo lê nghĩa là gì - không sống cũng chẳng chết. Cuộc sống đẹp thế, cái chết cũng đẹp - việc kéo lê là xấu.
Nhưng tại sao bạn trông nặng gánh thế? Việc huyên thuyên thường xuyên của tâm trí làm tiêu tán năng lượng. Việc huyên thuyên thường xuyên của tâm trí là sự dò rỉ thường xuyên trong con người bạn. Năng lượng bị tiêu tán. Bạn chưa bao giờ có đủ năng lượng để làm cho bạn cảm thấy sống động, trẻ trung, tươi tắn, và nếu bạn không trẻ trung và tươi tắn và sống động, cái chết của bạn cũng sẽ là việc rất mờ xỉn.
Người sống một cách mãnh liệt, chết cũng mãnh liệt, và khi cái chết là mãnh liệt, nó có cái đẹp của riêng nó. Người sống một cách toàn bộ, chết cũng toàn bộ, và bất kì khi nào tính toàn bộ có đó, đều là cái đẹp. Cái chết là xấu, không phải bởi vì cái chết mà bởi vì bạn chưa bao giờ sống cho phải. Nếu bạn chưa bao giờ sống, bạn không giành được cái chết đẹp. Nó phải được giành lấy. Người ta phải sống theo cách toàn bộ và toàn thể đến mức người đó có thể chết một cách toàn bộ, không trong phân mảnh. Bạn sống trong phân mảnh, cho nên bạn chết trong phân mảnh. Phần này chết, thế rồi đến phần khác, phần khác nữa, và bạn mất nhiều năm để chết. Thế thì toàn bộ sự việc trở thành xấu. Cái chết sẽ là đẹp nếu người ta đã sống động. Con khỉ bên trong này không cho phép bạn sống động, và con khỉ bên trong này cũng sẽ không cho phép bạn chết đẹp. Việc huyên thuyên thường xuyên bên trong này phải bị chấm dứt.
Và huyên thuyên là gì, chủ đề là gì? Chủ đề là ba vào buổi sáng cứ diễn ra trong tâm trí. Bạn làm gì bên trong tâm trí? Liên tục thực hiện thu xếp: làm cái này, không làm cái kia, xây ngôi nhà này, phá ngôi nhà kia; chuyển từ kinh doanh này sang kinh doanh khác bởi vì sẽ có nhiều lợi nhuận hơn; đổi vợ này, chồng này. Bạn đang làm gì vậy? Chỉ sắp xếp sự thay đổi.
Trang Tử nói rằng cuối cùng, chung cuộc, nếu bạn có thể nhìn vào tổng số, tổng số bao giờ cũng là như nhau. Nó là bẩy. Dù bạn có được trao cho ba gói hạt dẻ vào buổi sáng và bốn gói vào buổi tối, hay theo cách khác - bốn gói vào buổi sáng và ba gói vào buổi tối - thì tổng số vẫn là bẩy. Đây là một trong những luật bí mật nhất - tổng số bao giờ cũng như nhau.
Bạn có thể không hiểu thấu điều đó, nhưng khi một người ăn xin hay một ông vua chết đi, tổng số của họ là như nhau. Người ăn xin sống trên phố, nhà vua sống trong cung điện, nhưng tổng số là như nhau. Người giầu, người nghèo, người thành công và người thất bại, tổng số là như nhau. Nếu bạn có thể nhìn vào tổng số của cuộc đời, thế thì bạn sẽ đi tới biết điều Trang Tử ngụ ý qua ba vào buổi sáng.
Điều gì xảy ra? Cuộc sống vô tư, cuộc sống không thiên vị. Cuộc sống hoàn toàn dửng dưng với cách sắp xếp của bạn - nó không bận tâm về cách sắp xếp bạn tạo ra. Cuộc sống là món quà. Nếu bạn thay đổi sắp xếp, tổng số không thay đổi.
Người giầu đã tìm được thức ăn ngon hơn, nhưng đói bị mất; người đó không thể thực sự cảm thấy sự mãnh liệt của việc đói. Tỉ lệ này bao giờ cũng như nhau. Người đó đã tìm được cái giường đẹp, nhưng với chiếc giường đó thì mất ngủ lại tới. Người đó đã sắp xếp tốt hơn cho việc ngủ. Người đó đáng phải rơi vào giấc ngủ trong sushupti - điều người Hindu gọi là samadhi vô ý thức - nhưng điều đó không xảy ra. Người đó không thể rơi vào giấc ngủ được. Người đó chỉ thay đổi cách sắp xếp.
Người ăn xin ngủ ngay bên ngoài kia trên phố. Giao thông diễn ra bên cạnh mà người ăn xin vẫn ngủ. Người đó không có giường. Chỗ người đó ngủ gồ ghề, thô cứng và không thoải mái, nhưng người đó vẫn ngủ. Người ăn xin không thể kiếm được thức ăn ngon, điều ấy là không thể, bởi vì người đó phải đi ăn xin. Nhưng người đó lại ăn ngon. Kết quả tổng số vẫn là như nhau. Kết quả tổng số vẫn là bẩy.
Người thành công không chỉ thành công, vì với thành công, mọi loại tai hoạ cũng kéo tới. Người thất bại không chỉ thất bại, vì với thất bại, nhiều loại ân huệ tới. Tổng số bao giờ cũng như nhau, nhưng tổng số này phải được thấu hiểu và được nhìn vào, cần phải có cảnh quan rõ ràng. Mắt là cần để nhìn vào tổng số bởi vì tâm trí chỉ có thể nhìn vào phân mảnh. Nếu tâm trí nhìn vào buổi sáng, nó không thể nhìn vào buổi tối; nếu nó nhìn vào buổi tối, buổi sáng bị quên lãng. Tâm trí không thể nhìn vào cả ngày, tâm trí là phân mảnh.
Chỉ tâm thức thiền mới có thể nhìn vào cái toàn thể, từ sinh tới tử - và thế thì tổng số bao giờ cũng là bẩy. Đó là lí do tại sao những người trí huệ không bao giờ cố gắng thay đổi sắp xếp. Đó là lí do tại sao ở phương Đông không cuộc cách mạng nào đã từng xảy ra - bởi vì cách mạng có nghĩa là thay đổi cách sắp xếp.
Nhìn vào điều đã xảy ra ở nước Nga Xô viết. Năm 1917 cuộc cách mạng vĩ đại đã xảy ra trên trái đất. Sắp xếp đã thay đổi. Tôi cho rằng Lenin, Stalin hay Trotsky đã không bao giờ biết tới câu chuyện về ba vào buổi sáng này. Họ chắc có thể học được nhiều từ Trang Tử. Nhưng thế thì sẽ không có cách mạng. Điều gì đã xảy ra? Chủ nghĩa tư bản biến mất, bây giờ không ai là kẻ giầu, không ai là người nghèo. Các giai cấp cũ không còn nữa. Nhưng chỉ cái tên là thay đổi thôi. Các giai cấp mới đi vào hiện hữu. Trước đó, đấy là người giầu và người nghèo, tư bản và vô sản - bây giờ đấy là người quản lí và người bị quản lí. Nhưng sự phân biệt, lỗ hổng, vẫn còn lại như nhau. Chẳng cái gì thay đổi cả. Chỉ có bây giờ bạn gọi tư bản là người quản lí thôi!
Những người đã nghiên cứu về cuộc cách mạng Nga nói rằng đây không phải là cuộc cách mạng xã hội, nó là cuộc cách mạng quản lí. Cùng lỗ hổng đó, cùng khoảng cách đó, vẫn còn giữa hai giai cấp, và xã hội phi giai cấp vẫn còn chưa đi vào hiện hữu.
Trang Tử chắc phải cười to. Ông ấy chắc phải kể lại câu chuyện này. Bạn đã làm gì? Người quản lí đã trở nên quyền thế, người bị quản lí vẫn còn không có quyền hành.
Người Hindu nói rằng người nào đó bao giờ cũng sẽ là người quản lí và người nào đó bao giờ cũng sẽ là người bị quản lí. Có sudra và kshatriya; và những điều này không phải chỉ là cái nhãn, đấy là kiểu người. Người Hindu đã phân chia xã hội thành bốn giai cấp và họ nói rằng xã hội không bao giờ có thể là phi giai cấp được. Đấy không phải là vấn đề về sắp xếp xã hội - bốn kiểu người tồn tại. Trừ phi bạn thay đổi kiểu này, còn không chẳng cuộc cách mạng nào có ích mấy cả.
Họ nói có một kiểu là người lao động, sudra, người bao giờ cũng bị quản lí. Nếu không ai quản lí anh ta, anh ta sẽ lúng túng, anh ta sẽ không hạnh phúc. Anh ta cần ai đó ra lệnh cho mình, anh ta cần ai đó để anh ta vâng lời, anh ta cần ai đó người có thể nhận mọi trách nhiệm. Anh ta không sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về phần mình. Đó là một kiểu. Nếu người quản lí ở quanh đó chỉ thế thì kiểu người đó mới làm việc. Nếu người quản lí không có đó, anh ta sẽ đơn giản ngồi không.
Người quản lí có thể là hiện tượng tinh vi, thậm chí vô hình. Chẳng hạn, trong xã hội tư bản, động cơ lợi nhuận điều khiển. Người lao động làm việc không phải bởi vì anh ta yêu thích làm việc, không phải bởi vì công việc là thú vui của anh ta, không phải bởi vì anh ta sáng tạo, mà bởi vì anh ta phải nuôi bản thân mình và gia đình mình. Nếu anh ta không làm việc, ai sẽ nuôi anh ta? Đấy chính là động cơ lợi nhuận, cái đói, thân thể, dạ dầy, cái quản lí.
Trong một nước cộng sản, động cơ này không phải là người quản lí. Tại đó họ phải đặt ra người quản lí hữu hình. Người ta nói rằng ở nước Nga của Stalin có một cảnh sát cho mỗi người dân; nếu không thì khó quản lí được bởi vì động cơ lợi nhuận không còn có nữa. Người ta phải bị bắt buộc, người ta phải bị ra lệnh, người ta phải cãi cọ thường xuyên, chỉ thế người lao động mới làm việc.
Bao giờ cũng có kiểu người là doanh nhân, người thích thú tiền bạc, của cải, tích trữ. Người đó sẽ làm điều ấy - cũng chẳng có gì khác biệt về cách thức người đó làm việc ấy. Nếu tiền có sẵn, người đó sẽ thu thập tiền; nếu tiền không có sẵn, thế thì người đó sẽ thu thập tem chơi. Nhưng người đó sẽ làm điều ấy, người đó sẽ thu thập. Nếu tem chơi không có sẵn, người đó thu thập tín đồ - nhưng anh ta sẽ thu thập. Anh ta phải làm điều gì đó với các con số. Anh ta sẽ có mười nghìn, hai mươi nghìn tín đồ, một triệu tín đồ. Điều đó cũng hệt như việc nói rằng anh ta đã có một triệu ru pi!
Đến với các thánh nhân mà xem - số tín đồ càng lớn, họ càng vĩ đại. Cho nên tín đồ không là gì ngoài số dư ngân hàng. Nếu không ai theo bạn, bạn không là ai cả - thế thì bạn là guru nghèo. Nếu nhiều người theo bạn thế thì bạn là guru giầu. Dù bất kì điều gì xảy ra, doanh nhân cũng vẫn sẽ thu thập. Người đó sẽ đếm. Vật chất là không quan trọng.
Có loại chiến binh luôn đánh nhau - bất kì cớ gì cũng được. Người đó sẽ đánh nhau, đánh nhau có trong máu người đó, trong xương tuỷ người đó. Bởi vì kiểu người này thế giới không thể nào sống trong hoà bình được. Điều đó là không thể được. Cứ mười năm là nhất định có một cuộc chiến tranh lớn. Và nếu bạn muốn tránh các cuộc chiến tranh lớn, thế thì có nhiều cuộc chiến tranh nhỏ đi, nhưng tổng số sẽ vẫn là như nhau. Bởi vì bom nguyên tử và khinh khí nên bây giờ chiến tranh lớn đã trở thành gần như không thể được. Đó là lí do tại sao có nhiều cuộc chiến tranh nhỏ đến thế trên khắp thế giới: ở Việt Nam, ở Kashmir, ở Bangladesh, ở Israel, nhiều cuộc chiến tranh nhỏ, nhưng tổng số sẽ là như nhau. Trong năm nghìn năm con người đã đánh nhau mười lăm nghìn cuộc chiến tranh, cứ ba cuộc chiến tranh trong một năm.
Một kiểu người tồn tại, người phải đánh nhau. Bạn có thể thay đổi kiểu này, nhưng việc thay đổi sẽ chỉ là bề mặt. Nếu chiến binh này không được phép đánh nhau trong chiến tranh, người đó sẽ đánh nhau theo cách khác. Người đó sẽ tranh đấu trong bầu cử, hay người đó có thể trở thành nhà thể thao - người đó có thể tranh đấu trong môn cricket hay bóng đá. Nhưng người đó sẽ tranh đấu, người đó sẽ đua tranh, người đó cần ai đó để thách thức. Đâu đó chỗ này chỗ khác việc tranh đấu phải được thực hiện để thoả mãn người đó. Đó là lí do tại sao, khi nền văn minh phát triển, mọi người phải được cung cấp với ngày càng nhiều trò chơi hơn. Nếu trò chơi không được trao cho kiểu chiến binh, người đó sẽ làm gì?
Đi và theo dõi khi trận đấu cricket, bóng đá hay khúc côn cầu đang diễn ra - mọi người phát điên, dường như cái gì đó rất nghiêm chỉnh đang diễn ra, dường như một cuộc chiến thực đang xảy ra! Người chơi nghiêm chỉnh, người cổ động quanh họ phát điên. Đánh nhau bùng ra, bạo loạn xảy ra. Trường chơi bao giờ cũng nguy hiểm, bởi vì kiểu người tụ tập ở đó là kiểu chiến binh. Bất kì lúc nào mọi thứ cũng đều có thể đi sai.
Có kiểu người là học giả brahmin, người bao giờ cũng sống trong lời nói, trong kinh sách. Tại phương Tây không có kiểu người như brahmin; cái tên không quan trọng, nhưng người brahmin tồn tại ở mọi nơi. Các khoa học gia của bạn, các giáo sư của bạn, các đại học chật cứng họ. Họ liên tục làm việc với lời, kí hiệu, tạo ra các lí thuyết, bảo vệ, biện luận. Họ thường làm điều đó đôi khi nhân danh khoa học, đôi khi nhân danh tôn giáo, đôi khi nhân danh văn học. Cái tên thay đổi, nhưng người brahmin cứ tiếp diễn.
Có bốn kiểu người này. Bạn không thể tạo ra xã hội phi giai cấp được. Bốn kiểu người này sẽ còn mãi và việc sắp xếp toàn bộ sẽ là như nhau. Các phân mảnh có thể thay đổi. Vào buổi sáng bạn có thể làm việc này, vào buổi tối cái gì đó khác, nhưng cả ngày sẽ vẫn còn như nhau.
Tôi đã nghe về một nhà khoa học trẻ có người bố chống đối lại việc nghiên cứu khoa học của anh ta. Người bố bao giờ cũng nghĩ điều đó là vô dụng. Ông ấy bảo với con mình, “Đừng phí thời gian của mình. Tốt hơn cả là con trở thành bác sĩ, điều đó sẽ thực tế hơn và có ích cho mọi người. Chỉ lí thuyết, lí thuyết trừu tượng về vật lí chẳng ích gì cả.” Cuối cùng ông ấy cũng thuyết phục được con mình và anh ta trở thành bác sĩ.
Người đầu tiên tới anh ta là người đã phải chịu đựng chứng mất ngủ trầm trọng. Bác sĩ tra sách - bởi vì anh ta là nhà tư tưởng trừu tượng, một brahmin. Anh ta cố gắng và cố gắng mãi. Người bệnh trở nên mất kiên nhẫn, ông ta nói, “Tôi còn phải đợi bao lâu đây?”
Nhà khoa học bây giờ là bác sĩ nói, “Tôi nghĩ rằng chẳng còn hi vọng gì. Ông sẽ chết thôi. Không có cách trị liệu cho chứng bệnh này, nó đã vượt ra ngoài việc chữa chạy.” Bệnh nhân là thợ may, ông ta đi về nhà.
Hai tuần sau vị bác sĩ đi qua và anh ta thấy ông thợ may vẫn đang làm việc, mạnh khoẻ và tràn đầy năng lượng. Thế là anh ta nói, “Sao vậy, ông vẫn còn sống à? Ông đáng phải chết đã lâu rồi. Tôi đã tra cứu sách vở và điều này không thể được. Ông xoay xở thế nào sống được?”
Ông thợ may nói, “Anh bảo tôi rằng trong vòng hai tuần tôi sẽ phải chết, cho nên tôi nghĩ: Thế thì sao lại không sống? Chỉ còn mỗi hai tuần… Và bánh kếp khoai tây là món tôi ưa chuộng, cho nên tôi vứt béng việc khám bệnh của anh, đi thẳng tới hiệu cà phê, ăn một lúc ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây và lập tức tôi cảm thấy năng lượng dâng lên. Và bây giờ tôi hoàn toàn mạnh khoẻ!”
Ngay lúc đó bác sĩ ghi vào sổ tay rằng ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây là cách chữa chắc chắn cho những trường hợp mất ngủ trầm trọng.
Bệnh nhân tiếp sau ngẫu nhiên cũng bị mất ngủ. Ông ta là thợ làm giầy. Bác sĩ nói, “Đừng lo. Bây giờ cách chữa đã được phát hiện ra. Lập tức đi ra và ăn ba mươi hai bánh kếp khoai tây, không ít hơn ba mươi hai chiếc, và ông sẽ khoẻ mạnh; bằng không thì ông sẽ chết trong một tuần.”
Sau hai tuần, vị bác sĩ gõ cửa nhà người thợ giầy. Nó khoá kín. Hàng xóm nói, “Ông ấy chết rồi. Bánh kếp khoai tây của ông đã giết chết ông ấy.” Lập tức anh ta lại ghi vào sổ tay: Ba mươi hai cái bánh kếp khoai tây có ích cho thợ may, giết chết thợ giầy.”
Đây là tâm trí trừu tượng. Anh ta không thể thực tế được, người brahmin.
Bạn có thể thay đổi bề mặt, bạn có thể tô vẽ khuôn mặt, nhưng kiểu người bên trong vẫn còn như cũ. Do đó phương Đông đã không làm rắc rối mình bằng cách mạng. Phương Đông chờ đợi; và những người ở phương Đông mà trí huệ, họ nhìn vào phương Tây, và họ biết rằng bạn đang chơi với đồ chơi. Tất cả các cuộc cách mạng của bạn đều là đồ chơi. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ đi tới hiểu ra cái luật ba vào buổi sáng này.
Ba vào buổi sáng này là gì? Một đệ tử phải đã hỏi Trang Tử, bởi vì bất kì khi nào ai đó muốn đề cập tới cách mạng hay thay đổi, Trang Tử sẽ cười to và nói, “Luật ba vào buổi sáng.” Cho nên một đệ tử phải đã hỏi, “Ba vào buổi sáng này thầy hay nói tới là gì vậy?”
Trang Tử nói:
Đây là chuyện về người dạy khỉ,
người đó tới lũ khỉ và bảo chúng:
“Chúng mày sẽ ăn ba gói vào buổi sáng,
và bốn gói vào buổi tối.”
Nghe thấy điều này cả lũ khỉ bực tức…”
Bởi vì trong quá khứ chúng vẫn được bốn gói vào buổi sáng và ba gói vào buổi tối. Hiển nhiên chúng giận dữ! “Ông ngụ ý gì? Chúng tôi bao giờ cũng quen được bốn gói hạt dẻ vào buổi sáng, thế mà bây giờ ông nói có ba thôi. Chúng tôi không thể dung thứ điều này.”
Thế là người dạy khỉ lại nói:
“Thôi được thế thì ta sẽ đổi lại,
Ăn bốn vào buổi sáng và ba vào buổi chiều.”
Lũ khỉ hoan hỉ với cách sắp xếp này.
Tổng số vẫn như nhau… nhưng lũ khỉ không thể nhìn vào tổng số. Đấy là buổi sáng, cho nên chúng chỉ có thể thấy buổi sáng. Mọi sáng đã thành thường lệ là được ăn bốn và chúng trông đợi bốn gói, bây giờ người này lại nói, “Ba gói vào buổi sáng.” Ông ta cắt bớt đi một gói. Điều đó không thể dung thứ được. Chúng trở nên giận dữ, chúng nổi loạn.
Nhưng người dạy khỉ này phải là người trí huệ. Nếu bạn không trí huệ, khó trở thành người dạy khỉ được. Tôi biết điều đó từ kinh nghiệm riêng của mình. Tôi là người dạy khỉ.
Người dạy khỉ nói, “Thôi dược, thế thì đừng có bị kích động. Ta sẽ theo mẫu hình cũ. Chúng mày sẽ được bốn gói vào buổi sáng và ba gói vào buổi tối.” Lũ khỉ rất hoan hỉ. Lũ khỉ đáng thương! - chúng có thể hạnh phúc hay bất hạnh chẳng có lí do gì hết cả. Nhưng con người này có tầm nhìn viễn cảnh lớn hơn. Người đó có thể thấy, người đó có thể cộng bốn với ba. Kết quả vẫn thế - bẩy gói được dự định cho chúng nó. Cách chúng ăn nó và theo cách sắp xếp nào thì không thành vấn đề. Hai cách sắp xếp là như nhau, số lượng hạt dẻ không đổi, nhưng trong một trường hợp lũ khỉ phật ý còn trong trường hợp kia thì chúng lại thoả mãn.
Đây là cách tâm trí bạn làm việc: bạn chỉ thay đổi cách sắp xếp. Với cách sắp xếp này bạn cảm thấy thoả mãn, với cách sắp xếp kia bạn cảm thấy không thoả mãn - và tổng số vẫn còn như nhau. Nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào tổng số cả. Tâm trí không thể thấy tổng số được. Chỉ thiền mới có thể thấy tổng số. Tâm trí nhìn vào phân mảnh, nó bị cận thị, rất cận thị. Đó là lí do tại sao bất kì khi nào bạn cảm thấy hoan lạc, bạn lập tức nhảy vào trong nó, bạn chưa bao giờ nhìn vào buổi tối. Bất kì khi nào có hoan lạc, đều có đau ẩn trong nó. Điều này đã từng là kinh nghiệm của bạn nhưng bạn vẫn không trở nên nhận biết về nó. Nỗi đau sẽ tới vào buổi tối nhưng hoan lạc thì ở đây vào buổi sáng.
Bạn chưa bao giờ nhìn vào trong cái đang ẩn kín, vào trong cái vô hình, vào trong cái đang ngấm ngầm. Bạn chỉ nhìn vào bề mặt và bạn phát điên. Bạn làm điều này cả đời mình. Một phân mảnh bắt giữ bạn. Nhiều người tới tôi và nói, “Ban đầu khi tôi mới cưới người đàn bà này, mọi sự đều rất đẹp. Nhưng trong vài ngày mọi thứ đều mất cả. Bây giờ sự việc tất cả đã thành xấu, bây giờ là khổ.”
Một lần có một tai nạn ô tô. Chiếc xe lật nhào xuống mương bên cạnh đường. Người nằm dưới đất hoàn toàn bị què, gần như bất tỉnh. Một cảnh sát tới và bắt đầu ghi vào sổ tay của mình. Anh ta hỏi người này, “Anh có gia đình chưa?”
Người này nói, “Tôi chưa có gia đình. Đây là cái mớ lộn xộn nhất tôi đã từng lâm vào.”
Người ta nói rằng những người đã hiểu ra thì sẽ chẳng bao giờ xây dựng gia đình. Nhưng làm sao bạn có thể biết điều gì xảy ra trong hôn nhân nếu không xây dựng gia đình? Bạn nhìn vào một người, vào sự phân mảnh, và đôi khi cái phân mảnh đó sẽ có vẻ rất ngu xuẩn khi bạn nghĩ về nó đến tận cùng.
Mầu của mắt - điều ngu xuẩn làm sao! Làm sao cuộc đời bạn lại có thể phụ thuộc vào mầu mắt của bạn hay của ai đó khác? Làm sao cuộc đời bạn lại có thể đẹp chỉ bởi vì mầu mắt? - một sắc tố nhỏ, chỉ đáng giá ba hay bốn xu. Nhưng bạn làm lãng mạn lên: Ôi, đôi mắt ấy, mầu mắt ấy. Thế rồi bạn phát điên và bạn nghĩ, “Nếu mình không lấy được người đàn bà này, cuộc sống mất ý nghĩa, mình phải tự tử.”
Nhưng bạn không thấy điều bạn đang làm. Người ta không thể sống chỉ bởi mầu mắt mãi mãi được. Trong hai ngày bạn sẽ trở nên quen với đôi mắt ấy và bạn sẽ quên chúng. Thế rồi còn có toàn bộ cuộc đời phía trước bạn, cái toàn bộ của nó. Thế rồi khổ bắt đầu. Trước khi tuần trăng mật kết thúc, khổ bắt đầu; con người toàn bộ chưa bao giờ được tính tới - tâm trí không thể nào thấy được cái toàn bộ. Nó chỉ nhìn vào bề mặt, vào hình dáng, khuôn mặt, tóc, mầu mắt, cách thức người đàn bà này bước đi, cách cô ấy nói, âm thanh của tiếng nói cô ấy. Đấy là những bộ phận, nhưng con người toàn bộ thì đâu?
Tâm trí không thể thấy được cái toàn bộ. Tâm trí nhìn vào các phân mảnh, và với phân mảnh, nó bị vướng vào. Một khi nó bị vướng vào, cái toàn bộ tới - cái toàn bộ không ở xa xôi. Mắt không tồn tại như một hiện tượng tách biệt, chúng là một phần của con người toàn thể. Nếu bạn bị vướng vào đôi mắt, bạn bị móc vào toàn bộ con người. Và khi cái toàn thể nổi lên, mọi thứ trở thành xấu.
Cho nên ai có trách nhiệm? Bạn phải tính tới cái toàn thể. Nhưng trong buổi sáng tâm trí nhìn vào buổi sáng và quên mất hoàn toàn buổi tối. Nhớ cho kĩ - vào mọi sáng thì buổi tối bị che khuất. Buổi sáng thường xuyên chuyển thành buổi tối và chẳng thể làm gì được về điều đó, bạn không thể dừng được nó.
Trang Tử nói:
Hai cách sắp xếp là như nhau -
Số lượng gói không thay đổi,
nhưng một đằng lũ khỉ không hài lòng,
và đằng kia lũ khỉ lại thoả mãn.
Khỉ là tâm trí bạn đấy; chúng không thể hiểu thấu cái toàn thể. Đây là khổ. Bạn bao giờ cũng bỏ lỡ, bạn bao giờ cũng bỏ lỡ bởi vì phân mảnh. Nếu bạn có thể thấy cái toàn thể và thế rồi hành động, cuộc đời bạn sẽ không bao giờ là địa ngục cả. Và thế thì bạn sẽ không bận tâm về cách sắp xếp hời hợt, về sáng và tối, bởi vì thế thì bạn có thể đếm - và điều đó bao giờ cũng là bẩy. Dù bạn có được được bốn hay ba vào buổi sáng thì cũng chẳng khác biệt gì - tổng số vẫn là bẩy.
Tôi đã nghe rằng một cậu nhỏ từ trường về nhà rất lấy làm phân vân. Mẹ nó hỏi, “Sao con trông phân vân thế?”
Đứa trẻ nói, “Con thấy rối tinh lên. Con nghĩ cô giáo con đã phát rồ. Hôn qua cô ấy nói rằng bốn cộng với một là năm còn hôm nay cô ấy bảo con ba cộng với hai là năm. Cô ấy phải phát điên rồi, bởi vì khi bốn cộng với một đã là năm làm sao ba cộng với hai lại là năm được?”
Đứa trẻ này không thể thấy được rằng năm có thể được tạo ra từ nhiều cách sắp xếp - không chỉ có một cách sắp xếp có tổng là năm. Có hàng triệu cách sắp xếp tổng sẽ là năm.
Dù bạn thu xếp cuộc sống mình như thế nào, người tôn giáo bao giờ cũng nhìn vào cái toàn bộ còn người phàm tục bao giờ cũng sẽ nhìn vào phân mảnh. Đó là khác biệt. Phàm nhân sẽ nhìn vào bất kì cái gì ở gần, và không thấy cái ở xa đang ẩn đằng kia. Khoảng cách không thực là rất xa xôi đâu, nó sẽ trở thành gần, nó sẽ sớm xảy ra. Buổi tối đang tới.
Bạn có thể có cảnh quan trong đó toàn bộ cuộc sống là thấy được không? Người ta tin, và tôi nghĩ điều đó cũng đúng, rằng nếu một người chết đuối, bỗng nhiên toàn bộ cuộc đời anh ta, toàn bộ, được nhớ lại. Bạn đang chết, chết đuối trên dòng sông, không còn lại thời gian nữa, và bỗng nhiên trong con mắt của tâm trí bạn toàn bộ cuộc đời bạn được lộ ra từ đầu tới cuối. Cứ dường như là toàn bộ cuốn phim diễn ra trên màn ảnh của tâm trí. Nhưng điều đó phỏng có ích gì khi bây giờ bạn đang chết?
Người tôn giáo nhìn vào cái toàn bộ trong mọi khoảnh khắc. Toàn thể cuộc sống có đó, và thế thì người đó hành động từ cảnh quan của cái toàn thể đó. Người đó sẽ không bao giờ ân hận như bạn bao giờ cũng ân hận. Điều không tránh khỏi là dù bất kì điều gì bạn làm, bạn cũng sẽ ân hận về nó.
Một hôm nhà vua tới thăm nhà thương điên. Viên giám thị nhà thương điên hộ tống nhà vua đi qua từng phòng giam. Nhà vua rất quan tâm tới hiện tượng điên khùng, ông ấy đã nghiên cứu về nó. Mọi người phải cũng quan tâm bởi vì đấy là vấn đề của mọi người. Và bạn không cần tới nhà thương điên: cứ đi bất kì đâu và nghiên cứu khuôn mặt mọi người mà xem. Bạn đang nghiên cứu trong nhà thương điên đấy!
Một người đang kêu khóc, đập đầu vào chấn song. Nỗi đau đớn của anh ta thật sâu sắc, đau khổ của anh ta mới thấm đẫm đến mức nhà vua đã yêu cầu kể lại toàn bộ câu chuyện làm sao người này lại phát điên. Viên giám thị nói, “Người này yêu một phụ nữ và không thể lấy được cô ta, cho nên anh ta phát điên.”
Thế rồi họ qua một phòng giam khác. Trong đó có một người đang khạc nhổ lên bức ảnh một phụ nữ. Nhà vua hỏi, “Còn câu chuyện về người này thế nào? Anh ta cũng dường như có dính líu tới phụ nữ.”
Viên giám thị nói, “Cũng cùng người phụ nữ đó đấy. Người này cũng yêu cô ấy, và anh ta đã lấy cô ấy. Đó là lí do tại sao anh ta phát điên.”
Nếu bạn có được điều bạn mong muốn, bạn phát điên; nếu bạn không có được điều bạn mong muốn, bạn phát điên. Tổng số vẫn còn như nhau. Dù bạn làm bất kì điều gì, bạn sẽ ân hận về nó. Một mảnh không bao giờ có thể được hoàn thành. Cái toàn thể lớn thế, cái phân mảnh thì nhỏ đến mức bạn không thể nào đưa cái phân mảnh về cái toàn thể được. Và nếu bạn phụ thuộc vào cái phân mảnh và quyết định cuộc đời mình tương ứng, bạn bao giờ cũng lỡ. Toàn bộ cuộc đời bạn sẽ bị phí hoài.
Cho nên chúng ta phải làm gì? Trang Tử muốn chúng ta làm gì? Ông ấy muốn chúng ta không phải là phân mảnh - ông ấy muốn chúng ta là toàn bộ. Nhưng nhớ lấy, bạn có thể nhìn vào cái toàn bộ chỉ khi bạn là toàn bộ, bởi vì chỉ điều tương tự mới có thể biết tới điều tương tự. Nếu bạn là phân mảnh, bạn không thể biết cái toàn bộ được. Làm sao bạn có thể biết được cái toàn bộ nếu bạn là phân mảnh? Nếu bạn bị chia rẽ thành các bộ phận, cái toàn bộ không thể được phản ánh nơi bạn. Khi tôi nói về thiền tôi ngụ ý một tâm trí không còn bị phân chia nữa, trong đó tất cả các phân mảnh đã biến mất. Tâm trí là không bị phân chia, là cái toàn thể, cái một.
Tâm trí cái một này nhìn sâu vào chính chỗ tận cùng. Nó nhìn từ tử đến sinh, nó nhìn từ sinh đến tử. Cả hai cực đều ở phía trước nó. Và từ cái nhìn này, từ tầm nhìn xuyên thấu này, hành động được sinh ra. Nếu bạn hỏi tôi tội lỗi là gì, tôi sẽ nói: Hành động từ tâm trí phân mảnh là tội lỗi. Nếu bạn hỏi tôi đức hạnh là gì, tôi sẽ bảo bạn: Hành động từ tâm trí toàn bộ là đức hạnh. Đó là lí do tại sao tội nhân bao giờ cũng hối hận.
Nhớ lại cuộc đời mình, quan sát nó đi. Bất kì điều gì bạn làm, bất kì cái gì bạn chọn, cái này hay cái nọ, mọi thứ đều đi sai. Dù bạn lấy được người phụ nữ này hay mất cô ấy, trong trường hợp nào bạn cũng phát điên. Bất kì cái gì bạn chọn, bạn đều chọn khổ. Do đó Krishnamurti thường xuyên nhấn mạnh vào vô chọn lựa.
Cố hiểu điều này. Bạn đang ở đây nghe tôi. Đây là một chọn lựa, bởi vì bạn phải bỏ lại việc nào đó còn chưa được làm, việc nào đó chưa hoàn chỉnh. Bạn phải đi tới văn phòng, tới cửa hàng, tới gia đình, tới chợ và bạn lại ở đây để nghe tôi. Sáng nay bạn phải quyết định làm gì. Liệu tới và nghe người này hay đi làm việc của bạn, tới văn phòng, tới chợ. Thế rồi bạn đã chọn tới đây.
Bạn đã chọn tới đây. Bạn sẽ tiếc về chọn lựa của mình… bởi vì thậm chí trong khi ở đây, bạn vẫn không thể ở đây toàn bộ được: một nửa tâm trí lại ở đó, và bạn đơn giản đợi cho tới khi tôi kết thúc để bạn có thể đi. Nhưng bạn có cho rằng nếu bạn chọn khác đi, đi tới cửa hàng hay văn phòng, bạn sẽ ở đó toàn bộ hay không? Không, bởi vì đó lại là chọn lựa. Cho nên bạn sẽ ở đó và tâm trí bạn sẽ ở đây. Và bạn sẽ tiếc: Mình đang bị lỡ cái gì nhỉ? Ai biết được cái gì đang được làm ở đó, điều gì được nói tới? Ai biết được liệu chìa khoá bí mật nào đã được truyền trao sáng nay?
Cho nên bất kì cái gì bạn chọn, dù bạn tới hay bạn quyết định không tới, nếu đấy là chọn lựa thì nó có nghĩa là một nửa trái tim, dù ít dù nhiều, đã chọn lựa. Đó là một quyết định dân chủ, nghị viện. Với đa số của tâm trí bạn đã quyết định, nhưng thiểu số vẫn có đó. Và không thiểu số nào là điều cố định cả, không đa số nào là điều cố định cả. Không ai biết kích cỡ của nó, đảng viên cứ đổi phe hoài.
Khi bạn tới đây bạn đã quyết định. Năm mươi mốt phần trăm tâm trí bạn muốn tới và bốn mươi chín phần trăm muốn tới văn phòng. Nhưng vào lúc bạn tới đây, sắp xếp đã thay đổi. Chính cái quyết định tới và nghe tạo ra xáo động.
Thiểu số có thể đã trở thành đa số vào lúc bạn tới đây. Nếu nó chưa thành đa số, trước lúc bạn về nó sẽ thành, và bạn sẽ nghĩ, “Hai giờ phí hoài sao? Bây giờ, làm sao mình bù lại được? Đáng ra không tới thì tốt hơn - việc tâm linh có thể hoãn lại, nhưng thế giới này thì không thể trì hoãn được. Cuộc đời vẫn còn đủ dài, chúng ta có thể thiền về sau.”
Tại Ấn Độ mọi người nói rằng thiền chỉ dành cho người già. Một khi họ đã bên bờ vực cái chết thế thì họ có thể thiền, điều đó không giành cho người trẻ. Thiền là điều cuối cùng trong danh sách; làm nó khi bạn đã làm mọi thứ khác. Nhưng nhớ lấy, rằng thời gian chưa bao giờ tới khi bạn đã làm mọi điều, khi bạn quá già không làm được điều gì khác, khi tất cả năng lượng của bạn đã bị phí hoài, khi đó là thời gian để thiền.
Khi bạn không có khả năng làm bất kì cái gì làm sao bạn có thể thiền được? Thiền cần năng lượng, thuần khiết nhất, sống động nhất - thiền cần năng lượng tuôn trào. Đứa trẻ có thể thiền nhưng làm sao người già có thể thiền được? Đứa trẻ dễ dàng thiền, người già - không, người đó đã bị phí hoài. Không có chuyển động năng lượng trong người đó, dòng sông của người đó không thể tuôn chảy, người đó đông cứng. Nhiều phần của cuộc sống của người đó đã chết.
Nếu bạn chọn tới đền đài, bạn đau khổ, bạn nuối tiếc. Nếu bạn tới văn phòng hay chợ, bạn đau khổ và nuối tiếc.
Ngày xưa chuyện xảy ra là một sư chết. Ông ấy là một sư rất nổi tiếng, cả nước đều biết tiếng. Nhiều người tôn thờ ông ấy và nghĩ ông ấy đã chứng ngộ. Và trong cùng ngày đó một gái mãi dâm cũng chết. Cô ấy sống ngay trước ngôi đền của sư. Cô ấy cũng là gái mãi dâm rất nổi tiếng, nổi tiếng như sư vậy. Họ là hai cực sống cạnh nhau và họ chết cùng ngày.
Thần chết tới và đem sư lên cõi trời, các thần chết khác tới và đưa cô gái mãi dâm xuống địa ngục Khi các thần tới cõi trời thì cửa đóng lại và người gác cổng nói, “Các ông lẫn lộn họ rồi. Sư này phải xuống địa ngục còn cô mãi dâm kia phải đưa lên cõi trời chứ.”
Các thần nói, “Ông ngụ ý gì vậy? Người này là nhà khổ hạnh rất nổi tiếng, liên tục thiền và cầu nguyện. Đó là lí do tại sao chúng tôi chẳng bao giờ hỏi, chúng tôi đơn giản tới và tóm ông ta. Còn cô gái mãi dâm thì phải ở địa ngục bởi vì nhóm thần kia cũng đem cô ấy ở đấy đi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc hỏi, điều đó dường như quá hiển nhiên rồi.”
Người gác cổng nói, “Các ông lẫn lộn bởi vì các anh chỉ nhìn vào bề mặt. Sư này thường thiền về ích lợi cho người khác, nhưng cho bản thân ông ta thì ông ta bao giờ cũng nghĩ, ‘Mình đang lỡ cuộc đời này rồi. Người phụ nữ kia đẹp sao, lại mãi dâm, đang sẵn đấy. Bất kì lúc nào mình đi qua phố, cô ta đều có đấy cả. Điều mình đang làm toàn là những thứ vô nghĩa - cầu nguyện, ngồi theo tư thế phật và chẳng đạt được cái gì cả.’ Nhưng bởi vì danh tiếng, ông ta không dám làm điều đó.”
Nhiều người đức hạnh bởi vì họ là kẻ hèn nhát như ông ta. Ông ta đức hạnh bởi vì ông ta hèn nhát - ông ta không thể đi qua phố được. Bao nhiêu người biết ông ta, làm sao ông ấy có thể sang nhà gái mãi dâm được? Mọi người sẽ nói gì?
Kẻ hèn nhát bao giờ cũng sợ dư luận của người khác. Cho nên ông ta vẫn còn là người khổ hạnh, nhịn ăn, nhưng tâm trí ông ta bao giờ cũng tơ tưởng tới gái mãi dâm. Khi có ca hát và nhảy múa, ông ta sẽ lắng nghe. Ông ta ngồi trước tượng Phật, nhưng Phật không có đó. Ông ta không tôn kính; anh ta sẽ mơ mình đang lắng nghe âm thanh của lễ hội, và trong tưởng tưởng của mình anh ta sẽ làm tình với cô gái mãi dâm đó.
Thế còn cô gái mãi dâm thì sao? Cô ấy bao giờ cũng hối hận, hối hận và hối hận. Cô ấy biết cô ấy đã làm phí hoài cuộc đời mình, cô ấy đã làm phí hoài cơ hội vàng son. Và để làm gì? Chỉ vì tiền, bán thân xác và linh hồn. Cô ấy bao giờ cũng quen nhìn về phía ngôi đền, ghen tị với cuộc sống im lặng ở đó. Hiện tượng thiền gì đã xảy ra ở đó?
Cô ấy mong mỏi Thượng đế cho cô ấy một cơ hội đi vào trong đền. Nhưng cô ấy nghĩ, “Mình là gái mãi dâm, ô uế, và mình không nên vào đền.” Cho nên cô ấy bước quanh đền từ bên ngoài, chỉ nhìn vào nó từ trên phố. Bên trong đẹp làm sao, im lặng làm sao, phúc lành làm sao! Và khi có kirtan cùng bhajan, ca hát và nhảy múa, cô ấy thường rền rĩ, kêu khóc, gào thét, tưởng tượng rằng mình đang lỡ.
Cho nên người gác cổng nói, “Đem cô gái mãi dâm lên cõi trời và đưa sư này xuống địa ngục. Cuộc sống bề ngoài của họ là khác nhau và cuộc sống bên trong của họ cũng khác nhau, nhưng giống như mọi người khác, họ cả hai đều nuối tiếc.”
Ở Ấn Độ chúng ta đã phát minh ra một từ không có trong bất kì ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Cõi trời và địa ngục đều tìm thấy được ở mọi nơi; tất cả các ngôn ngữ ở đâu cũng có từ cõi trời và địa ngục. Chúng ta có một từ khác: đó là moksha hay niết bàn hay kaivalya - tự do tuyệt đối, chẳng phải thiên đường lẫn địa ngục.
Nếu cuộc sống bên ngoài của bạn là địa ngục và bạn ăn năn về nó, bạn sẽ đạt tới cõi trời, giống như cô gái mãi dâm thường xuyên ham muốn thế giới thiền và cầu nguyện. Còn nếu cuộc sống bên ngoài của bạn là cõi trời còn cuộc sống bên trong của bạn là địa ngục, giống như nhà sư ham muốn cô gái mãi dâm này, bạn sẽ xuống địa ngục. Nhưng nếu bạn không chọn lựa, không nuối tiếc, nếu bạn vô chọn lựa, thế thì bạn sẽ đạt tới moksha.
Nhận biết vô chọn lựa là moksha, tự do tuyệt đối. Địa ngục là tù túng, cõi trời cũng tù túng. Cõi trời có thể là nhà tù đẹp, địa ngục có thể là nhà tù xấu - nhưng cả hai đều là nhà tù. Chẳng người Ki tô giáo lẫn người Mô ha mét giáo nào có thể theo được điều này, bởi vì với họ thì cõi trời là tối thượng. Nếu bạn hỏi họ Jesus ở đâu, câu trả lời của họ là sai. Họ nói: Trên cõi trời cùng với Thượng đế. Điều này là sai hoàn toàn. Nếu Jesus trên cõi trời thì ông ấy không chứng ngộ. Cõi trời có thể bằng vàng, nhưng nó vẫn là nhà tù. Nó có thể tốt, nó có thể thoải mái, nhưng nó vẫn là sự chọn lựa, việc chọn lựa chống lại địa ngục. Đức hạnh đã chọn chống lại tội lỗi là quyết định của đa số, nhưng thiểu số chỉ ở sau đợi cơ hội của mình để quyết định.
Jesus trong moksha, đó là điều tôi nói. Ông ấy không trong cõi trời, ông ấy không trong địa ngục. Ông ấy là tự do toàn bộ khỏi mọi cầm tù: tốt/xấu, tội lỗi/đức hạnh, đạo đức/ vô đạo đức. Ông ấy không chọn lựa. Ông ấy sống cuộc sống vô chọn lựa. Và đó là điều tôi thường xuyên bảo các bạn: sống cuộc sống vô chọn lựa.
Nhưng làm sao cuộc sống vô chọn lựa có thể có? Nó là có thể chỉ nếu bạn có thể thấy tổng số, số bẩy; ngoài ra thì bạn sẽ chọn lựa. Bạn sẽ nói điều này đáng phải xảy ra vào buổi sáng, điều kia vào buổi tối, và bạn nghĩ rằng chỉ bởi việc thay đổi sự sắp xếp là bạn thay đổi tổng số. Tổng số không thể bị thay đổi. Tổng số vẫn còn như cũ - tổng số của mọi người vẫn còn như nhau.
Do đó tôi nói không có khác biệt giữa kẻ ăn xin và hoàng đế. Buổi sáng bạn là hoàng đế, đến tối bạn sẽ là kẻ ăn xin; buổi sáng bạn là kẻ ăn xin, đến tối bạn sẽ là hoàng đế. Và tổng số vẫn còn như nhau. Nhìn vào tổng số, là tổng số, và thế thì tất cả mọi chọn lựa đều bị loại bỏ.
Người dạy khỉ đó đơn giản nhìn vào tổng số và nói, “Thôi được, lũ khỉ ngốc ạ, nếu chúng mày hạnh phúc với điều đó, cứ để việc sắp xếp là như vậy.” Nhưng nếu ông ta cũng là khỉ, như người khác, thế thì sẽ có tranh đấu. Thế thì ông ấy sẽ nhấn mạnh, “Đây sẽ là việc sắp xếp. Ai ra lệnh, ai quyết định? Chúng mày nghĩ ai là chủ? Chúng mày hay tao?”
Bản ngã bao giờ cũng chọn lựa, quyết định và bắt ép. Lũ khỉ nổi loạn, và nếu người này cũng là khỉ thì chúng phải làm cho ông ta phát điên. Ông ta sẽ phải đặt chúng vào vị trí của chúng, trở lại nơi chúng thuộc về. Ông ấy sẽ nhấn mạnh, “Không có chuyện bốn vào buổi sáng. Ta quyết định.”
Đó là lần sinh nhật thứ sáu mươi của một người. Ông ta về nhà đêm đó sau một cuộc sống gia đình dài gần bốn mươi năm, đầy những cãi cọ và xung đột. Nhưng ông ấy ngạc nhiên khi về tới nhà thấy vợ đang đợi mình với hai chiếc cà vạt đẹp làm quà tặng. Ông ấy chưa bao giờ trông đợi điều đó từ bà vợ. Gần như không thể có chuyện là bà ấy sẽ đợi ông ấy với hai chiếc cà vạt làm quà tặng. Ông ấy cảm thấy hạnh phúc thế, ông ấy nói, “Đừng nấu cơm tối nữa, anh sẽ sẵn sàng trong đôi phút và chúng ta sẽ đi tới tiệm ăn ngon nhất trong thành phố.”
Ông ta vào buồng tắm, chuẩn bị sẵn sàng, và đeo một trong hai chiếc cà vạt bà ấy đã tặng cho. Bà vợ nhìn rồi nói, “Thế nào? Anh có ý không thích cái cà vạt kia sao? Nó không đủ tốt hay sao?” Đàn ông chỉ có thể đeo một cà vạt mỗi lúc nhưng dù cà vạt nào ông ta chọn, cũng chuyện ấy vẫn xảy ra: “Vậy anh ngụ ý gì? Cái kia không đủ tốt hay sao?”
Đấy vẫn là thói quen cũ về cãi cọ, lục đục. Người ta nói về cùng người đàn bà đó, ngày nào bà ấy cũng tìm ra cái gì đó để lục đục. Và bà ấy bao giờ cũng thành công, bởi vì khi bạn tìm, bạn sẽ thấy. Nhớ điều này: dù bạn tìm bất kì cái gì, bạn sẽ tìm ra. Thế giới này bao la đến mức, sự tồn tại này giầu có đến mức là nếu bạn thực sự giỏi tìm cái gì đó, bạn sẽ thấy nó.
Đôi khi bà ấy tìm thấy tóc trên áo choàng của chồng, và thế rồi bà ấy sẽ lục đục với ông ấy về việc đi với người đàn bà khác. Nhưng có lần chuyện xảy ra là trong bẩy ngày bà ấy chẳng thể tìm ra cái gì sai cả. Bà ấy cố gắng và cố mãi chẳng có cớ nào để nổ ra lục đục. Thế là vào ngày thứ bẩy khi chồng về tới nhà, bà ấy bắt đầu gào khóc và đấm ngực. Ông ấy nói, “Bây giờ bà làm gì vậy? Có vấn đề gì nào, chuyện gì vậy?”
Thế là bà ấy nói, “Ông là đồ bất lương, ông đã thôi các mụ đàn bà khác còn bây giờ thì ông lại đi với bọn đàn bà trọc đầu!”
Tâm trí bao giờ cũng tìm kiếm rắc rối. Và bạn đừng cười, bởi vì đây là về tâm trí của bạn đấy. Bằng việc cười to bạn có thể đơn giản tự lừa dối mình. Bạn có thể nghĩ điều đấy là về ai đó khác - nó là về bạn đấy. Và bất kì điều gì tôi nói, cũng đều về bạn cả.
Tâm trí chọn lựa và bao giờ cũng chọn rắc rối, bởi vì với chọn lựa, rắc rối tới. Bạn không thể chọn Thượng đế được. Nếu bạn chọn, sẽ có rắc rối. Bạn không thể chọn tính chất sannyas được. Nếu bạn chọn, sẽ có rắc rối. Bạn không thể chọn tự do được. Nếu bạn chọn, nó sẽ không là tự do.
Thế làm sao nó xảy ra? Làm sao Thượng đế xảy ra, tính chất sannyas xảy ra, tự do xảy ra, moksha xảy ra? Nó xảy ra khi bạn hiểu cái ngu ngốc của chọn lựa. Nó không phải là chọn lựa mới, nó đơn giản vứt bỏ tất cả các chọn lựa. Chỉ nhìn vào toàn bộ sự việc là bạn bắt đầu cười to. Chẳng có gì để chọn cả. Tổng số vẫn như nhau. Đến cuối cùng, đến tối, tổng số vẫn như thế. Thế thì bạn sẽ không bận tâm liệu buổi sáng bạn là hoàng đế hay kẻ ăn xin. Bạn hạnh phúc, bởi vì đến tối mọi thứ đều tới như nhau, mọi thứ đều được san bằng.
Cái chết bình đẳng. Trong cái chết không ai là hoàng đế và không ai là kẻ ăn xin. Cái chết làm lộ ra tổng số; nó bao giờ cũng là bẩy.
Hai cách sắp xếp này là như nhau. Nhớ lấy, tổng số hạt dẻ không thay đổi. Nhưng một trường hợp thì lũ khỉ không bằng lòng và trong trường hợp kia thì chúng lại thoả mãn.
Người dạy khỉ sẵn lòng
thay đổi cách thu xếp cá nhân
để đáp ứng điều kiện khách quan,
Ông ta chẳng mất gì bởi việc đó
Người hiểu biết bao giờ cũng nhìn vào các điều kiện khách quan, không bao giờ nhìn vào cảm giác chủ quan của mình. Khi lũ khỉ nói không, nếu bạn là người dạy khỉ, bạn chắc sẽ cảm thấy khó chịu. Lũ khỉ này đang cố gắng nổi loạn đây, chúng đã không vâng lời, điều này không thể tha thứ được. Điều đó sẽ làm chạm tự ái bên trong của bạn.
Bạn giận dữ thậm chí cả với những vật chết. Nếu bạn đang cố gắng mở cửa và nó cứ không mở, bạn phát điên. Nếu bạn đang cố gắng viết thư mà bút trục trặc, không trơn tru, bạn phát điên. Bạn cảm thấy bị động chạm, dường như cái bút này đang làm việc một cách cố ý, dường như có ai đó trong thuyền. Bạn thậm chí còn cảm thấy ai đó đang có đó trong chiếc bút để quấy nhiễu bạn.
Và điều này không chỉ là logic của trẻ nhỏ đâu, đây là logic của bạn nữa. Nếu đứa trẻ va phải bàn, nó sẽ đánh cái bàn để uốn nắn lại điều sai trái, và nó bao giờ cũng sẽ là kẻ thù của chiếc bàn đó. Nhưng bạn thì cũng thế - với những thứ chết, với các đồ vật, bạn cũng giận dữ, bạn phát điên!
Đây là chủ quan, và một người trí huệ thì chẳng bao giờ chủ quan cả. Người trí huệ bao giờ cũng nhìn vào các điều kiện khách quan. Người đó sẽ nhìn vào chiếc cửa, và nếu nó không mở, thế thì người đó sẽ thử mở nó. Nhưng người đó không thể giận dữ với nó bởi vì chiếc thuyền là rỗng. Không có ai ở đó cố đóng cửa, chống lại nỗ lực của bạn.
Để đáp ứng các điều kiện khách quan người dạy khỉ đổi cách sắp xếp cá nhân. Người đó nhìn vào lũ khỉ và tâm trí của chúng, người đó không cảm thấy khó chịu - người đó là người dạy khỉ, không phải là khỉ. Người đó nhìn và người đó phải đã cười to bên trong, bởi vì người đó biết tổng số. Và người đó chịu nhường. Chỉ người trí huệ mới nhường nhịn. Người ngu bao giờ cũng chống lại. Người ngu nói thà chết còn hơn uốn mình, thà tan vỡ còn hơn khuất phục.
Lão Tử và Trang Tử bao giờ cũng nói: Khi có gió lớn, cây với bản ngã ngu đần sẽ chống lại và chết, còn cỏ trí huệ uốn mình theo gió. Cơn bão đi qua và cỏ lại đứng thẳng dậy, cười khanh khách thích thú. Cỏ là khách quan, cây lớn là chủ quan. Cây lớn nghĩ quá nhiều về bản thân mình: “Mình là ai đó, kẻ nào có thể khuất phục được mình? Kẻ nào có thể buộc mình phải chịu nhún nhường?” Cây lớn sẽ tranh đấu với cơn bão. Thật là ngu xuẩn đi tranh đấu với bão, bởi vì bão không tới cho bạn. Nó không là gì đặc biệt cả, cơn bão đơn giản đi qua và bạn có đó, đấy là sự trùng hợp.
Khỉ là con vật và lại coi mình là con vật rất thượng đẳng! Chúng không gây khó chịu cho người dạy khỉ. Khỉ chỉ là khỉ thôi. Đó là cách thức chúng như vậy. Chúng không thể nhìn vào tổng số, chúng không thể lấy tổng. Chúng chỉ có thể nhìn gần, không nhìn được xa - cái xa là quá xa với chúng. Chúng không thể nào quan niệm được buổi tối, chúng chỉ biết về buổi sáng.
Cho nên khỉ là khỉ, bão là bão. Tại sao phải khó chịu? Chúng không tranh đấu với bạn. Chúng chỉ theo con đường của riêng chúng, thói quen của chúng. Cho nên người dạy khỉ không khó chịu. Người đó là người trí huệ, người đó nhường nhịn, người đó chỉ giống như ngọn cỏ. Nhớ điều này bất kì khi nào bạn bắt đầu cảm thấy chủ quan. Nếu ai đó nói điều gì đó, lập tức bạn cảm thấy bị động chạm, cứ như là điều đó nói cho bạn. Bạn đang trong con thuyền quá nhiều. Điều đó có thể không nói cho bạn chút nào. Người khác có thể bầy tỏ chủ quan của mình.
Khi ai đó nói, “Anh đã xúc phạm tôi,” cái thực sự có nghĩa là cái gì đó khác. Nếu anh ta có một chút ít thông minh thêm, anh ta sẽ nói điều đó theo cách vòng vo khác. Anh ta sẽ nói, “Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Anh có thể đã không xúc phạm tôi, nhưng bất kì điều gì anh nói, tôi đều cảm thấy bị xúc phạm.” Đây là cảm giác chủ quan.
Nhưng không ai hiểu cái chủ quan của họ và mọi người đều phóng chiếu cái chủ quan lên các điều kiện khách quan. Người khác bao giờ cũng nói, “Anh đã xúc phạm tôi.” Và khi bạn nghe thấy điều đó thì bạn cũng chủ quan nốt. Cả hai con thuyền đều tràn đầy, quá đông đúc. Nhất định là có va chạm, thù địch, bạo hành.
Nếu bạn trí huệ, khi người khác nói, “Anh đã xúc phạm tôi,” bạn sẽ nhìn vào vấn đề một cách khách quan và bạn sẽ nghĩ, “Sao người khác lại cảm thấy bị xúc phạm nhỉ?” Bạn sẽ cố gắng hiểu cảm giác của người khác, và nếu bạn có thể đặt mọi thứ vào đúng chỗ thì bạn sẽ nhường nhịn. Khỉ vẫn là khỉ. Tại sao phải giận dữ, tại sao phải khó chịu?
Người ta kể và Mulla Nasruddin rằng khi anh ta già anh ta đã được làm quan toà danh dự. Vụ án đầu tiên đưa ra trước ông ấy là một người bị cướp. Nasruddin nghe câu chuyện của anh ta và nói, “Đúng đấy, anh phải đấy.” Nhưng ông ta chưa nghe câu chuyện của người kia!
Viên thư kí toà thì thào vào tai ông ta, “Ông là người mới, Nasruddin. Ông không biết ông đang làm gì. Ông phải nghe phía bên kia nữa trước khi ông đưa ra lời phán xét.”
Thế là Nasruddin nói, “Được.”
Người kia, kẻ cướp, kể lại câu chuyện. Nasruddin nghe và nói, “Anh phải đấy.”
Viên thư kí toà cảm thấy lẫn lộn: “Viên quan toà này không chỉ thiếu kinh nghiệm, ông ta còn khùng nữa.” Lần nữa ông ta thì thào vào tai ông ấy, “Ông đang làm gì vậy? Cả hai không thể đều phải cả.”
Nasruddin nói, “Đúng đấy, anh phải đấy.”
Đây là người trí huệ, người nhìn vào các điều kiện khách quan. Người đó sẽ nhường nhịn. Người đó bao giờ cũng nhường nhịn, người đó bao giờ cũng nói có - bởi vì nếu bạn nói không, thế thì con thuyền của bạn không rỗng. Cái không bao giờ cũng tới từ bản ngã. Cho nên nếu người trí huệ phải nói không, người đó sẽ vẫn dùng thuật ngữ có. Người đó sẽ không nói không thẳng thừng, người đó sẽ dùng thuật ngữ của có. Nếu người ngu muốn nói có, người đó sẽ cảm thấy khó của việc không nói không. Người đó sẽ dùng thuật ngữ của không, và nếu người đó phải nhường, người đó nhường một cách miễn cưỡng. Người đó nhường một cách khó chịu, chống đối. Người dạy khỉ đã nhường nhịn.
Người dạy khỉ sẵn lòng
thay đổi cách thu xếp cá nhân
để đáp ứng điều kiện khách quan,
Ông ta chẳng mất gì bởi việc đó
Không người trí huệ nào bị mất cái gì bằng việc nói có với người ngu. Không người trí huệ nào có thể mất cái gì bởi việc nhường cả. Người đó được mọi thứ. Không có bản ngã, cho nên không thể có bất kì mất mát gì được. Cái mất bao giờ cũng được cảm nhận bởi bản ngã: Tôi đang mất. Tại sao bạn cảm thấy bạn đang mất? - bởi vì bạn chưa bao giờ muốn mất cả. Tại sao bạn cảm thấy mình thất bại? - bởi vì bạn bao giờ cũng muốn thành công. Tại sao bạn cảm thấy bạn là kẻ ăn xin? - bởi vì bạn bao giờ cũng ham muốn là hoàng đế.
Người trí huệ đơn giản nhận bất kì cái gì đang đấy. Người đó chấp nhận cái toàn bộ. Người đó biết - kẻ ăn xin buổi sáng, hoàng đế buổi tối; và hoàng đế buổi sáng thì kẻ ăn xin buổi tối. Cách sắp xếp nào tốt hơn?
Nếu người trí huệ bị buộc phải thu xếp, người đó thích làm ăn xin buổi sáng và hoàng đế buổi tối. Người trí huệ không bao giờ chọn, nhưng nếu bạn cứ khăng khăng, người đó sẽ nói rằng tốt hơn cả là làm ăn xin buổi sáng và hoàng đế buổi tối. Tại sao? - bởi vì làm hoàng đế trước, vào buổi sáng, thế rồi làm ăn xin vào buổi tối, sẽ là rất khó khăn. Nhưng đây là cách chọn lựa.
Người trí huệ sẽ chọn đau đớn lúc bắt đầu và hoan lạc lúc cuối, bởi vì đau đớn lúc đầu sẽ cho bạn nền tảng, và ngược lại nó thì hoan lạc sẽ càng hoan lạc hơn bao giờ. Hoan lạc ban đầu sẽ cho bạn nền tảng mềm và thế rồi cái đau sẽ quá nhiều, không chịu nổi.
Phương Đông và phương Tây đã tạo ra những cách sắp xếp khác nhau. Tại phương Đông, trong hai mươi nhăm năm đầu của cuộc đời, mọi đứa trẻ đều phải trải qua vất vả. Đó là nguyên tắc được tuân theo từ nhiều nghìn năm nay cho tới khi phương Tây tới và bắt đầu chi phối phương Đông.
Đứa trẻ phải tới nhà thầy trong rừng rậm, nó phải sống qua mọi vất vả có thể có. Giống như kẻ ăn xin, nói sẽ ngủ trên chiếu trải trên sàn - không thoải mái. Nó sẽ ăn như kẻ ăn xin; nó sẽ phải đi vào thành phố và xin ăn cho thầy, chặt củi, đưa súc vật ra sông uống nước, vào rừng kiếm ăn.
Trong hai mươi nhăm năm nó trải qua cuộc sống đơn giản nhất, đạm bạc nhất dù cho nó được sinh ra là vua hay kẻ ăn xin - không có khác biệt. Thậm chí con của hoàng đế cũng phải tuân theo cùng con đường này, không có phân biệt. Và thế thì khi nó đi tới biết cuộc sống trong thế giới, cuộc sống phúc lạc làm sao.
Nếu phương Đông hài lòng thế, đây là thủ đoạn, sắp xếp, bởi vì bất kì cái gì cuộc sống đem cho, bao giờ nó cũng nhiều hơn là cái bạn bắt đầu. Đứa trẻ tới sống trong lều. Với nó đấy là cung điện nếu so sánh với việc nằm trên đất không có chòi nào, chật ních. Nó có một cái giường bình thường, và đấy là thiên đường. Thức ăn bình thường, bánh mì, bơ và muối là đủ lí tưởng, bởi vì không có bơ ở nhà thầy. Nó hạnh phúc với bất kì cái gì cuộc sống trao cho.
Bây giờ hình mẫu phương Tây là đối lập lại. Khi bạn là sinh viên, mọi sự thoải mái được trao cho bạn. Khách sạn, trường đại học đẹp, phòng đẹp, lớp học, thầy giáo - mọi sự sắp xếp đều được làm cho tiện nghi y tế của bạn, thức ăn, vệ sinh, mọi thứ đều được chăm nom tới. Và sau hai mươi nhăm năm này bạn bị ném vào trong cuộc vật lộn của cuộc sống. Bạn đã trở thành một cây trong nhà kính! - bạn không biết vật lộn là gì. Thế rồi bạn trở thành một thư kí trong một văn phòng, một thầy giáo trong trường phổ thông: cuộc sống là địa ngục. Thế rồi tất cả cuộc đời bạn sẽ là càu nhàu, toàn bộ cuộc đời bạn sẽ là càu nhàu dài lâu, phàn nàn, phàn nàn, mọi thứ đều sai. Nó sẽ là như vậy.
Người dạy khỉ nói, “Ba vào buổi sáng và bốn vào buổi tối.”
Nhưng lũ khỉ nài nỉ: “Bốn vào buổi sáng và ba vào buổi tối.”
Bốn vào buổi sáng và ba vào buổi tối… thế thì tối sẽ thành u ám. Bạn sẽ so sánh nó với quá khứ, với buổi sáng. Hoàng đế buổi sáng và ăn xin buổi tối… thế thì buổi tối sẽ là khổ. Buổi tối nên là cực đỉnh, không khổ.
Lũ khỉ không chọn cách sắp xếp khôn ngoan. Ngay chỗ đầu tiên người trí huệ chẳng bao giờ chọn, người đó sống vô chọn lựa bởi vì người đó biết rằng bất kì cái gì xảy ra thì tổng số vẫn là như nhau. Thứ hai là, nếu người đó phải chọn bởi vì điều kiện khách quan, người đó sẽ chọn ba món vào buổi sáng và bốn vào buổi tối. Nhưng lũ khỉ nói, “Không. Chúng tôi sẽ chọn. Chúng tôi sẽ ăn bốn vào buổi sáng.” Người huấn luyện đó, người coi sóc đó, sẵn lòng đồng ý để đáp ứng điều kiện khách quan. Người đó chẳng mất gì bởi việc đó cả. Nhưng điều gì xảy ra cho lũ khỉ? Chúng mất cái gì đó.
Cho nên bất kì khi nào bạn ở gần người trí huệ, để cho người đó làm việc sắp xếp, đừng khăng khăng về phần riêng của mình. Việc chọn ngay chỗ đầu tiên là sai rồi, và chỗ thứ hai, dù bất kì chọn lựa nào bạn làm cho lũ khỉ, nó cũng sẽ sai. Tâm trí khỉ chỉ tìm hạnh phúc ngay lập tức, tức thì. Khỉ không lo nghĩ về điều xảy ra sau đó. Nó không biết, nó không có cảnh quan gì về cái toàn thể. Cho nên để cho người trí huệ chọn.
Nhưng toàn bộ sự sắp xếp đã thay đổi. Tại phương Đông người trí huệ đã quyết định. Tại phương Tây có dân chủ: khỉ đi bầu và chọn lựa. Và bây giờ chúng đã chuyển đổi cả phương Đông sang dân chủ - dân chủ có nghĩa là khỉ đi bầu và chọn lựa.
Chế độ quí tộc có nghĩa là người trí huệ sẽ chọn lựa cách sắp xếp và khỉ sẽ qui phục và tuân theo. Chẳng có gì có thể làm việc giống như chế độ quí tộc nếu chế độ quí tộc được cai trị đúng đắn. Dân chủ nhất định là hỗn loạn. Khỉ cảm thấy rất hạnh phúc bởi vì chúng đang chọn lựa cách sắp xếp, nhưng thế giới còn hạnh phúc hơn khi chọn lựa là do người trí huệ.
Nhớ lấy, vua bao giờ cũng quen đến hỏi người trí huệ để ra quyết định cuối cùng về những việc quan trọng. Người trí huệ không phải là vua bởi vì họ không thể bị bận tâm với nó, họ là kẻ ăn xin, sống trong lều trong rừng rậm. Bất kì khi nào có vấn đề, vua không lại chỗ cử tri để hỏi mọi người, “Phải làm gì đây?” Ông ấy chạy tới rừng để hỏi những người đã từ bỏ tất cả - bởi vì họ có cảnh quan về cái toàn thể, không gắn bó, không ám ảnh, không cái gì, theo chọn lựa riêng của họ cả. Họ là vô chọn lựa; họ thấy cái toàn thể và quyết định.
Người trí huệ thực sự,
xem xét cả hai vế vấn đề
không thiên vị,
xét cả hai dưới ánh sáng của Đạo
Điều này được gọi là theo hai quá trình một lúc
Nhìn vào cái toàn bộ có nghĩa là đi theo hai quá trình một lúc. Thế thì vấn đề không phải là bốn vào buổi sáng, ba vào buổi tối. Đấy là vấn đề bẩy trong toàn bộ cuộc sống.
Sắp xếp là không quan trọng. Sắp xếp có thể được thực hiện theo các điều kiện khách quan, nhưng sẽ có bẩy trong tất cả, hai quá trình cùng nhau. Người trí huệ nhìn vào cái toàn thể của mọi thứ. Dục cho bạn hoan lạc, nhưng người đó cũng nhìn vào nỗi đau tới từ nó. Của cải cho bạn hoan lạc, nhưng người đó nhìn vào ác mộng tới cùng nó. Thành công làm cho bạn hạnh phúc, nhưng người đó biết vực thẳm theo sau đỉnh cao, thất bại sẽ trở thành nỗi đau mãnh liệt, không chịu nổi.
Người trí huệ nhìn vào cái toàn thể. Và khi bạn nhìn vào cái toàn thể, bạn không có chọn lựa. Thế thì bạn có hai quá trình đồng thời. Sáng và tối bây giờ cùng nhau - bốn cộng ba bây giờ là cùng nhau. Bây giờ không cái gì là trong phân mảnh, mọi thứ đã trở thành toàn thể. Và đi theo cái toàn thể này là Đạo. Đi theo cái toàn thể này là tôn giáo. Đi theo cái toàn thể này là Yoga.
Nhận xét
Đăng nhận xét