Chương 3. Phủ định tri thức

Tâm kinh – Osho
Chương 3. Phủ định tri thức


Tri thức là cái đáng nguyền rủa, là tai ương, là cái xấu xa. Chính là qua tri thức mà con người trở nên bị chia lìa khỏi cái toàn thể. Tri thức tạo ra khoảng cách. Bạn đi qua hoa dại trên núi non, bạn không biết nó là gì, tâm trí bạn chẳng có gì để nói về nó, tâm trí im lặng. Bạn nhìn vào hoa, bạn thấy hoa, nhưng không tri thức nào nảy sinh trong bạn - có điều kì diệu, có cái bí ẩn.

Hoa có đấy, bạn có đấy. Qua điều kì diệu mà bạn không tách biệt, bạn được nối liền. Nếu bạn biết rằng đây là hoa hồng hay hoa cúc vạn thọ, hay cái gì đó khác, chính cái hiểu biết đó cắt rời bạn. Hoa có đó, bạn có đây, nhưng không có cầu nối - bạn biết! Tri thức tạo ra khoảng cách. Bạn càng biết nhiều khoảng cách càng lớn; bạn càng biết ít khoảng cách càng bé. Và nếu bạn trong khoảnh khắc không biết gì, không có khoảng cách, bạn được nối liền.

Bạn yêu một người đàn bà hay đàn ông - cái ngày bạn yêu không có khoảng cách. Chỉ có mỗi điều kì diệu, xúc động, kích động, cực lạc - nhưng không có tri thức.

Bạn không biết người đàn bà này là ai. Không có tri thức, chẳng có gì chia rẽ bạn. Do đó có cái đẹp của những khoảnh khắc ban đầu yêu đương này. Bạn đã sống với người đàn bà này chỉ mới hai mươi bốn giờ; tri thức đã nảy sinh. Bây giờ bạn có một số ý tưởng về người đàn bà này: bạn biết cô ấy là ai, có hình ảnh. Hai mươi bốn giờ đã tạo ra quá khứ. Hai mươi bốn giờ này đã để lại dấu vết trong tâm trí: bạn nhìn vào cùng người đàn bà này, không còn cùng bí ẩn nữa. Bạn đang đi xuống đồi, cái đỉnh đó đã mất.

Hiểu điều này là hiểu được nhiều lắm. Hiểu rằng tri thức phân chia, tri thức tạo ra khoảng cách, là hiểu chính bí mật của thiền. Thiền là trạng thái không biết. Thiền là không gian thuần khiết, không bị tri thức quấy nhiễu. Thế đấy, câu chuyện kinh thánh thế mà lại đúng - rằng con người đã sa ngã qua tri thức, bởi việc ăn trái cây hiểu biết. Không kinh sách nào khác của thế giới vượt hơn điều đó. Chuyện ngụ ngôn đó là lời cuối cùng; không chuyện ngụ ngôn nào khác đạt tới đỉnh cao và sáng suốt đó.

Có vẻ phi lí thế khi nói con người đã sa ngã qua tri thức. Điều đó có vẻ phi lí bởi vì logic là một phần của tri thức. Logic là tất cả trong việc hỗ trợ cho tri thức. Điều đó có vẻ phi lí, bởi vì logic là nguyên nhân gốc rễ cho sa ngã của con người. Một người tuyệt đối logic, tuyệt đối lành mạnh, bao giờ cũng lành mạnh, không bao giờ cho phép có bất kì điều phi lí nào trong cuộc sống mình, là người điên. Cái lành mạnh cần được cân bằng bởi cái không lành mạnh; logic cần được cân bằng bởi phi logic.

Các cái đối lập gặp nhau và cân bằng. Một người chỉ có lí trí là vô lí - người đó sẽ bỏ lỡ nhiều lắm. Trong thực tế người đó sẽ cứ bỏ lỡ tất cả những cái đẹp đẽ và tất cả những cái đúng đắn. Người ấy sẽ thu thập những cái tầm thường, cuộc sống người ấy sẽ là cuộc sống trần tục. Người ấy sẽ là phàm nhân.

Câu chuyện ngụ ngôn kinh thánh đó có sáng suốt sâu xa. Tại sao con người sa ngã qua tri thức? - bởi vì tri thức tạo ra khoảng cách, bởi vì tri thức tạo ra cái ‘tôi’ và cái ‘bạn’, bởi vì tri thức tạo ra chủ thể và khách thể, người biết và cái được biết, người quan sát và cái được quan sát. Tri thức về cơ bản là bệnh tinh thần phân liệt; nó tạo ra chia chẻ. Và thế thì không có cách nào bắc cầu qua điều đó. Đó là lí do tại sao con người càng trở nên có tri thức, người đó càng ít tôn giáo hơn. Con người càng được giáo dục, càng ít có khả năng tiếp cận Thượng đế.

Jesus là phải khi ông ấy nói, “Chỉ trẻ con mới có thể vào vương quốc của ta”... chỉ trẻ con. Đâu là phẩm chất đứa trẻ có và bạn làm mất? Đứa trẻ có phẩm chất của không tri thức, của hồn nhiên. Nó nhìn với ngạc nhiên, mắt nó hoàn toàn trong sáng. Nó nhìn sâu, nhưng nó không có định kiến, không phán xét, không có ý tưởng tiên quyết. Nó không phóng chiếu, do đó nó nhận ra cái đang đấy.

Hôm trước chúng ta đã nói về phân biệt giữa thực tại và chân lí. Trẻ con biết chân lí, bạn chỉ biết thực tại. Thực tại là cái bạn đã tạo ra quanh mình - phóng chiếu, ham muốn, suy nghĩ. Thực tại là diễn giải của bạn về chân lí. Chân lí đơn giản là cái đang đấy; thực tại là cái bạn đã đi tới hiểu biết - nó chính là ý tưởng của bạn về chân lí. Thực tại bao gồm nhiều thứ, tất cả đều tách biệt. Chân lí bao gồm chỉ một năng lượng vũ trụ. Chân lí bao gồm cái một, thực tại bao gồm cái ‘nhiều’. Thực tại là đám đông, chân lí là toàn vẹn.

Trước khi chúng ta đi vào lời kinh này, điều này cần phải trở thành nền tảng: rằng tri thức là cái đáng nguyền rủa.

J. Krishnamurti đã nói, “Phủ định là im lặng.” Phủ định cái gì? - phủ định tri thức, phủ định tâm trí, phủ định mối bận tâm thường xuyên này ở bên trong bạn; để tạo ra không gian nhàn rỗi. Khi bạn nhàn rỗi, bạn hài hoà với cái toàn thể. Khi bạn bận bịu bạn trượt ra khỏi hài hoà. Do đó, bất kì khi nào xảy ra việc bạn có thể đạt tới một khoảnh khắc im lặng, có vui vẻ mênh mông. Trong khoảnh khắc im lặng đó cuộc sống có ý nghĩa, trong khoảnh khắc im lặng đó cuộc sống có vẻ hùng vĩ vượt ra ngoài lời nói. Trong khoảnh khắc đó cuộc sống là điệu vũ. Trong khoảnh khắc đó thậm chí cái chết có tới thì cuộc sống vẫn cứ nhảy múa và mở hội, bởi vì khoảnh khắc đó không biết gì ngoài vui vẻ. Khoảnh khắc đó là vui vẻ, nó là phúc lạc.

Tri thức phải bị phủ định - nhưng không phải bởi vì tôi nói như thế hay bởi vì J. Krishnamurti nói như thế hay bởi vì Phật Gautam đã nói như thế. Nếu bạn phủ định bởi vì tôi đang nói như thế, thế thì bạn sẽ phủ định tri thức của bạn, và bất kì cái gì tôi đang nói cũng sẽ trở thành tri thức của bạn ngay chỗ đầu tiên; bạn sẽ thay thế nó. Việc phủ định phải không tới từ tâm trí, nếu không thì tâm trí sẽ rất thủ đoạn. Thế thì bất kì cái gì tôi nói cũng đều trở thành tri thức của bạn, bạn bắt đầu níu bám lấy nó. Bạn ném đi thần tượng cũ của mình và bạn thay thế chúng bằng thần tượng mới. Nhưng đấy vẫn là trò chơi cũ với lời lẽ mới, ý tưởng mới, ý nghĩ mới.

Thế thì làm sao phủ định được tri thức? Không phải bởi tri thức khác: chỉ cần nhìn vào trong sự kiện rằng tri thức tạo ra khoảng cách, chỉ nhìn vào trong sự kiện này một cách mãnh liệt, toàn bộ, là đủ. Không phải là bạn phải thay thế nó bằng một cái gì đó khác; sự mãnh liệt đó là ngọn lửa, sự mãnh liệt đó sẽ biến tri thức của bạn thành tro bụi. Sự mãnh liệt đó là đủ. Sự mãnh liệt đó là cái vẫn được biết là ‘sáng suốt’. Sáng suốt sẽ đốt cháy tri thức của bạn, và nó sẽ không bị thay thế bởi tri thức khác. Thế thì có cái trống rỗng, shunyata. Thế thì có cái không, bởi vì thế thì không có nội dung; có chân lí không bị xáo lộn, không bị bóp méo.

Bạn phải thấy điều tôi đang nói, bạn đừng học điều tôi đang nói. Tại đây, ngồi với tôi hàng ngày, lắng nghe tôi, đừng bắt đầu thu thập tri thức. Tại đây, lắng nghe tôi, đừng bắt đầu tích trữ. Lắng nghe tôi nên là kinh nghiệm trong sáng suốt. Bạn nên lắng nghe với sự mãnh liệt, với tính toàn bộ, với nhiều nhận biết nhất có thể được cho bạn. Trong chính nhận biết đó bạn sẽ thấy một điểm, và chính việc thấy đó là biến đổi. Không phải là bạn phải làm điều gì đó khác về sau; chính bản thân việc thấy đem tới chuyển hoá. Nếu nỗ lực nào đó là cần tới, điều đó đơn giản chỉ ra bạn đã lỡ. Nếu ngày mai bạn đến tôi và hỏi tôi, “Tôi đã hiểu rằng tri thức là cái đáng nguyền rủa, rằng tri thức tạo ra khoảng cách. Bây giờ làm sao để vứt bỏ nó?” - thế thì bạn lỡ. Nếu cái ‘làm sao’ nảy sinh, thế thì bạn đã lỡ. Cái ‘làm sao’ không thể nảy sinh, bởi vì cái ‘làm sao’ đang đang đòi hỏi thêm tri thức. Cái ‘làm sao’ đang đòi hỏi phương pháp, kĩ thuật: “Phải làm gì đây?” Và sáng suốt là đủ; nó không cần được giúp đỡ bởi bất kì nỗ lực nào. Ngọn lửa của nó quá đủ để thiêu đốt tất cả tri thức bạn mang bên trong mình. Chỉ thấy đúng vấn đề thôi.

Lắng nghe tôi, đi cùng tôi. Lắng nghe tôi, cầm tay tôi và đi vào trong không gian mà tôi đang cố gắng giúp bạn đi vào. Và thấy cái tôi đang nói, đừng tranh biện. Đừng nói có, đừng nói không. Đừng đồng ý, đừng không đồng ý. Chỉ cùng với tôi trong khoảnh khắc này - và bỗng nhiên sáng suốt có đó. Nếu bạn lắng nghe một cách chăm chú... và bởi việc chăm chú tôi không có ý nói tập trung; bởi chăm chú tôi đơn giản ngụ ý bạn đang lắng nghe với nhận biết, với cởi mở. Bạn ở đây, bây giờ, với tôi. Đó là điều tôi muốn nói bởi chăm chú: bạn không ở đâu khác.

Bạn không so sánh trong tâm trí điều tôi đang nói với ý nghĩ cũ của bạn. Bạn không so sánh chút nào, bạn không đánh giá. Bạn không có đó để đánh giá bên trong, trong bạn, dù điều tôi đang nói là đúng hay không, hay nó đúng đến đâu.

Mới hôm nọ tôi đã nói với một người tìm kiếm. Anh ta có phẩm chất của người tìm kiếm, nhưng bị trĩu nặng bởi tri thức. Trong khi tôi đang nói với anh ta thì mắt anh ta trở nên đẫm lệ. Trái tim anh ấy vừa mới sắp mở ra, và trong chính khoảnh khắc đó tâm trí nhào vô và phá huỷ toàn bộ cái đẹp của nó. Anh ta chỉ vừa mới hướng tới trái tim và cởi mở, nhưng ngay lập tức tâm trí đã vào. Nhưng giọt nước mắt đó vừa mới ló ra, đã biến mất. Mắt anh ta thành ráo hoảnh. Điều gì đã xảy ra? - Tôi đã nói điều gì đó mà anh ta có thể không đồng ý. Anh ta đã đồng ý với tôi, cho tới điểm đó. Thế rồi tôi đã nói điều gì đó đi ngược lại với nền tảng Do Thái của anh ta, đi ngược lại Kabbala, và ngay lập tức toàn bộ năng lượng đã thay đổi.

Anh ta nói, “Mọi thứ đều phải. Bất kì điều gì thầy đang nói cũng đều phải, chỉ trừ mỗi điều này: rằng Thượng đế không có mục đích, rằng sự tồn tại tồn tại vô mục đích - với điều này tôi không thể nào đồng ý được, bởi vì Kabbala nói chính điều ngược lại: rằng cuộc sống có mục đích, rằng Thượng đế là hướng đích, rằng ngài đang dẫn chúng ta hướng tới định mệnh nào đó, rằng có đích.”

Anh ta có thể thậm chí còn không nhìn vào điều đó theo cách này - rằng anh ta đã lỡ trong khoảnh khắc đó bởi vì việc so sánh đã tới. Điều mà Kabbala nói liên quan gì tới tôi? Khi bạn đang ở cùng tôi, vứt tất cả các tri thức về Kabbala, về yoga, về mật tông, về cái này cái khác.

Khi bạn đang ở cùng tôi, ở cùng tôi đi. Nếu bạn toàn bộ ở với tôi... và tôi không nói rằng bạn đang đồng ý với tôi, nhớ lấy. Tôi không nói rằng bạn đang đồng ý với tôi: không có vấn đề về đồng ý hay không đồng ý. Khi bạn thấy hoa hồng, bạn có đồng ý với nó hay không đồng ý với nó? Khi bạn thấy mặt trời lên, bạn đồng ý hay bạn không đồng ý? Khi bạn ngắm trăng ban đêm, bạn đơn giản thấy nó! Hoặc bạn thấy nó hoặc bạn không thấy nó, nhưng không có vấn đề đồng ý hay không đồng ý.

Theo cách đó, bạn ở cùng tôi đi; đó là cách ở cùng với thầy. Chỉ ở với tôi. Tôi không cố thuyết phục bạn về bất kì cái gì. Tôi không cố thay đổi chính kiến bạn sang lí thuyết nào đó, triết lí, học thuyết, sang nhà thờ nào đó, không! Tôi đơn giản chia sẻ điều đã xảy ra cho tôi, và trong chính việc chia sẻ đó, nếu bạn tham gia, điều ấy có thể xảy ra cho bạn nữa. Đấy là sự tiêm nhiễm. Sáng suốt làm biến đổi.

Khi tôi đang nói tri thức là cái đáng nguyền rủa, bạn có thể đồng ý hay không đồng ý - và bạn đã lỡ! Bạn chỉ lắng nghe nó thôi, chỉ nhìn vào trong nó, đi vào trong toàn bộ quá trình của tri thức. Bạn thấy tri thức tạo ra khoảng cách như thế nào, tri thức trở thành rào chắn như thế nào, tri thức đứng ở giữa như thế nào, tri thức tăng lên như thế nào và khoảng cách tăng lên như thế nào, hồn nhiên mất đi như thế nào qua tri thức, cuộc sống trở thành đờ đẫn như thế nào và đáng chán như thế nào qua tri thức. Bí ẩn mất đi, và với bí ẩn Thượng đế cũng mất đi.

Bí ẩn biến mất bởi vì bạn bắt đầu có ý tưởng rằng bạn biết. Khi bạn biết, làm sao bí ẩn có thể có được? Bí ẩn chỉ có thể có khi bạn không biết. Và nhớ lấy, con người chẳng biết đến một việc! Tất cả những cái mà chúng ta đã thu thập đều chỉ là rác rưởi.

Điều tối hậu vẫn còn bên ngoài việc nắm bắt. Cái chúng ta thu thập chỉ là sự kiện, chân lí vẫn còn không được động tới bởi nỗ lực của chúng ta. Và đó là kinh nghiệm không chỉ của Phật, Krishna, Krishnamurti và Ramana; đấy là kinh nghiệm ngay cả của Edison, Newton, Albert Einstein. Đấy là kinh nghiệm của các nhà thơ, hoạ sĩ, vũ công. Tất cả những người thông minh của thế giới - họ có thể là nhà huyền môn, họ có thể là nhà thơ, họ có thể là nhà khoa học - đều hoàn toàn đồng ý về một điều: rằng chúng ta càng biết nhiều, chúng ta càng hiểu rằng cuộc sống là một bí ẩn hoàn toàn. Tri thức của chúng ta không phá huỷ được cái bí ẩn của nó. Chỉ người ngu mới nghĩ rằng bởi vì họ mới biết có chút ít, cho nên bây giờ không còn bí ẩn nào trong cuộc sống. Chỉ tâm trí xoàng xĩnh mới trở nên quá gắn bó với tri thức; tâm trí thông minh vẫn còn ở trên tri thức. Người ấy dùng nó, chắc chắn dùng nó - nó là có ích, nó là tiện ích - nhưng người ấy biết rất rõ rằng tất cả những cái đúng đắn đều bị giấu kín, vẫn còn bị giấu kín. Chúng ta có thể cứ biết và biết, nhưng Thượng đế vẫn còn chẳng được biết hết.

Lắng nghe với sáng suốt, chú ý, toàn bộ. Và trong chính viễn kiến đó bạn sẽ thấy cái gì đó, và việc thấy đó làm thay đổi bạn. Bạn không hỏi làm sao nữa. Đó là ý nghĩa khi Krishnamurti nói, “Phủ định là im lặng.” Sáng suốt là phủ định. Và khi một cái gì đó bị phủ định và không có gì được đặt vào thay thế, một cái gì đó đã bị phá huỷ đi và không có gì được đặt vào, được thay thế vào chỗ của nó, thế thì có im lặng - bởi vì có không gian. Có im lặng bởi vì cái cũ đã bị ném đi còn cái mới thì chưa được đem tới. Im lặng đó Phật gọi là shunyata.

Im lặng đó là cái trống rỗng, cái không. Và chỉ cái không đó mới có thể vận hành trong thế giới của chân lí. Ý nghĩ không thể vận hành ở đó. Ý nghĩ chỉ làm việc trong thế giới các vật, bởi vì ý nghĩ cũng là vật - tinh tế, nhưng nó cũng là vật chất. Đấy là lí do tại sao ý nghĩ có thể được ghi lại, đó là lí do tại sao ý nghĩ có thể được chuyển tiếp, được truyền đạt. Tôi có thể ném ý nghĩ vào bạn; bạn có thể giữ lấy nó, bạn có thể có nó. Nó có thể được cho và nhận, nó là chuyển trao được, bởi vì nó là vật. Nó là hiện tượng vật chất.

Cái trống rỗng không thể được đem đi cho, cái trống rỗng không thể nào bị ném vào bạn được. Bạn có thể tham gia vào nó, bạn có thể đi vào trong nó, nhưng không ai có thể đem nó cho bạn. Nó là không chuyển trao được. Và chỉ có cái trống rỗng mới vận hành trong thế giới chân lí. Chân lí chỉ được biết tới khi tâm trí không có đó. Để biết chân lí thì tâm trí phải dừng lại, nó phải chấm dứt hoạt động. Nó phải im lặng, tĩnh lặng, không chuyển động.

Ý nghĩ không thể nào vận hành trong chân lí, nhưng chân lí có thể vận hành qua ý nghĩ. Bạn không thể nào đạt tới chân lí bằng suy nghĩ, nhưng khi bạn đã đạt tới nó bạn có thể dùng suy nghĩ trong phục vụ của nó. Đó là điều tôi đang làm, đó là điều Phật đã làm, đó là điều tất cả các thầy đã làm.

Điều tôi đang nói là ý nghĩ, nhưng đằng sau ý nghĩ này là cái trống rỗng. Cái trống rỗng đó không do ý nghĩ sản sinh ra, cái trống rỗng đó vượt ra ngoài ý nghĩ. Ý nghĩ không thể động chạm tới nó được, ý nghĩ thậm chí không thể nhìn vào nó.

Bạn đã bao giờ quan sát một hiện tượng chưa? - đó là bạn không thể nào nghĩ được về cái trống rỗng, bạn không thể nào làm cho cái trống rỗng thành một ý nghĩ. Bạn không thể nào nghĩ về nó, nó là điều không thể nghĩ được. Nếu bạn có thể nghĩ về nó, nó sẽ không còn là trống rỗng chút nào nữa. Ý nghĩ phải ra đi để cho cái trống rỗng tới; chúng chưa bao giờ gặp nhau. Một khi cái trống rỗng đã tới, thì nó có thể dùng mọi loại phương cách để diễn tả mình.

Hiểu thấu là trạng thái của vô ý nghĩ. Bất kì khi nào bạn thấy cái gì đó, bạn bao giờ cũng thấy khi không có ý nghĩ. Tại đây cũng vậy, lắng nghe tôi, ở cùng với tôi, đôi khi bạn thấy. Nhưng những khoảnh khắc đó là lỗ hổng, khoảng hở. Một ý nghĩ đã qua, ý nghĩ khác còn chưa tới, và có lỗ hổng; và trong lỗ hổng đó một cái gì đó nhoáng lên, một cái gì đó bắt đầu rung động. Âm thanh đẹp đẽ đó đi tới là do được tạo ra từ cái trống rỗng. Khi bạn có đó, không có ý nghĩ, thế thì cái gì đó là có thể, lập tức có thể.

Thế thì bạn có thể thấy điều tôi đang nói. Thế thì nó sẽ không chỉ là lời nói nghe thấy, thế thì nó sẽ trở thành trực giác, hiểu thấu, viễn kiến. Bạn đã nhìn vào trong nó, bạn đã chia sẻ với tôi.

Hiểu thấu là trạng thái vô suy nghĩ, không ý nghĩ. Nó là lỗ hổng, khoảng hở trong quá trình suy nghĩ, và trong lỗ hổng đó là cái thoáng nhìn, chân lí. Từ tiếng Anh trống rỗng bắt nguồn từ một gốc có nghĩa là giải trí, nhàn rỗi. Nó là một từ hay nếu bạn đi về gốc rễ. Gốc rễ là rất hàm chứa: nó có nghĩa là giải trí, nhàn rỗi. Bất kì khi nào bạn nhàn rỗi, giải trí, bạn đều trống rỗng. Và nhớ lấy, câu ngạn ngữ nói rằng tâm trí trống rỗng là xưởng thợ của quỉ hoàn toàn vô nghĩa.

Chính cái đối lập mới là chân lí: tâm trí bận bịu là xưởng thợ của quỉ. Tâm trí trống rỗng là xưởng thợ của Thượng đế, không phải là của quỉ. Nhưng bạn phải hiểu điều tôi ngụ ý bởi ‘trống rỗng’ - giải trí, thảnh thơi, không căng thẳng, không chuyển động, không ham muốn, không đi đâu cả, chỉ ở đây, hoàn toàn ở đây. Tâm trí trống rỗng là sự hiện diện thuần khiết. Và tất cả đều có thể trong sự hiện diện thuần khiết đó, bởi vì toàn bộ sự tồn tại bắt nguồn từ sự hiện diện thuần khiết đó.

Những cây này trưởng thành lên từ sự hiện diện thuần khiết đó, những vì sao này được sinh ra từ sự hiện diện thuần khiết đó; chúng ta đang ở đây - tất cả chư phật đã bắt nguồn từ sự hiện diện thuần khiết này. Trong sự hiện diện thuần khiết đó bạn là trong Thượng đế, bạn là Thượng đế. Bận bịu, bạn sa ngã; bận bịu, bạn bị trục xuất ra khỏi vườn Địa đàng. Nhàn rỗi bạn quay trở lại vườn này, nhàn rỗi bạn quay trở về nhà.

Khi tâm trí không bận bịu bởi thực tại, bởi mọi vật, bởi ý nghĩ, thế thì có cái đang đấy. Và cái đang đấy là chân lí. Chỉ trong trống rỗng mới có gặp gỡ, hội nhập. Chỉ trong trống rỗng bạn mới cởi mở với chân lí và chân lí đi vào trong bạn. Chỉ trong trống rỗng bạn mới trở thành hàm chứa với chân lí.

Có ba trạng thái của tâm trí. Trạng thái thứ nhất là nội dung và tâm thức. Bạn bao giờ cũng có nội dung trong tâm trí - ý nghĩ chuyển động, ham muốn nảy sinh, giận dữ, tham lam, tham vọng. Bạn bao giờ cũng có nội dung nào đó trong tâm trí; tâm trí chưa bao giờ nhàn rỗi cả. Giao thông cứ tiếp diễn, ngày tới, ngày đi. Trong khi tỉnh nó có đấy, trong khi ngủ nó có đấy. Trong khi tỉnh bạn gọi nó là suy nghĩ, trong khi ngủ bạn gọi nó là mơ - cũng vẫn cùng một quá trình ấy thôi. Mơ có chút ít nguyên thuỷ hơn, đó là tất cả - bởi vì nó nghĩ dưới dạng hình ảnh. Nó không dùng khái niệm, nó dùng hình ảnh.

Nó nguyên thuỷ hơn; giống như trẻ con nghĩ dưới dạng hình ảnh. Cho nên trong sách cho trẻ con bạn phải làm bức tranh lớn, mầu sắc, bởi vì chúng nghĩ qua hình ảnh. Qua hình ảnh chúng sẽ học từ ngữ. Dần dần những hình ảnh đó trở nên bé dần đi, và thế rồi chúng biến mất. Con người nguyên thuỷ cũng nghĩ theo hình ảnh.

Ngôn ngữ cổ đại nhất là ngôn ngữ hình ảnh. Tiếng Trung quốc là ngôn ngữ hình ảnh: nó không có bảng chữ cái. Nó là ngôn ngữ cổ đại nhất. Trong đêm bạn lần nữa trở thành nguyên thuỷ; bạn quên mất cái phức tạp của ban ngày và bạn bắt đầu nghĩ theo hình ảnh - nhưng nó là một.

Và hiểu thấu của các nhà phân tâm là có giá trị - rằng người đó nhìn vào trong giấc mơ của bạn. Thế thì có nhiều chân lí hơn, bởi vì bạn nguyên thuỷ hơn; bạn không cố gắng lừa dối bất kì ai, bạn chân thực hơn. Ban ngày bạn có một cá tính bao quanh mình để che dấu mình - hết tầng cá tính nọ đến tầng cá tính kia. Rất khó để tìm ra con người thật. Bạn sẽ phải đào sâu vào, và điều đó làm tổn thương, và con người sẽ kháng cự.

Nhưng trong đêm, ngay khi bạn cởi quần áo ra đi ngủ, bạn cũng cởi bỏ luôn cá tính của mình đi nữa. Nó không cần nữa bởi vì bạn sẽ không trao đổi với bất kì ai, bạn sẽ một mình trong giường. Và bạn sẽ không trong thế giới, bạn sẽ tuyệt đối đơn độc trong cõi riêng tư của mình.

Không cần phải che dấu và không cần giả vờ. Đó là lí do tại sao các nhà phân tâm cứ cố gắng đi vào trong giấc mơ của bạn, bởi vì chúng bầy tỏ được rõ ràng hơn nhiều về bạn là ai. Nhưng đấy cũng lại là cùng trò chơi được chơi trong ngôn ngữ khác mà thôi; trò chơi đâu có khác biệt. Đây là trạng thái thông thường của tâm trí: tâm trí và nội dung, tâm thức cộng với nội dung.

Trạng thái thứ hai của tâm trí là tâm thức không nội dung; đó chính là điều thiền là gì. Bạn hoàn toàn tỉnh táo, và có lỗ hổng, khoảng hở. Không ý nghĩ nào đi vào, không có ý nghĩ trước bạn. Bạn không ngủ, bạn tỉnh thức - nhưng không có ý nghĩ. Đây là thiền. Trạng thái đầu tiên được gọi là tâm trí, trạng thái thứ hai được gọi là thiền.

Và rồi còn có trạng thái thứ ba. Khi nội dung đã biến mất, khách thể đã biến mất, chủ thể không thể nào còn lại lâu được - bởi vì chúng tồn tại cùng nhau. Chúng tạo ra lẫn nhau. Khi chủ thể là một mình thì nó chỉ lơ lửng đâu đó thêm một chút nữa, giống như còn lại cái đà của quá khứ. Không có nội dung thì ý thức không thể nào có đó lâu được; nó sẽ không được cần tới nữa, bởi vì ý thức bao giờ cũng là một ý thức về cái gì đó. Khi bạn nói ‘ý thức’, người ta có thể hỏi “Về cái gì?” Bạn nói, “Tôi đang ý thức về...” Khách thể đó là cần thiết, nó là cái phải có cho chủ thể tồn tại. Một khi khách thể đã biến mất, chẳng bao lâu chủ thể cũng sẽ biến mất. Trước hết nội dung ra đi, thế rồi ý thức biến mất.

Thế thì trạng thái thứ ba được gọi là samadhi - không nội dung, không ý thức. Nhưng nhớ lấy, cái không nội dung này, không ý thức này, không phải là trạng thái vô ý thức. Nó là trạng thái của siêu ý thức, của ý thức siêu việt. Tâm thức bây giờ chỉ là tâm thức về chính nó. Tâm thức đã biến thành chính nó; vòng tròn được hoàn chỉnh. Bạn đã về tới nhà. Đây là trạng thái thứ ba, samadhi; và trạng thái thứ ba này là cái mà Phật ngụ ý bởi shunyata. Trước hết gạt bỏ nội dung - bạn trở thành nửa trống rỗng, thế rồi gạt bỏ ý thức - bạn trở thành trống rỗng hoàn toàn. Và cái trống rỗng hoàn toàn này là điều đẹp đẽ nhất có thể xảy ra, phúc lành lớn nhất.

Trong cái không này, trong cái trống rỗng này, trong cái không có cái ta này, trong cái shunyata này, có an toàn và ổn định hoàn toàn. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết về điều này - an toàn và ổn định đầy đủ khi bạn không có đó. Tất cả mọi sợ hãi đều biến mất... bởi vì sợ hãi cơ bản là đâu? Sợ hãi cơ bản là sợ cái chết. Tất cả các sợ hãi khác đều chỉ là phản ánh của cái sợ cơ bản này. Tất cả các sợ hãi khác đều có thể qui về một cái sợ: sợ chết, sợ rằng, “Một ngày nào đó mình phải biến mất, một ngày nào đó mình phải chết. Mình đang đây, rồi một ngày sẽ tới khi mình sẽ không còn đó” - điều đó gây khiếp sợ, đó là sợ hãi.

Để tránh cái sợ đó chúng ta bắt đầu chuyển động theo cách để cho ta có thể sống lâu nhất có thể được. Và chúng ta cố gắng làm cho cuộc sống mình thành an toàn - chúng ta bắt đầu thoả hiệp, chúng ta bắt đầu trở nên ngày một an ninh, an toàn hơn, bởi cái sợ đó. Chúng ta trở nên bị tê liệt, bởi vì bạn càng an toàn hơn, bạn càng an ninh hơn, thì bạn sẽ càng kém sống động hơn.

Cuộc sống tồn tại trong thách thức, cuộc sống tồn tại trong khủng hoảng, cuộc sống cần bất an. Nó trưởng thành trong mảnh đất của bất an. Bất kì khi nào bạn bất an, thì bạn sẽ thấy mình sống động hơn, tỉnh táo hơn. Đó là lí do tại sao người giầu trở thành đờ đẫn: một loại đần độn và một loại ngẩn ngơ bao quanh họ. Họ an toàn quá, chẳng còn thách thức nào nữa. Họ an toàn quá, họ không cần đến thông minh nữa. Họ an toàn quá - vậy họ cần thông minh để làm gì? Thông minh chỉ cần tới khi có thách thức, thông minh được gợi ra từ thách thức.

Cho nên do sợ chết chúng ta cố gắng để được an ninh, để có số dư ngân hàng, để có bảo hiểm, hôn nhân, để có cuộc sống định cư, để có nhà; chúng ta trở thành một phần của quốc gia, chúng ta gia nhập đảng phái chính trị, chúng ta gia nhập nhà thờ tôn giáo - chúng ta trở thành người Hindu, người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo. Có đủ mọi cách để tìm ra an ninh. Có đủ mọi cách để tìm ra chỗ nào đó mà thuộc vào - quốc gia, nhà thờ. Bởi sợ hãi này mà các chính khách và tu sĩ khai thác bạn mãi. Nếu bạn không sợ gì, không chính khách, không tu sĩ nào có thể khai thác bạn được. Chính chỉ do sợ hãi mà ông ta mới có thể khai thác được bởi vì ông ta có thể cung cấp - ít nhất thì ông ta cũng có thể hứa - rằng điều này sẽ làm cho bạn an toàn: “Điều này sẽ là an ninh của bạn. Tôi có thể đảm bảo.” Hàng có thể chẳng bao giờ được giao - đấy lại là việc khác - nhưng cứ hứa đã... Và lời hứa giữ mọi người bị khai thác, bị áp bức. Lời hứa giữ mọi người trong nô lệ.

Một khi bạn đã biết cái trống rỗng bên trong này thì không còn sợ hãi nữa, bởi vì cái chết đã xảy ra rồi. Trong cái trống rỗng đó nó đã xảy ra. Trong cái trống rỗng đó bạn đã biến mất. Làm sao bạn có thể sợ gì thêm nữa được? Về cái gì? Về ai? Và ai có thể đáng sợ? Trong cái trống rỗng này tất cả mọi sợ hãi đều biến mất bởi vì cái chết đã xảy ra. Bây giờ không còn cái chết nào có thể có nữa. Bạn cảm thấy một loại bất tử, vô thời gian. Cái vĩnh hằng đã tới. Bây giờ bạn không tìm kiếm an ninh nữa; không cần nữa. Đây là trạng thái của sannyasin. Đây là trạng thái một người không cần là một phần của một quốc gia, không cần là một phần của nhà thờ, hay những thứ xuẩn ngốc như thế.

Chỉ khi bạn đã trở thành cái không, bạn mới có thể là chính mình. Điều này có vẻ như nghịch lí. Và bạn không cần phải thoả hiệp, bởi vì chính từ sợ hãi và tham lam mà người ta mới thoả hiệp. Và bạn có thể sống trong nổi dậy bởi vì không có gì để mất cả. Bạn có thể trở thành việc nổi dậy; không có gì để sợ cả.

Không ai có thể giết bạn, tự mình bạn đã làm điều đó rồi. Không ai có thể lấy bất kì cái gì khỏi bạn được; bạn đã loại bỏ tất cả những cái mà có thể lấy đi khỏi bạn. Bây giờ bạn trong cái không, bạn là cái không. Do đó mới có hiện tượng nghịch lí này: rằng trong cái không này nảy sinh an ninh lớn, an toàn lớn, ổn định - bởi vì không còn cái chết nào có thể có nữa.

Và với cái chết, thời gian biến mất. Với cái chết thì tất cả các vấn đề mà đã từng do cái chết và thời gian tạo ra cũng biến mất. Trong thức tỉnh của tất cả những cái biến mất này, cái còn lại là bầu trời thuần khiết. Bầu trời thuần khiết này là samadhi, niết bàn. Phật đang nói về điều này.

Những lời kinh này đã được dành cho một trong các đại đệ tử của Phật, Sariputra*. Tại sao Sariputra? Ngày đầu tiên tôi đã nói cho các bạn rằng có bẩy bình diện, bẩy bậc của chiếc thang. Bậc thứ bẩy là siêu việt: Thiền, Mật tông, Đạo. Bậc thứ sáu là siêu việt tâm linh: yoga. Cho tới bậc thứ sáu, phương pháp vẫn còn quan trọng, ‘làm sao’ vẫn còn là quan trọng. Cho tới bậc thứ sáu, kỉ luật vẫn còn quan trọng, lễ nghi vẫn còn quan trọng, kĩ thuật vẫn còn quan trọng. Chỉ khi bạn đạt tới bậc thứ bẩy, bạn mới thấy rằng chẳng cần gì hết.

Sariputra được nói tới trong những lời kinh này bởi vì Sariputra đã ở trung tâm thứ sáu, bậc thứ sáu. Ông ấy là một trong những đại đệ tử của Phật. Phật có tám mươi đại đệ tử; Sariputra là một trong những người chính trong số tám mươi người này. Ông ấy là người hiểu biết nhất quanh Phật. Ông ấy là học giả lớn nhất quanh Phật. Khi ông ấy tới với Phật, bản thân ông ấy có năm nghìn đệ tử.

Khi ông ấy tới với Phật lần đầu tiên, ông ấy tới để tranh luận, để tranh cãi và đánh bại Phật. Ông ấy tới với năm nghìn đệ tử của mình - để gây ấn tượng. Và khi ông ấy đứng trước Phật, Phật cười to. Và Phật nói với ông ấy, “Sariputra, ông biết nhiều đấy, nhưng ông chẳng biết gì cả. Ta có thể thấy ông đã tích luỹ khối lượng tri thức lớn, nhưng ông thì trống rỗng. Ông đã tới để thảo luận và tranh luận và để đánh bại ta, nhưng nếu ông thực sự muốn thảo luận với ta, ông sẽ phải đợi ít nhất là một năm.”

Sariputra nói, “Một năm sao? Để làm gì?”

Phật nói, “Ông sẽ phải giữ im lặng trong một năm; điều đó sẽ là cái giá phải trả. Nếu ông có thể giữ im lặng trong một năm thì ông có thể thảo luận với ta, bởi vì điều ta định nói với ông sẽ tới từ im lặng. Ông cần có một chút ít kinh nghiệm về nó. Và ta thấy, Sariputra, ông thậm chí còn chưa nếm trải một khoảnh khắc im lặng. Ông tràn đầy với tri thức thế, đầu ông nặng nề thế. Ta cảm thấy thương hại ông, Sariputra. Ông đã mang tải trọng nặng thế trong nhiều kiếp rồi. Ông là brahmin không chỉ trong kiếp này, Sariputra, ông đã từng là brahmin trong nhiều kiếp rồi. Và trong nhiều kiếp ông đã mang Veda và các kinh sách. Nó đã là phong cách sống của ông trong nhiều kiếp... nhưng ta thấy một khả năng. Ông là người hiểu biết, nhưng vậy mà điều hứa hẹn vẫn có đó. Ông là người hiểu biết, nhưng tri thức của ông vẫn chưa khoá kín hoàn toàn bản thể ông; vẫn còn vài cửa sổ để mở. Ta muốn, trong một năm, lau sạch những cửa sổ này, và thế thì có khả năng cho sự gặp gỡ, cho việc nói chuyện và việc hiện hữu của chúng ta. Ông ở lại đây một năm đi.”

Điều này thật kì lạ. Sariputra đã từng du hành trên khắp nước, đánh bại mọi người. Đó là một trong những sự việc ở Ấn Độ: người hiểu biết hay du hành khắp nước và đánh bại người khác trong những cuộc tranh luận và thảo luận lớn, những cuộc tranh luận trường kì. Và điều đó đã được coi như là một trong những sự việc vĩ đại phải làm. Nếu ai đó trở nên thắng lợi trên khắp nước và người ấy đánh bại tất cả các học giả thì đó là thoả mãn bản ngã lớn lao. Con người đó được coi là vĩ đại hơn cả vua, hoàng đế. Con người đó được coi là vĩ đại hơn người giầu có.

Sariputra đã du hành. Và một cách tự nhiên, bạn không thể nào tự tuyên bố mình là người thắng lợi nếu bạn còn chưa đánh bại Phật. Cho nên ông ấy đã tới vì điều đó. Cho nên ông ấy nói, “Được thôi, nếu tôi phải đợi một năm, thì tôi sẽ đợi.” Và trong một năm ông ấy đã ngồi đó trong im lặng với Phật. Trong một năm, im lặng đã lắng đọng trong ông ấy.

Và sau một năm Phật hỏi ông ta, “Bây giờ chúng ta có thể thảo luận và ông có thể đánh bại ta, Sariputra. Ta sẽ sung sướng vô cùng được ông đánh bại.”

Còn ông ấy thì cười lớn và cúi đầu chạm chân Phật và nói, “Xin thầy điểm đạo cho tôi. Trong một năm im lặng này, lắng nghe thầy, đã có vài khoảnh khắc khi sáng suốt xảy ra trong tôi. Mặc dầu tôi đã tới như một đối thủ, tôi đã nghĩ, “Trong khi mình đang ở đây ngồi im suốt một năm, tại sao lại không lắng nghe con người này, điều người ấy đang nói?” Cho nên từ tò mò mà tôi bắt đầu lắng nghe. Nhưng đôi khi những khoảnh khắc đó tới và thầy thấm vào tôi, và thầy chạm tới trái tim tôi, và thầy chơi trên chiếc đàn bên trong tôi, và tôi đã nghe thấy âm nhạc. Thầy đã đánh bại tôi mà không làm tôi thất bại.”

Sariputra trở thành đệ tử của Phật, và năm nghìn đệ tử của ông ấy cũng trở thành đệ tử của Phật. Sariputra là một trong những học giả rất nổi tiếng thời đó. Những lời kinh này nói về Sariputra. Tại đây, này Sariputra, hình dạng là trống rỗng và chính trống rỗng là hình dạng; trống rỗng không khác hình dạng, hình dạng không khác trống rỗng; dù hình dạng là gì, đấy cũng là trống rỗng; dù trống rỗng là gì, đấy cũng là hình dạng; điều này cũng đúng cho cảm giác, cảm nhận, thôi thúc và tâm thức Tại đây, này Sariputra... Phật ngụ ý gì bởi ‘tại đây’? Ông ấy muốn nói tới không gian của mình. Ông ấy nói, “Từ viễn kiến về thế giới của ta, từ quan điểm siêu việt, không gian nơi ta hiện hữu và cái vĩnh hằng nơi ta hiện hữu...”

Tại đây, này Sariputra, hình dạng là trống rỗng và chính trống rỗng là hình dạng; Đây là một trong những điều khẳng định quan trọng nhất. Toàn bộ cách tiếp cận phật giáo đều phụ thuộc vào điều này: rằng cái biểu hiện là cái không biểu hiện; rằng hình dạng không là gì ngoài hình dạng của bản thân cái trống rỗng, và cái trống rỗng thì cũng chẳng là gì ngoài hình dạng, khả năng của hình dạng. Phát biểu này là phi logic và dường như hiển nhiên là vô nghĩa. Làm sao hình dạng có thể là trống rỗng được? Chúng là những điều đối lập. Làm sao cái trống rỗng có thể là hình dạng được?

Chúng là các cực. Một điều cần phải được hiểu trước khi chúng ta đi vào trong lời kinh cho đúng: Phật là không logic, Phật là biện chứng.

Có hai cách tiếp cận tới thực tại: một cách là logic. Từ cách tiếp cận đó, Aristotle là người cha ở phương Tây. Nó đơn giản đi theo đường thẳng, một đường dứt khoát. Nó không bao giờ cho phép cái đối lập; cái đối lập phải bị loại bỏ. Cách tiếp cận này nói A là A và không bao giờ là không A. A không thể là không A được. Đây là một công thức của trường phái logic Aristotle - và nó có vẻ hoàn toàn phải, bởi vì chúng ta đã từng lớn lên với logic đó trong nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Thế giới này bị Aristotle thống trị: A là A và không bao giờ là không A.

Cách tiếp cận thứ hai tới thực tại là biện chứng. Tại phương Tây cách tiếp cận đó được gắn với tên của Heraclitus, Hegel. Quá trình biện chứng nói: cuộc sống chuyển vận qua các cực, qua những điều đối lập - giống như sông chảy qua hai bờ đối lập với nhau, nhưng những bờ đối lập đều giữ cho sông tuôn chảy giữa chúng. Điều này mang tính tồn tại nhiều hơn. Điện có hai cực, dương và âm. Nếu logic của Aristotle là của sự tồn tại, thế thì điện là rất, rất phi logic. Thế thì bản thân Thượng đế là phi logic, bởi vì ngài tạo ra cuộc sống mới từ gặp gỡ của đàn ông và đàn bà, là những phía đối lập - âm và dương, đực và cái. Nếu như Thượng đế do Aristotle dựng nên theo logic của trường phái Aristole, theo logic tuyến tính, thế thì đồng dục sẽ là qui tắc còn dị dục sẽ là truỵ lạc. Thế thì đàn ông sẽ yêu đàn ông và đàn bà sẽ yêu đàn bà. Thế thì các phía đối lập không thể gặp gỡ.

Nhưng Thượng đế là biện chứng. Tại mọi nơi, các phía đối lập đều gặp gỡ. Trong bạn, sinh và tử đang gặp gỡ. Tại mọi nơi, các phía đối lập đều gặp gỡ - ngày và đêm, mùa hè và mùa đông. Gai nhọn và hoa hồng, chúng gặp gỡ; chúng đều trên cùng một cành, chúng phát xuất từ cùng một nguồn gốc. Đàn ông và đàn bà, tuổi thanh niên và tuổi già, cái đẹp và cái xấu, thân thể và linh hồn, thế giới và Thượng đế - tất cả đều là đối lập. Đây là bản giao hưởng của các phía đối lập. Các phía đối lập không chỉ gặp gỡ mà còn tạo ra bản giao hưởng vĩ đại - chỉ các phía đối lập mới có thể tạo ra bản giao hưởng. Ngược lại thì cuộc sống sẽ đơn điệu, không phải là bản giao hưởng.

Cuộc sống sẽ là nhàm chán. Nếu chỉ có một nốt nhạc cứ liên tục lặp lại, nhất định sẽ tạo ra chán ngấy. Có các nốt đối lập: chính đề gặp phản đề, tạo ra sự tổng hợp; và trong việc quay lại riêng của nó, tổng hợp lại trở thành chính đề, lại tạo ra phản đề, và tổng hợp cao hơn tiến hoá tiếp. Đó là cách cuộc sống chuyển vận.

Vậy cách tiếp cận của Phật là biện chứng, và nó mang tính tồn tại nhiều hơn, đúng hơn, hợp lệ hơn. Đàn ông yêu đàn bà, đàn bà yêu đàn ông - thế thì một cái gì đó khác cần phải được hiểu nữa. Bây giờ các nhà sinh học nói, và các nhà tâm lí cũng đồng ý, rằng đàn ông không chỉ là đàn ông, anh ta là đàn bà nữa. Và đàn bà không chỉ là đàn bà, cô ấy là đàn ông nữa. Cho nên khi đàn ông và đàn bà gặp nhau, không chỉ có hai người gặp nhau mà là bốn người gặp nhau. Đàn ông gặp với đàn bà, nhưng đàn ông có đàn bà ẩn trong mình; đàn bà cũng có người đàn ông ẩn trong mình; họ cũng gặp nhau nữa.

Gặp gỡ là trên các bình diện kép. Điều ấy thực chất hơn, phức tạp hơn, xoắn xuýt hơn. Con người là đàn ông và đàn bà, cả hai. Sao vậy? - bởi vì người đó xuất phát từ cả hai. Một cái gì đó đã được đóng góp cho bạn từ bố bạn và một cái gì đó đã được đóng góp cho bạn từ mẹ bạn, dù bạn là ai. Đàn ông chảy trong máu bạn và đàn bà nữa cũng chảy trong máu bạn. Bạn phải là cả hai bởi vì bạn là gặp gỡ của các cực đối lập. Bạn là tổng hợp! Không thể nào chối bỏ cực này và chỉ lấy cực kia. Đó là điều đã được làm.

Aristotle đã được tuân theo đúng từng chữ, theo đủ mọi cách, và điều đó đã tạo ra nhiều vấn đề cho con người - và những vấn đề như thế dường như không thể nào giải quyết nổi nếu Aristotle được tuân theo. Đàn ông đã được dạy phải là đàn ông: không bao giờ được tỏ ra có nét nữ tính nào, không bao giờ được tỏ ra mềm yếu của trái tim, không bao giờ được tỏ ra bất kì sự tiếp thu nào, bao giờ cũng phải năng nổ. Đàn ông đã được dạy không bao giờ được khóc lóc, không bao giờ được yếu lòng - bởi vì nước mắt là nữ tính. Đàn bà đã được dạy không bao giờ được giống như đàn ông theo bất kì cách nào: không bao giờ được tỏ ra hung hăng, không bao giờ được tỏ ra biểu lộ, bao giờ cũng phải thụ động, tiếp thu. Điều này là chống lại thực tại, và điều này làm què quặt cả hai.

Trong một thế giới tốt đẹp hơn, với hiểu biết tốt hơn, đàn ông sẽ là cả hai, đàn bà sẽ là cả hai - bởi vì đôi khi đàn ông cũng cần là đàn bà. Có những khoảnh khắc anh ta cần mềm mỏng - những khoảnh khắc tế nhị, khoảnh khắc yêu đương. Và có những khoảnh khắc đàn bà cần phải diễn đạt và hùng hổ - trong giận dữ, trong phòng ngự, trong nổi dậy. Nếu đàn bà chỉ đơn giản thụ động, thế thì cô ấy sẽ tự động biến thành nô lệ. Người đàn bà thụ động nhất định trở thành nô lệ - đó là điều đã xảy ra qua nhiều thời đại. Và người đàn ông hùng hổ, nhấn mạnh vào tính hùng hổ và không bao giờ tế nhị, nhất định tạo ra chiến tranh, điên khùng trong thế giới, bạo hành.

Con người đã đánh nhau, liên tục đánh nhau; dường như là con người tồn tại trên trái đất chỉ để đánh nhau. Trong ba nghìn năm đã có năm nghìn cuộc chiến tranh! Chiến tranh liên tục chỗ này chỗ khác, trái đất chưa bao giờ là toàn bộ và lành mạnh... chưa bao giờ có khoảnh khắc nào không chiến tranh. Hoặc chiến tranh ở Triều tiên, hoặc nó ở Việt Nam, hay ở Israel, ở Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh; đâu đó việc tàn sát vẫn cứ tiếp tục. Con người phải giết người. Để còn là con người, anh ta phải giết người. Bẩy mươi nhăm phần trăm năng lượng được đổ vào trong nỗ lực chiến tranh, trong việc tạo ra nhiều bom hơn, nhiều bom khinh khí hơn, nhiều bom neutron hơn, vân vân và vân vân. Dường như là toàn bộ mục đích của con người ở đây trên trái đất này là chiến tranh. Anh hùng chiến tranh được tôn kính nhất. Các chính khách chiến tranh trở thành những tên tuổi vĩ đại trong lịch sử: Adolf Hitler, Winston Churchill, Joseph Stalin, Mao Trạch Đông - những tên tuổi này còn định lưu lại. Tại sao? - bởi vì họ đã đấu tranh trong những cuộc chiến lớn, họ huỷ diệt. Dù là trong xâm lược hay trong bảo vệ - đấy không phải là vấn đề - nhưng họ là những kẻ hiếu chiến. Và chẳng ai biết người nào là kẻ xâm lược - liệu người Đức có là kẻ xâm lược hay không, tất cả đều phụ thuộc vào người viết ra lịch sử. Bất kì ai thắng đều sẽ viết ra lịch sử, và người ấy sẽ chứng minh kẻ kia là kẻ xâm lược. Lich sử sẽ hoàn toàn khác đi nếu như Adolf Hitler thắng lợi. Thế đấy, toà án Nuremburg sẽ có đấy nhưng các tướng lĩnh và chính khách Mĩ, Anh và Pháp sẽ bị ra toà. Và lịch sử sẽ do người Đức viết ra; một cách tự nhiên họ sẽ có viễn kiến khác.

Chẳng ai biết cái gì là đúng cả. Một điều là chắc chắn: rằng con người trút toàn bộ năng lượng của mình vào nỗ lực chiến tranh. Lí do sao? - lí do là ở chỗ con người đã được dạy chỉ là đàn ông, phần đàn bà của con người đã bị chối bỏ. Cho nên không đàn ông nào là một tổng thể. Và đàn bà thì cũng vậy - không đàn bà nào là một tổng thể. Cô ấy đã bị làm cho chối bỏ phần đàn ông của mình. Khi cô ấy còn là đứa trẻ nhỏ cô ấy đã không thể nào đánh nhau với tụi con trai, cô ấy không thể nào trèo lên cây; cô ấy phải chơi với búp bê, cô ấy phải chơi trò chơi ‘nhà cửa’. Đây là một viễn kiến rất, rất méo mó.

Đàn ông là cả hai, đàn bà cũng vậy - và cả hai đều cần tạo ra một con người hài hoà, chân thực. Sự tồn tại là biện chứng; và các phía đối diện không chỉ là đối diện, chúng là phần bù cho nhau nữa.

Phật nói: Tại đây, này Sariputra - trong thế giới của ta, Sariputra, trong không gian của ta, trong thời gian của ta, Sariputra, tại bậc thứ bẩy của chiếc thang, trong trạng thái vô trí này, trong trạng thái samadhi này, trong trạng thái của niết bàn này, của chứng ngộ này - hình dạng là trống rỗng. Đàn ông là đàn bà và đàn bà là đàn ông, và cuộc sống là cái chết và cái chết là cuộc sống. Các phía đối lập không phải là đối lập, Sariputra; chúng đang đan xuyên lẫn nhau, chúng tồn tại qua nhau. Để chỉ ra sáng suốt này Phật nói: Hình dạng là vô hình dạng, và vô hình dạng là hình dạng; cái không biểu lộ trở thành biểu lộ, và cái biểu lộ lại trở thành không biểu lộ. Chúng không khác nhau, Sariputra, chúng là một. Cái nhị nguyên chỉ là bề ngoài. Sâu bên trong tất cả nó là một; trống rỗng không khác hình dạng, hình dạng không khác trống rỗng; dù hình dạng là gì, đấy cũng là trống rỗng; dù trống rỗng là gì, đấy cũng là hình dạng; điều này cũng đúng cho cảm giác, cảm nhận, thôi thúc và tâm thức.

Toàn bộ cuộc sống và toàn bộ sự tồn tại bao gồm các cực đối lập, nhưng chỉ trên bề mặt chúng mới khác nhau. Các phía đối lập này giống như hai tay tôi: tôi có thể đối lập chúng với nhau, tôi thậm chí có thể xoay xở tạo ra một loại xung đột, đánh nhau giữa chúng. Nhưng tay trái và tay phải của tôi cả hai đều là tay tôi. Bên trong tôi, chúng là một. Đây đích thị là trường hợp này.

Tại sao Phật nói điều này cho Sariputra? - bởi vì nếu bạn hiểu điều này, lo nghĩ của bạn sẽ biến mất. Thế thì không có lo nghĩ. Cuộc sống là cái chết, cái chết là cuộc sống. Hiện hữu là một cách hướng tới không hiện hữu, và không hiện hữu là cách hướng tới hiện hữu. Đấy là cùng một trò chơi. Thế thì không có sợ hãi, thế thì không có vấn đề gì. Với sáng suốt này, chấp nhận lớn nảy sinh.

Tại đây, này Sariputra,

mọi pháp đều được đánh dấu bởi trống rỗng;

chúng không được tạo ra hay bị chặn lại,

không vẩn đục hay tinh khiết,

không khiếm khuyết hay hoàn chỉnh

Phật nói: Tất cả các pháp đều tràn đầy sự trống rỗng. Cái không đó tồn tại ở chính cốt lõi của mọi thứ: cái không đó tồn tại trong cây cối, cái không đó tồn tại trong tảng đá, cái không đó tồn tại trong ngôi sao. Bây giờ các nhà khoa học sẽ đồng ý: họ nói rằng khi một ngôi sao sụp đổ, nó trở thành lỗ đen, cái không. Nhưng cái không đó không chỉ là cái không; nó có sức mạnh mênh mông, nó rất đầy đặn, tràn ngập.

Khái niệm, giả thuyết về lỗ đen, là có giá trị mênh mông trong việc hiểu Phật. Một ngôi sao tồn tại trong hàng triệu, hàng tỉ năm, nhưng một ngày nào đó nó phải chết. Mọi thứ được sinh ra đều phải chết. Con người tồn tại trong bẩy mươi năm, thế rồi cái gì xảy ra? Cạn kiệt, mệt mỏi, người ấy biến mất, người ấy rơi trở lại vào số một nguyên thuỷ. Cho nên điều đó đang sắp xảy ra cho mọi thứ, chẳng chóng thì chầy. Rặng Himalayas sẽ biến mất một ngày nào đó, rồi trái đất này cũng sẽ biến mất một ngày nào đó, mặt trời này cũng sẽ biến mất một ngày nào đó. Nhưng khi ngôi sao lớn biến mất, nó sẽ biến đi đâu? Nó sụp đổ vào trong chính nó. Nó là một khối lượng lớn thế; nó sụp đổ. Giống như một người đang bước đi - một ông già - ngã trên phố và sụp đổ, nếu bạn để người đó ở đấy, chẳng chóng thì chầy thân thể người ấy sẽ biến mất, tan rã vào bùn, vào đất. Nếu bạn để nó ở đó nhiều năm, thế thì xương cũng sẽ biến thành cát bụi.

Người này đã có đó ngày nào đó, bước đi, sống động, yêu đương, đánh nhau, và bây giờ tất cả đã biến mất trong một lỗ đen. Điều như vậy cũng xảy ra cho ngôi sao: khi ngôi sao sụp đổ vào chính nó, nó trở thành lỗ đen. Tại sao nó được gọi là lỗ đen? - bởi vì bây giờ không còn khối lượng nữa, chỉ còn cái trống rỗng thuần khiết, điều Phật gọi là shunyata. Và shunyata, cái trống rỗng thuần khiết, mạnh mẽ đến mức nếu bạn tới dưới tác động của nó, gần nó, trong vùng lân cận của nó, bạn sẽ bị kéo vào, kéo vào trong cái trống rỗng đó, và bạn cũng sẽ sụp đổ và biến mất.

Với du hành không gian điều này sẽ là vấn đề cho tương lai, bởi vì có nhiều ngôi sao đã trở thành lỗ đen. Và bạn không thể nào thấy được nó bởi vì nó là cái không, nó chỉ là sự thiếu vắng. Bạn không thể thấy được nó, và bạn có thể đi qua nó. Nếu một con tầu không gian tới gần nó, dưới sức hút của nó, con tầu sẽ đơn giản bị kéo vào. Thế thì không có cách nào để thoát ra khỏi nó, không thể nào tìm được cách thoát ra khỏi nó. Sức kéo lớn thế, con tầu sẽ đơn giản bị kéo vào, và nó sẽ biến mất và sụp đổ. Và bạn sẽ chẳng bao giờ nghe nói về con tầu không gian nữa, nó đã đi đâu, điều gì đã xảy ra cho nó, điều gì đã xảy ra cho những du khách không gian.

Lỗ đen này là rất, rất giống với khái niệm về cái trống rỗng của Phật. Tất cả các hình dạng đều sụp đổ và biến mất vào trong lỗ đen, và thế rồi khi chúng đã nghỉ ngơi thời gian lâu, chúng lại nổi bọt lên - lần nữa ngôi sao lại được sinh ra. Điều này tiếp diễn: sống và chết, sống và chết - điều này tiếp diễn. Đây là cách sự tồn tại chuyển vận.

Ban đầu nó trở nên biểu lộ, thế rồi trở nên mệt mỏi, đi vào cái không biểu lộ, rồi lại phục hồi năng lượng của mình qua nghỉ ngơi, thảnh thơi, lần nữa lại trở thành biểu lộ. Cả ngày bạn làm việc, bạn trở nên mệt mỏi; ban đêm bạn biến mất trong giấc ngủ thành một lỗ đen. Bạn tắt đèn, bạn chui nhanh vào trong chăn, bạn nhắm mắt; thế rồi trong khoảnh khắc tâm thức biến đi. Bạn đã sụp đổ vào bên trong. Có những khoảnh khắc khi thậm chí cả giấc mơ cũng không có đó; thế thì giấc ngủ là sâu nhất.

Trong giấc ngủ sâu đó, bạn trong một lỗ đen, bạn chết. Trong lúc bạn đang trong cái chết, việc nghỉ ngơi xảy ra trong cái chết. Và thế rồi buổi sáng bạn trở lại, tràn đầy nhựa sống và khoan khoái và đầy sinh khí, tươi trẻ lại. Nếu bạn có giấc ngủ sâu, thực sự say không mơ mộng, thì buổi sáng tươi tắn, sinh động, rạng ngời, bạn lại trẻ trung. Nếu bạn biết cách ngủ sâu, bạn cũng biết cách phục hồi lại bản thân mình. Đến tối lần nữa bạn lại sụp đổ, mệt mỏi, cạn kiệt bởi hoạt động ban ngày.

Cùng điều ấy xảy ra cho mọi thứ. Con người là việc thu nhỏ của toàn bộ sự tồn tại. Điều xảy ra cho con người cũng xảy ra cho toàn bộ sự tồn tại trên qui mô lớn hơn, có vậy thôi. Mọi đêm bạn biến mất trong cái không, mọi sáng bạn trở lại hình dạng. Hình dạng, vô hình, hình dạng, vô hình; đây là cách cuộc sống chuyển vận, đó là hai bước.

Tại đây, này Sariputra,

mọi pháp đều được đánh dấu bởi trống rỗng;

chúng không được tạo ra hay bị chặn lại...

Và Phật đang nói: Chẳng phải làm gì cả, chỉ cần có hiểu biết.

Đây là một phát biểu cơ bản. Nó có thể làm biến đổi toàn bộ cuộc sống của bạn nếu bạn có thể thấy nó như sự sáng suốt.

... chúng không được tạo ra hay bị chặn lại...

Không ai tạo ra những hình dạng này, và không ai chặn lại những hình dạng này. Phật không tin vào Thượng đế như người thao tác, người điều khiển, đấng sáng tạo, không. Điều đó sẽ là nhị nguyên, giả thuyết không cần thiết. Phật nói điều đó xảy ra theo ý của nó; đấy là tự nhiên, không ai làm điều đó. Không phải là trước hết Thượng đế nghĩ, “Có ánh sáng” - như được nói trong Kinh thánh - thế là có ánh sáng. Và rồi một hôm ngài nói, “Bây giờ, không có ánh sáng,” và ánh sáng biến mất. Tại sao đem Thượng đế này vào? Và tại sao giaocho ngài công việc xấu thế? Và ngài sẽ phải làm điều đó mãi mãi và mãi mãi: “Có ánh sáng, không có ánh sáng, có ánh sáng...Bây giờ để người này ở đấy, bây giờ để người ấy chết” - bạn cứ thử nghĩ về ngài và cái chán của ngài mà xem! Phật an ủi Thượng đế, ông ấy nói điều đó là không cần thiết.

Đấy chỉ là tự nhiên. Cây đem tới hạt mầm, rồi hạt mầm lại đem tới cây, và cây lại đem tới hạt mầm. Hạt mầm là gì? Sự biến mất của cây; cây đã đi vào cái vô hình. Bạn có thể mang một hạt mầm trong túi mình, bạn có thể mang một nghìn hạt mầm trong túi, nhưng bạn không thể mang được một nghìn cây trong túi mình. Cây có hình dạng, tầm vóc, khối lượng; hạt mầm có cái không. Và nếu bạn nhìn vào trong hạt mầm, bạn sẽ chẳng thấy gì. Nếu bạn chưa hề thấy, chưa từng biết rằng hạt mầm trở thành cây, và ai đó đưa cho bạn một hạt mầm và nói, “Nhìn đây, hạt mầm này là rất, rất thần kì - nó có thể trở thành cây lớn, và sẽ có nhiều quả trong nhiều năm, có tán lá lớn rồi hoa và cây cỏ, rồi chim chóc sẽ tới làm tổ ở đó,” bạn sẽ nói, “Anh nói cái gì vậy? Mọc ra từ cái viên sỏi tí xíu này ư? Anh cho rằng tôi ngu lắm hay là cái gì khác? Làm sao điều đó có thể xảy ra được? Nó không thể xảy ra được.”

Nhưng bạn biết điều đó xảy ra, đó là lí do tại sao bạn không chú ý gì tới nó. Phép mầu đang xảy ra. Hạt mầm nhỏ bé này đang mang toàn bộ bản thiết kế cho cái cây, cho các chiếc lá - hình dạng và kích cỡ và số lượng - và cả các cành, cả hình dạng của cành, và chiều dài và chiều cao của cây, và cuộc sống, bao nhiêu quả, bao nhiêu hoa sẽ nở ra từ nó, bao nhiêu hạt mầm mà cuối cùng hạt mầm này sẽ tạo ra. Các nhà khoa học nói rằng dù chỉ một hạt mầm cũng đủ làm cho cả trái đất thành xanh tươi. Nó có tiềm năng mênh mông. Không chỉ toàn trái đất này - chỉ một hạt mầm cũng có thể lấp đầy tất cả các hành tinh bằng mầu xanh, bởi vì một hạt mầm có thể tạo ra hàng triệu hạt mầm, thế rồi từng hạt mầm này lại tạo ra hàng triệu hạt mầm nữa, và cứ thế tiếp diễn. Toàn bộ sự tồn tại có thể trở thành xanh tươi từ chỉ một hạt mầm. Cái không đó là rất tiềm năng, rất mạnh mẽ! Mênh mông! Khổng lồ! Bao la!

Phật nói không ai tạo ra nó và không ai chặn nó lại cả. Phật nói không cần phải đến đền đài và không cần phải cầu nguyện và bảo Thượng đế, “Làm cái này, đừng làm cái kia” - chẳng có ai cả. Và thông điệp của ông ấy là gì? Ông ấy nói, “Chấp nhận điều đó đi. Nó là như vậy. Nó là trong bản chất của mọi vật. Nó chỉ là tự nhiên, mọi vật tới rồi đi.”

Trong chấp nhận này, trong cái tathata này, trong cái phản ánh như thế, tất cả mọi lo nghĩ biến mất; bạn được tự do khỏi lo nghĩ. Thế thì không có vấn đề gì. Và không cái gì có thể bị chặn lại, và không cái gì có thể bị thay đổi, và không cái gì có thể được tạo ra. Mọi vật đều nhưchúng vẫn thế và mọi vật sẽ như chúng sẽ thế, cho nên chẳng có gì cho bạn làm cả. Bạn chỉ quan sát những vật này xảy ra. Bạn có thể tham dự vào trong những vật này.

Hiện hữu đi... trong hiện hữu đó có im lặng, trong hiện hữu đó có vui vẻ. Hiện hữu đó là tự do. chúng ... không vẩn đục hay tinh khiết...

Sự tồn tại này không dơ bẩn cũng chẳng tinh khiết. Không ai là tội nhân và không ai là thánh nhân. Sáng suốt của Phật là hoàn toàn cách mạng: ông ấy nói không gì có thể là dơ bẩn và không gì có thể là thuần khiết; mọi vật chỉ là như chúng vẫn thế. Đấy tất cả chỉ là trò chơi tâm trí mà chúng ta chơi thôi, chúng ta tạo ra ý tưởng về thuần khiết - và thế rồi cái dơ bẩn đến. Chúng ta tạo ra ý tưởng về thánh nhân - và thế thì tội nhân tới.

Bạn muốn tội nhân biến mất sao? Họ có thể biến mất chỉ khi thánh nhân của bạn đã biến mất, không trước đó đâu. Họ tồn tại cùng nhau. Bạn muốn vô đạo đức biến mất đi sao? - thế thì đạo đức cũng phải ra đi. Chính đạo đức tạo ra vô đạo đức. Chính các ý tưởng đạo đức tạo ra kết án cho một vài người không tuân theo chúng, người không thể đi với chúng. Và bạn có thể làm bất kì cái gì vô đạo đức - chỉ cần tạo ra một ý tưởng: Cái này là đạo đức. Bạn có thể làm một con bò linh thiêng từ bất kì cái gì, và thế thì nó trở thành một vấn đề.

Phật không nói gì về vẩn đục và không nói gì về tinh khiết cả. Thuần khiết, dơ bẩn, đều là thái độ của tâm trí. Bạn có thể nói được cây là đạo đức hay vô đạo đức? Bạn có thể nói được con vật là tội lỗi hay thánh nhân? Cố gắng thấy viễn kiến tối thượng này: không có tội nhân, không có thánh nhân, không có đạo đức, không có vô đạo đức. Trong chấp nhận này, lấy đâu ra khả năng lo nghĩ? Không có gì phải cải tiến cả! Và không có mục đích, bởi vì không có giá trị. Cuộc hành trình này là cuộc hành trình không có mục đích nào. Nó là cuộc hành trình thuần khiết; nó là vở kịch, một leela. Và không có ai đứng sau nó, làm nó. Tất cả đều xảy ra, và không có ai làm điều đó. Nếu người làm có đó, thế thì vấn đề nảy sinh - thế thì có cầu nguyện đến người làm. Thế thì có thuyết phục người làm, thế thì có việc trở thành thân thiết với người làm. Thế thì bạn sẽ được lợi, và những người không thân thiết với người làm sẽ bị túng quẫn - họ sẽ phải chịu đau khổ ở địa ngục. Đó là điều mà người Ki tô giáo, Hindu giáo, Mô ha mét giáo nghĩ. Người Mô ha mét giáo nghĩ những ai là người Mô ha mét giáo sẽ lên cõi trời còn những ai không phải Mô ha mét giáo, những anh chàng tội nghiệp, họ sẽ đi xuống địa ngục. Cũng thế trong trường hợp của người Ki tô giáo và Hindu giáo: người Hindu nghĩ những ai không phải là người Hindu giáo thì chẳng có cơ may nào; người Ki tô giáo nghĩ những người không tới qua nhà thờ, những người không đi qua nhà thờ, đều sẽ phải chịu đoạ địa ngục vĩnh viễn - không giới hạn, vô tận, mãi mãi.

Phật nói: Không có tội nhân, không có thánh nhân; không có gì là thuần khiết, không có gì là dơ bẩn, mọi sự đều như chúng vẫn thế. Bạn cứ thử ra thuyết phục cây mà xem, hỏi cây, “Sao mày lại xanh thế? Sao mày không mầu đỏ?”

Và nếu cây lắng nghe bạn, thì nó sẽ thần kinh - “Tại sao tôi lại không mầu đỏ? Tại sao? Thực tế, câu hỏi có quan hệ đấy. Tại sao tôi lại mầu xanh nhỉ?” Kết án mầu xanh và ngợi ca mầu đỏ, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ thấy cây nằm trên trường kỉ nhà phân tâm học để được phân tích, giúp đỡ.

Trước hết bạn tạo ra vấn đề, và thế rồi người cứu tinh tới. Đấy quả là một công việc đẹp đẽ. Phật chặt ngay từ chính gốc. Ông ấy nói: Bạn là cái bạn đang là. Không có gì phải cải thiện, không phải đi đâu cả. Và đây là toàn bộ cách tiếp cận của tôi nữa: bạn hoàn hảo như bạn có thể vậy, không thể nào nhiều hơn. Cái ‘hơn thế’ sẽ chỉ tạo ra rắc rối cho bạn. Cái ý tưởng về ‘hơn thế’ sẽ làm bạn phát điên. Chấp nhận tự nhiên đi, sống một cách tự nhiên, đơn giản, tự phát, khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia, và có linh thiêng - bởi vì bạn là toàn thể, không phải bởi vì bạn đã trở thành thánh nhân.

... không vẩn đục hay tinh khiết,

không khiếm khuyết hay hoàn chỉnh

Không cái gì là hoàn chỉnh và không cái gì là không hoàn chỉnh cả; những giá trị này là vô nghĩa. Phật nói: Tại đây, này Sariputra, nơi ta hiện hữu, không gì là tốt, không gì là xấu. Tại đây, nơi ta hiện hữu, luân hồi và niết bàn là một. Không có phân biệt giữa báng bổ và thiêng liêng. Tại đây, nơi ta hiện hữu, tất cả tất cả mọi phân biệt đều đã biến mất, bởi vì phân biệt do ý nghĩ tạo ra. Khi ý nghĩ biến mất, phân biệt cũng biến mất.

Tội nhân do ý nghĩ tạo ra, còn thánh nhân cũng do ý nghĩ tạo ra. Thượng đế và cái xấu đều do ý nghĩ tạo ra. Chính một mình ý nghĩ tạo ra những phân biệt này. Phật nói: Khi tri thức biến mất, ý nghĩ biến mất. Không có nhị nguyên. Tất cả là cái một.

Có câu châm ngôn nổi tiếng của Sosan: Trong cõi giới cao hơn của việc phản ánh như thế đúng đắn không có cái ta mà cũng không có cái khác hơn cái ta.

Khi đi tìm sự đồng nhất trực tiếp,

chúng ta chỉ có thể nói ‘bất nhị’.

Một trong tất cả, tất cả trong một: nếu điều này được hiểu, thì không còn lo nghĩ về sự không hoàn hảo của bạn Một trong tất cả, tất cả trong một - nếu điều này được hiểu, thì không còn lo nghĩ về sự không hoàn hảo của bạn. Không có hoàn hảo, không có sự không hoàn hảo. Thấy nó, và thấy nó ngay bây giờ đi! Đừng tới muộn rồi lại hỏi tôi cách làm điều đó. Không có ‘cách’ nào cả. ‘Cách’ là đưa tới tri thức - và tri thức là cái đáng nguyền rủa.

Không có môi giới méo mó của ý nghĩ, bạn rơi vào sự thống nhất với cái toàn thể. Không có ý nghĩ vận hành giữa bạn và thực tế, tất cả mọi phân biệt biến mất, bạn được bắc cầu. Và đó là điều mà con người cứ khao khát thường xuyên. Bạn cảm thấy mất gốc rễ, mất gốc rễ với cái toàn thể. Đó là cái khổ của bạn. Và bạn bị mất gốc rễ bởi vì cái môi giới méo mó của ý nghĩ này. Bỏ môi giới méo mó của ý nghĩ này đi, bỏ những môi giới này đi, nhìn vào thực tại như nó vẫn thế, không có ý tưởng trong tâm trí mình, không có ý tưởng về cách nó phải thế nào. Nhìn với sự hồn nhiên. Nhìn với cái không biết và mọi lo nghĩ sẽ biến mất. Trong biến mất của lo nghĩ đó bạn trở thành vị Phật.

Bạn là vị Phật! Nhưng bạn bỏ lỡ bởi vì bạn đang mang những môi giới méo mó quanh mình. Bạn có con mắt hoàn chỉnh và bạn lại đeo kính. Những cái kính đó làm méo mó, chúng tô mầu, chúng làm cho mọi vật dường như không phải là chúng. Vứt kính đi! Đấy là điều được ngụ ý khi chúng ta nói “Vứt tâm trí đi.” Phủ định tâm trí và có im lặng - và trong im lặng đó bạn là điều thiêng liêng. Bạn chưa bao giờ là bất kì cái gì khác, bạn bao giờ cũng là cái đó. Nhưng nhận biết tới, hiểu biết tới.

Bạn bỗng nhiên thấy ra vấn đề: rằng bạn đã cố gắng gắn chân cho rắn. Ngay từ đầu việc đó là chẳng cần thiết - rắn hoàn toàn là tuyệt hảo! Không có chân, nó vẫn di chuyển hoàn hảo. Chỉ từ so sánh bạn mới cố gắng gắn chân cho nó. Nếu bạn thành công, bạn sẽ giết chết con rắn. May mắn là bạn chẳng bao giờ có thể thành công được.

Bạn đang cố gắng để trở thành hiểu biết và đó là lí do tại sao bạn làm mất cảm nhận của mình, cái biết của bạn, khả năng của bạn để thấy. Đó là điều tôi ngụ ý qua ‘gắn chân cho rắn’. Việc biết là bản tính của bạn. Không cần phải có tri thức để biết. Trong thực tế, tri thức là cái cản trở, tri thức là cái đáng nguyền rủa.

Phủ định tri thức và hiện hữu đi - và bạn là vị Phật, và bạn bao giờ cũng là vị Phật.

Đủ cho hôm nay.

* Trong các kinh sách cổ của Việt Nam vẫn dịch là Xá Lợi Phất hay Xá Lợi Tử

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đứa trẻ nổi loạn - Osho

Tự truyện - Cuộc đời luận sư Osho